Bước vào trận đấu ở vòng 1/8 EURO 2024, các cầu thủ Rumania đã gây bất ngờ khi họ tràn lên tấn công và liên tục ép đội bóng mạnh hơn là ĐT Hà Lan phải lùi về sân nhà phòng ngự. Các cầu thủ Hà Lan đã rất vất vả để thoát pressing trong quãng thời gian này. Nhưng chỉ sau khoảng 15 phút, các cầu thủ Hà Lan bắt đầu lấy lại thế trận. Họ kiểm soát bóng và đẩy các cầu thủ Rumania về phía sân nhà.
Từ lúc này đến hết hiệp 1, giống như ĐT Pháp… sau khi tỏ ra thiếu sức mạnh, trục trặc trong phối hợp, tổ chức thi đấu trên sân ở 3 trận đấu vòng bảng, ĐT Hà Lan bắt đầu vào guồng. Họ tổ chức phòng ngự chắc chắn, ngoại trừ pha chuyền hỏng của số 4, trung vệ đội trưởng Virgil van Dijk tạo cơ hội cho pha chuyển đổi trạng thái khá nguy hiểm của các cầu thủ Rumania cuối hiệp 1, còn lại họ gần như không để xảy ra sai lầm, kể cả trong thời gian các cầu thủ Rumania tổng lực ép sân lúc đầu trận. Trong khi ở chiều ngược lại, hậu vệ Rumania liên tục để xảy ra sơ hở. Kể cả những sai lầm khá sơ đẳng như trong 2 tình huống cài người để che bóng đi hết đường biên ngang không thành công của hậu vệ Rumania, tạo ra 2 cơ hội ghi bàn cho tiền đạo Hà Lan, trong đó có 1 tình huống ở hiệp 2 biến thành bàn thắng nâng tỷ số trận đấu lên 2 – 0.
Trong khi các đội bóng khác ở châu Âu trong giai đoạn kiểm soát bóng của mình, thường tổ chức phối hợp qua lại bằng rất nhiều các đường chuyền, chờ đợi sơ hở của hàng phòng ngự đối phương để tổ chức các cuộc tấn công, điển hình cho lối đá này là ĐT Tây Ban Nha, thì điểm đặc biệt mà không có đội bóng nào ở giải đấu này có được, đó là trong giai đoạn kiểm soát bóng, tập trung tấn công ở hiệp 1 trận đấu này, các cầu thủ Hà Lan thường xuyên chỉ dùng 3 - 5 đường chuyền qua lại trên sân nhà trước khi thực sự tổ chức 1 cuộc tấn công. Việc liên tục duy trì mật độ tấn công như vậy làm rối loạn hàng phòng thủ Rumania, khiến họ không kịp ổn định đội hình, phân công người theo kèm các cầu thủ Hà Lan đang di chuyển rất linh hoạt. Với tỷ lệ thời gian kiểm soát bóng tới hơn 60% và mật độ các cuộc tấn công dày đặc như vậy, chúng ta hình dung ra số lượng các cuộc tấn công mà các cầu thủ Hà Lan tổ chức hướng về phía khung thành Rumania là nhiều như thế nào.
Đây là khoảng thời gian mà khoảng trống giữa hậu vệ cánh và trung vệ của ĐT Rumania liên tục bị khai thác. Một trong các pha bóng đó dẫn đến pha xử lý rất hay của cầu thủ số 11 Gakpo, khi anh bẻ bóng từ cánh trái vào trong sang chân thuận, nhưng khác với Mbappe vốn ưu thích sút bóng vào góc xa, Gakpo lại sút thẳng vào góc hẹp mở tỷ số trận đấu, giúp anh có bàn thắng thứ 3 cho ĐT Hà Lan ở EURO 2024.
Vào hiệp 2, các cầu thủ Hà Lan chủ động thay đổi nhịp độ trận đấu. Họ không liên tục gây áp lực như ở hiệp 1 nữa, thay vào đó họ đá chậm lại, đôi khi nhường các cầu thủ Rumania đang sốt ruột tìm kiếm bàn gỡ kiểm soát bóng, để thỉnh thoảng tung ra các đường phản công rất nguy hiểm. Giai đoạn này của trận đấu cũng như những phút đầu trận thể hiện được khả năng phòng thủ chắc chắn của các học trò HLV Ronald Koeman. Các đường tấn công của Rumania bị đọc vị và ngăn chặn từ khá sớm. Mặc dù có thời gian kiểm soát bóng nhiều hơn so với cuối hiệp 1, nhưng ĐT Rumania lại gần như không tạo ra được cơ hội rõ rệt nào.
Cả từ những pha phản công lẫn các tình huống phối hợp tấn công gây sức ép trong hiệp 2, các cầu thủ Hà Lan đã có nhiều cơ hội ghi bàn, nhưng họ đã không tận dụng được. Có thể nói, khả năng tận dụng cơ hội để ghi bàn là điểm trừ trong 1 trận đấu hay của ĐT Hà Lan trước ĐT Rumania. Nếu họ tận dụng tốt cơ hội, kết quả đã không chỉ là 3 – 0.
Vượt lên trên mọi chỉ trích của giới chuyên môn trong nước về lối đá cũng như thành tích của đội bóng ngay từ những trận đấu ở vòng loại EURO 2024, HLV Ronald Koeman đã rất kiên định. Những gì các cầu thủ Hà Lan thể hiện ở trận đấu này đã chứng minh rằng con đường xây dựng đội bóng của ông là đúng đắn. Từ 1 đội bóng bị chê trách, các học trò của HLV Ronald Koeman đã bước vào vòng tứ kết với tư cách ứng cử viên cho chức vô địch.