Thời gian gần đây, nhiều cơ quan truyền thông và dư luận xã hội phản ánh học phí học lái xe ở một số nơi tăng cao, học viên không được học đủ các nội dung chương trình và các tình huống theo quy định, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các sở GTVT kiểm tra, xử lý vi phạm về thời gian và quãng đường học của học viên.
Đánh giá về việc học lái xe ô tô, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe, Cục đã yêu cầu các sở GTVT tăng cường kiểm tra công tác tuyển sinh và quy trình học của học viên tại các cơ sở đào tạo để kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm.
"Chú trọng kiểm tra việc đăng ký học qua trung gian, thu học phí không đúng theo quy định và các điều kiện về độ tuổi, sức khỏe, trình độ văn hóa, thâm niên lái xe và số km lái xe an toàn đối với người học", bà Hiền nêu.
Đối với việc học lái xe ô tô trên đường, Cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu kiểm tra nội dung, chương trình đào tạo, nội dung học viên có được học đủ hay không.
Bên cạnh đó là kiểm tra việc lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát thời gian học môn pháp luật giao thông đường bộ, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường (DAT).
Các sở GTVT chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe ô tô kiểm tra dữ liệu các phiên học của từng học viên trên cơ sở dữ liệu thiết bị DAT, không đưa vào danh sách tham dự kỳ sát hạch đối với các học viên có dữ liệu của các phiên học không đúng quy định hoặc không học đủ nội dung bài học lái xe trên đường.
Cùng với đó, các sở GTVT truy cập vào máy chủ của cơ sở đào tạo để kiểm tra, xử lý vi phạm về dữ liệu DAT.
Đối với phòng chống tiêu cực trong sát hạch, bà Hiền cho biết, Cục cũng chỉ đạo các sở GTVT yêu cầu các Trung tâm sát hạch lái xe cung cấp tài khoản và phương thức truy cập để kết nối với hệ thống camera lắp đặt tại phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch, tổ chức giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong quá trình sát hạch.
Các sở GTVT kiểm tra máy chủ và các máy tính của phòng sát hạch lý thuyết, kiểm tra xe sát hạch thực hành trong hình trước khi học viên lên xe sát hạch để kịp thời phát hiện, xử lý đối với các trường hợp máy tính kết nối không đủ quy định, trên xe sát hạch có các thiết bị thu phát để gian lận trong quá trình sát hạch.
"Chỉ đạo các hội đồng sát hạch, tổ sát hạch có biện pháp ngăn chặn học viên sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong quá trình sát hạch", bà Hiền thông tin.
Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, trên mạng xã hội xôn xao hình ảnh đang được lan truyền về một chiếc xe ô tô tập lái xe màu trắng được gắn gần 10 thiết bị đo đếm, theo dõi tập lái xe ô tô, kèm theo nội dung: "810 km đường trường để thi sát hạch? Đừng lo đã có thầy! Ơ thế là "hack" được thật hả...?"
Nội dung này đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận và nhiều người lo ngại nếu đây là sự thật thì người được cấp giấy phép lái xe có đảm bảo được tính an toàn khi lái xe khi ra đường hay không?
Để làm rõ việc giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe ô tô bằng cách nào? Trao đổi với PV Dân Việt, một Giám đốc Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe ô tô cho biết: "Nghị định 138/2018/NĐ-CP đã quy định rõ điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe".
"Nghị định có nội dung về việc bắt buộc các cơ sở đào tạo lái xe ô tô, Trung tâm sát hạch lái xe phải thực hiện trang bị thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường của học viên theo lộ trình do Bộ Giao thông vận tải quy định", vị này cho hay.
Theo vị này, đi cùng với quy định từ nghị định 138, Thông tư 01/2021/BGTVT cũng quy định rõ lộ trình đối với các đơn vị đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe phải có trách nhiệm trang bị thiết bị giám sát quãng đường và thời gian học lái xe trước 1/1/2022.
Các thiết bị DAT được lắp đặt trên xe dạy lái, xe tập lái cần có chứng nhận phù hợp QCVN105:2020/BGTVT, đây là quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe.