NSƯT Chí Trung bật mí hậu trường "bất ổn" trong phim Thông gia ngõ hẹp chuẩn bị lên sóng
NSƯT Chí Trung bật mí hậu trường "bất ổn" trong phim “Thông gia ngõ hẹp” chuẩn bị lên sóng
Ngọc Linh
Thứ năm, ngày 15/09/2022 14:00 PM (GMT+7)
Những tình huống dở khóc dở cười phía sau hậu trường đóng “Thông gia ngõ hẹp” đã được NSƯT Chí Trung bật mí với Dân Việt trong cuộc trò chuyện mới đây.
Bộ phim Thông gia ngõ hẹp sẽ lên sóng vào tối 16/9 tới đây, ngay sau khi phim Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ kết thúc.Thông gia ngõ hẹp là câu chuyện gia đình vô cùng tréo ngoe được kể dưới góc nhìn hài hước xoay quanh những xung đột, rắc rối giữa hai gia đình của cặp đôi Phan (Trọng Lân) - Linh (Việt Hoa).
Trong phim, NSND Trọng Trinh và NSƯT Chí Trung là 2 ông thông gia tương lai. Họ vốn là bạn cũ và có mối thâm thù từ thời trẻ. Khi vô tình bị mắc kẹt và phải sống trong cùng một ngôi nhà suốt 1 tuần, nhiều vấn đề nảy sinh khiến họ càng ghét nhau hơn. Giữa 2 người có nhiều tình huống cười ra nước mắt và những cuộc ẩu đả "lên bờ xuống ruộng".
Mới đây trong cuộc trò chuyện với Dân Việt, NSƯT Chí Trung đã có những bật mí hậu trường vô cùng "bất ổn" khi thực hiện bộ phim Thông gia ngõ hẹp.
NSƯT Chí Trung bật mí "cú lừa" ngoạn mục của đạo diễn Trịnh Lê Phong
Sau vai diễn bộ phim Ghét thì yêu thôi khán giả mới được thấy NSƯT Chí Trung trở lại tham gia một dự án phim truyền hình. Đó là do anh kén chọn kịch bản hay có lý do nào đó đặc biệt hơn khiến anh ít khi xuất hiện trên phim truyền hình?
- Có một lý do rất đơn giản tôi nói có thể không ai tin dù đó là sự thật. Không có ai mời tôi làm phim cả. Để mà nói chính xác thì cũng có những lời mời nhưng vì còn là Giám đốc Nhà hát tôi không thể đi quay xa, quay dài ngày được. Cũng có những bộ phim vì đọc kịch bản cảm thấy không phù hợp nên tôi không nhận. Nói tóm lại là không có ai mời.
Thời gian khoảng cuối tháng 6, khi tôi vừa bắt đầu nghỉ hưu thi nhận được lời mời của đạo diễn Trịnh Lê Phong vào vai ông Phúc trong Thông gia ngõ hẹp, tôi rất thích và hào hứng vô cùng. Khi Trịnh Lê Phong mời ai tham gia phim chắc chắn đã có ý đồ trong đầu. Trịnh Lê Phong cũng là một người hiểu tôi từng chân tơ kẽ tóc. Thậm chí, tôi không cần phải đọc kịch bản, chẳng phải trăn trở, suy nghĩ, sáng tạo cho vai diễn. Chỉ cần Trịnh Lê Phong có lời tôi tin tưởng đây là vai diễn viết ra để dành cho tôi rồi. Từng câu chữ, từng giọng điệu cho đến phục trang của nhân vật đều có trong từng tế bào nhỏ của con người của chính mình.
Được biết bộ phim Thông gia ngõ hẹp được ghi hình suốt hơn một tháng trong một homestay trên Phú Thọ. Từng là một người ngại đi xa để làm phim, chắc hẳn đạo diễn Trịnh Lê Phong cũng đã làm cách nào để thuyết phục được anh tham gia dự án phim này?
