Chiêm ngưỡng hàng trăm hiện vật quý về Bác Hồ trong triển lãm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"
Tại Triển lãm "Văn hoá soi đường cho quốc dân đi" đã trưng bày hàng trăm hình ảnh, hiện vật quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hoá Việt Nam và gắn liền với đời sống thanh cao, giản dị của Hồ Chủ tịch.
Chiều 16/11 triển lãm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" đã được khai mạc tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2, phố Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Triển lãm trưng bày 320 hình ảnh, hơn 123 tài liệu, hiện vật quý.
Các nội dung chính được giới thiệu trong triển lãm gồm: Một số hình ảnh về văn hóa Việt Nam trước năm 1930; Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam; Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển văn hóa; Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước; Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc.
Đáng chú ý trong triển lãm là phần trưng bày "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam". Triển lãm đã lựa chọn những hình ảnh, hiện vật, tài liệu, thư, bản thảo, tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa nghệ thuật, với các văn nghệ sĩ, nhà trí thức, nhà khoa học Việt Nam để khắc họa những tư tưởng của Bác về văn hóa.
Ngoài ra triển lãm cũng giới thiệu một số hiện vật quý liên quan đến phong cách và lối sống giản dị, thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những hiện vật về phong cách, lối sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh như đôi guốc mộc, bộ quần áo lụa được sử dụng từ năm 1954 và chiếc gậy mây được Hồ Chủ tịch sử dụng từ năm 1967.
Ảnh tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác đã đi đến nhiều quốc gia, để lại nhiều dấu ấn về tình hữu nghị, đoàn kết, góp phần vào cuộc đấu tranh cho hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Ngoài ra còn rất nhiều những tác phẩm viết về Bác cũng được trưng bày trong triển lãm.
Triển lãm thu hút nhiều sự quan tâm của người dân ở mọi lứa tuổi.
Ông Đoàn Văn Mừng (64 tuổi) sống tại phường Lê Đại Hành (Hà Nội) cho biết, ông rất xúc động khi đọc lại các văn kiện, nghị quyết của Đảng thông qua các kỳ Đại hội Đảng. "Đây là những tư liệu rất quý, nhiều tư liệu liên quan đến Bác Hồ mà giờ tôi mới được biết", ông Mừng chia sẻ.
Bên cạnh đó, triển lãm còn giới thiệu các văn bản, nghị quyết của Đảng về văn hóa qua các kỳ Đại hội Đảng, trong đó có Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ. Bản “Đề cương văn hóa” do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo đăng trên tạp chí Tiền Phong, cơ quan vận động Văn hóa mới thuộc Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam, xuất bản ra ngày 10/11/1945.
Đĩa hát do Bộ trưởng Bộ Văn hoá Liên Xô tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 9/1969.
Cờ thi đua do Bộ Giáo dục tặng xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 1961-1966.
Triển lãm diễn ra từ ngày 16 đến 27/11 tại Trung tâm Triển lãm Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam và ngày 24/11 tại Nhà Quốc hội.