Những năm 1990, rừng ở Bảo Ái bạt ngàn gỗ quý. Ông Thành theo bạn bè cùng trang lứa lên rừng lấy gỗ về làm nhà và để mưu sinh. Những cây gỗ to cả người ôm bị đốn hạ không thương tiếc.
Dần dần ông nhận ra rằng, rừng có nhiều gỗ đến mấy thì khai thác mãi cũng cạn kiệt. Bởi vậy, khi Nhà nước có chủ trương giao đất lâm nghiệp cho dân trồng rừng, ông đã nhận những quả đồi hoang vu lau lách để trồng rừng. Khi đó, "vốn liếng” của ông chỉ là sức lao động của gia đình và ý chí làm giàu từ rừng.
Để thực hiện ước mơ làm giàu từ rừng, ngày ngày hai vợ chồng ông đùm cơm gạo lên đồi phát cỏ trồng cây. Mỗi ngày trồng vài chục cây và 8 năm sau, ông đã có những cánh rừng xanh ngát. Nhưng 3 ha rừng đầu tiên của vợ chồng ông khai thác bán cũng chỉ thu về có 80 triệu đồng.
Ông nhẩm tính: nếu cứ bán rừng non thì không thể khá lên được, vì lại phải dốc hết vốn liếng tái đầu tư. Để giải quyết bài toán kinh tế, chỉ có thể nuôi rừng gỗ lớn, vì cây càng to thì càng giá trị.
Với cách nghĩ này, ông bàn với vợ trồng 7 ha rừng keo và lần này nuôi đến khi nào cây không phát triển được nữa mới bán. Tuy nhiên, khi rừng keo đã bén rễ lên xanh thì ông đứng trước gánh nặng cơm áo gạo tiền.
Để có tiền nuôi con cái học hành và nuôi rừng, ông khoác ba lô đi làm thuê mướn đủ thứ việc. Vợ ông ở nhà thì chăn nuôi lợn, gà để có tiền nuôi hai đứa con ăn học. Khi cánh rừng đủ tuổi khai thác, ông tỉa bán dần những cây kém phát triển.
Mãi đến năm 2016, ngành nông nghiệp mới có chủ trương thí điểm trồng rừng gỗ lớn thì việc này ông Thành đã làm cách đây gần chục năm.
Ông phân tích: nếu trồng rừng gỗ nhỏ thì chỉ dùng làm gỗ dăm hoặc nguyên liệu giấy. Giá bán mỗi mét khối được trên dưới một triệu đồng mà cứ hết 5 hoặc 6 năm là phải dốc vốn liếng để đầu tư cho chu kỳ mới.
Trong khi đó, trồng cây gỗ lớn để lấy gỗ xẻ phục vụ chế biến thì mình nuôi càng lâu, đường kính thân cây càng lớn càng được giá, bởi từ năm thứ 5 và năm thứ 8, cây rừng có sự sinh trưởng, phát triển mạnh.
Tuy nhiên, với mật độ cây dày đã gây ra cạnh tranh dinh dưỡng, nên nếu không tỉa thưa thì cây có xu hướng phát triển về chiều cao, hạn chế phát triển đường kính.
Việc tỉa thưa sẽ giúp mở tán, giảm cạnh tranh dinh dưỡng để cây sinh trưởng mạnh về đường kính. Do vậy, đường kính cây rừng kinh doanh gỗ lớn có thể tăng gấp đôi so với kinh doanh gỗ nhỏ.
Hiện tại, cây có đường kính từ 25 - 30 cm bán được từ 2,3 - 2,5 triệu đồng/m khối gỗ, chưa kể chỉ đầu tư vốn, giống để trồng một lần nên giá trị kinh tế vừa cao hơn vừa góp phần không nhỏ bảo vệ môi trường.
Khi hỏi về kinh tế rừng, ông Thành cho hay: "Có người đến trả cánh rừng này 1,2 tỷ đồng rồi nhưng tôi chưa bán. Giờ kinh tế cũng đã tạm ổn, nên khi nào cây không phát triển được nữa thì lúc đó mới tính. Còn hiện tại, chỉ cần tỉa thưa rừng là gia đình tôi đã bảo đảm tốt cuộc sống”.