- Bản chất chuyện đi ngoại tỉnh quay phim cả tháng trời lần này là một "cú lừa" ngoạn mục. (cười) Tôi vẫn giữ quan điểm không đi quay xa. Vì tôi làm nghề không mong cầu gì cả, danh tiếng tôi tạm có rồi, lợi lộc thì thôi, vì lương hưu cũng đủ sống, cơm ăn một bữa có nửa bát vì tiểu đường. Tôi làm phim chỉ vì vui và tôi quý mến Trịnh Lê Phong, Phong mời vai gì tôi cũng đóng.
Ngay khi nhận phim tôi đã hỏi, thế có đi quay xa không, thì nhà sản xuất bảo không! chỉ quay loanh quanh gần Lương Sơn, Hoà Bình vài buổi, thế thì tôi đồng ý. Buổi đầu tiên thấy không phải lên Lương Sơn mà lên thẳng Mộc Châu đã thấy "sai sai" rồi. Nhưng thôi, Mộc Châu cũng đẹp, lắm cảnh để ngắm, tôi đi cùng đoàn lên 3 ngày, cũng đã thấy ê lưng rồi đấy (cười).
Quay ở Mộc Châu xong, ekip lại bảo bây giờ đạo diễn muốn quay một số cảnh núi rừng nguyên sơ trên vườn quốc gia Xuân Sơn, Phú Thọ. Nào có ai ngờ, nhà sản xuất cho cả ekip "nằm" cả tháng trên đấy (cười). Rất may là tôi "tỉnh đòn", tôi đi ô tô riêng, 4 ngày ở lại liên tục tôi không chịu được nên chào "thân ái" anh em trong đoàn để về Hà Nội, hôm sau lại vòng lên sớm để tiếp tục quay.
Chưa kể, Trịnh Lê Phong bảo tôi vào vai phụ một tí thôi thì tôi mới nhận. Nhưng thôi, hoá ra mình lại là vai chính. Tôi, cô Tuyết Liên, NSND Trọng Trinh, toàn mấy ông bà già trong đoàn vào vai chính. Diễn viên trẻ Trọng Lân và Việt Hoa lại là vai nền thôi.
Suốt một tháng "đóng quân" trên rừng quốc gia Xuân Sơn để làm phim chắc hẳn là trải nghiệm thú vị với NSƯT Chí Trung?
- Vườn quốc gia Xuân Sơn phải nói là rất đẹp. Bao phủ bốn bề là núi cao, cảnh quan quá tuyệt vời. Homestay đoàn phim ở lại thì đẹp mĩ mãn. Nhưng mà đẹp là một chuyện, còn vắt chui vào giường thì lại là chuyện khác (cười). Nào là cả rắn bò "đi chơi" lang thang, cả chim cút, đỉa, vắt thì cực nhiều. Muỗi rừng thì to hơn con ruồi.
Tôi xuống suối một tí thôi mà đã có hai con đỉa bu vào. Bước chân lên thấy máu chảy ầm ầm ra, nhìn xuống thì đã thấy con đỉa no căng. Nhưng bù lại cảnh thiên nhiên hùng vĩ, cứ 5-6 giờ sáng tôi dậy chạy bộ trong làn sương mờ, không khí trong lành và thực sự thư thái.
Ở trong phim NSƯT Chí Trung và NSND Trọng Trinh sẽ vào vai hai ông thông gia "kỳ phùng địch thủ", còn ở ngoài đời hai anh có thân thiết và thường xuyên làm việc chung?
- Chúng tôi trước đây không có cơ hội làm việc chung nhiều. Anh Trinh công tác bên Nhà hát kịch Việt Nam, còn tôi lại công tác bên Nhà hát Tuổi trẻ. Hai anh em cùng thế hệ nhưng anh Trinh hơn tôi 5 tuổi. Hai anh em lại có tính cách khác nhau, anh Trinh luôn chỉn chu, thường làm những vai chính kịch, không đóng hài kịch bao giờ. Còn tôi thì tố chất hài ở ngoài còn nhiều hơn cả trên sân khấu và phim ảnh, hay đùa, hay bông lơn. Hai tính cách khác hẳn nhau.
Lần này được làm phim cũng anh Trinh cũng là kỷ niệm rất đẹp. Chúng tôi ở chung phòng, hai anh em lôi vali đồ ra cả hai có đủ hết mọi vật dụng sinh hoạt, thuốc men, đồ ăn, bánh nào cũng giống nhau, sữa giống nhau, nước chanh, đường, mật ong,... Vali đồ cả hai anh em chỉ thiếu mỗi tủ lạnh với tivi (cười). Anh Trinh cũng là người chu đáo.
Hai anh em đều bước vào tuổi già cả, nhưng tôi sinh hoạt thì hơn anh Trinh là tôi chăm tập thể thao. Anh Trinh thì chắc là kẻ thù của thể thao vì tôi không thấy anh tập tành gì.
Ở cùng ông thông gia "nặng nợ" suốt thời gian dài chắc hẳn anh cũng biết một số tật xấu của NSND Trọng Trinh, anh có thể bật mí đôi chút không?
- Anh Trọng Trinh "nghiền" cà phê đen nặng. Sáng uống, trưa uống, đêm cũng uống cà phê. 8 giờ ăn tối xong hai anh em đã mắc màn ngồi tâm sự vì muỗi nhiều lắm. Nói chuyện được một lúc thì ông Trinh mò ra ngoài hút thuốc, uống cà phê đến 11 giờ đêm mới vào. Tôi bảo anh Trinh: "Em biết vì sao da anh đen xì rồi, uống nhiều cà phê thế không đen mới lạ". (cười)
Kết quả của ly cà phê kết thúc lúc 11 giờ đêm là ông Trinh mất ngủ. 2-3 giờ sáng tôi thức giấc mấy lần vẫn thấy ông Trinh nằm xem điện thoại. 4-5 giờ sáng mới thấy ông anh ngủ được tí.
Trong thời gian quay, có lúc anh Trịnh bị ốm, người mệt lả đi, bỏ cơm không ăn, nhưng vợ gọi điện vẫn trả lời như khoẻ lắm, tỉnh táo lắm. Lúc đầu ai cũng hoảng hồn vì tưởng ông anh bị mắc Covid-19. Tôi ở cùng ông Trinh, tôi "bó cẩn" đeo khẩu trang đi ngủ, phòng khi không may ông Trinh bị Covid-19 thật. Không thấy ông Trinh cắt sốt nên đoàn phải đưa đi viện truyền nước và cũng may không phải bị Covid-19 mà bị sốt virus.
Suốt thời gian làm phim trên Phú Thọ có những kỷ niệm nào đáng nhớ sau hậu trường anh có thể chia sẻ với khán giả?
- Đi quay phim vào đúng tháng cô hồn nên cũng lắm tình huống bất ổn thực sự. Có một cảnh quay ông Phúc (NSƯT Chí Trung) dẫn ông Khôi (NSND Trọng Trinh) đi bắt cá suối và bị hụt chân. Trước khi quay thì anh em cũng có dặn nhau là suối cũng chảy ra xiết, mà cũng có đoạn sâu anh Trinh cẩn thận. Nhưng không may đúng chỗ ông Trinh hụt chân nước rất sâu và mọi người cũng cứ chắc mẩm, chắc nước sâu lắm cũng đâu đó 40-50cm là cùng.
Khổ nỗi là ông Trọng Trinh lại không biết bơi, ông Trinh chìm nghỉm, không thấy lên nữa thì mọi người vẫn cứ tưởng diễn. May quá Trọng Lân nhảy bổ xuống ôm Trọng Trinh lên, Trinh cũng hoảng hồn: "Tôi có biết bơi đâu, tôi tưởng tôi chết rồi". Những cảnh hụt chân khi lên phim là cảnh hụt thật chứ không phải diễn.
Rồi được cả Trọng Lân, có cảnh quay nhảy vèo xuống cầu thang cắm đầu gối xuống đất máu me be bét, đi viện khâu 6 mũi. Nói chung lại đây cũng là chuyến đi quay bão táp và để lại nhiều kỷ niệm. Hy vọng khi lên phim khán giả sẽ thấy hay và đón nhận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.