Sau loạt bài “Xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia”: Coi chừng trại nuôi thành “sân sau”

Lam Anh - Hoàng Chiên Thứ ba, ngày 11/08/2020 10:40 AM (GMT+7)
Nguyên nhân xuất phát từ thói quen sử dụng thịt động vật hoang dã (ĐVHD) của người dân sống dựa vào rừng và niềm tin về việc các loài hoang dã là thuốc chữa bệnh, tăng cường sinh lực, sức khỏe và thể hiện vị trí đẳng cấp của giới có tiền.
Bình luận 0

Sau khi đọc loạt bài đăng tải trên Báo NTNN/điện tử Dân Việt với nhan đề "Xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia", tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh - Giám đốc quốc gia của Tổ chức bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) tại Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PV NTNN/điện tử Dân Việt xung quanh vấn nạn này.

Niềm tin thiếu tính nhân văn

Theo ông, vì sao Việt Nam là nước diễn ra nạn buôn bán và sử dụng các sản phẩm từ hổ nói riêng và động vật hoang dã nói chung khá thường xuyên?

- Nguyên nhân xuất phát từ thói quen sử dụng thịt động vật hoang dã (ĐVHD) của người dân sống dựa vào rừng và niềm tin về việc các loài hoang dã là thuốc chữa bệnh, tăng cường sinh lực, sức khỏe và thể hiện vị trí đẳng cấp của giới có tiền. Cũng ở Việt Nam, các sản phẩm từ hổ để nấu cao làm thuốc đã từng được ghi chép thành sách y học cổ truyền và được truyền dạy trong các cơ sở đào tạo y học cổ truyền.

Sau loạt bài “Xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia”: Coi chừng trại nuôi thành “sân sau” - Ảnh 1.

Cảnh cưỡi hổ của người chăm sóc hổ ở Thái Nguyên. Ảnh: T.L

"Buôn bán hổ và các sản phẩm từ hổ như cao hổ, da, xương, móng vuốt hổ là nguyên nhân lớn nhất đẩy loài hổ ở Việt Nam đến bờ vực tuyệt chủng. Từ năm 1997 tới nay, không thấy ghi nhận bằng chứng sinh sản hổ trong tự nhiên tại Việt Nam".

Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh

Theo ông, các quy định về lĩnh vực này đã đủ sức răn đe?

- Việt Nam có đầy đủ các quy định pháp lý bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp. Nhưng việc thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế, thậm chí còn buông lỏng, nể nang và chính cán bộ thực thi pháp luật nắm luật kém như việc cấp phép nuôi hổ sinh sản vì mục đích thương mại của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên (mà loạt bài của Báo NTNN/Dân Việt) phản ánh là một ví dụ.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh

WWF đã từng kiến nghị, đưa ra giải pháp như thế nào để Việt Nam có thể làm tốt hơn?

- WWF không ủng hộ việc nuôi nhốt ĐVHD vì mục đích thương mại. Chúng tôi chỉ cân nhắc việc bảo tồn chuyển vị (bảo tồn trong môi trường nuôi nhốt có kiểm soát ngoài sinh cảnh tự nhiên của chúng) các loài hoang dã khi không còn giải pháp bảo tồn nào khác.

Sau loạt bài “Xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia”: Coi chừng trại nuôi thành “sân sau”  - Ảnh 3.

Với các cơ sở đăng ký nuôi nhốt hổ thử nghiệm theo công văn của Văn phòng Chính phủ, cần: Tổ chức kiểm kê, đánh giá tất cả các cơ sở nuôi nhốt hổ trên toàn quốc có sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ về bảo tồn thiên nhiên; đánh dấu, lập hồ sơ gen cho từng cá thể để đảm bảo rằng chúng không bị trà trộn giữa các trại và là "sân sau" của hổ nuôi nhốt từ nước khác; đồng thời tăng cường giám sát các cơ sở; hợp tác cởi mở với các tổ chức phi chính phủ nhằm tìm ra biện pháp hữu hiệu nhất cho vấn đề nuôi nhốt hổ thử nghiệm.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phát triển quần thể thú mồi của hổ ở các khu bảo tồn và vườn quốc gia vốn là sinh cảnh của hổ bằng việc thử nghiệm nhân nuôi, tái thả một số loài là thú mồi ưa thích của chúng…

Bên cạnh vấn đề trên, nạn buôn bán sử dụng sản phẩm từ hổ có nguy cơ gì cho sức khỏe con người, thưa ông?

- Đại dịch Covid-19 đã truyền đi thông điệp của thiên nhiên để cảnh tỉnh con người rằng đã đến lúc cần phải có cách nhìn và ứng xử mới với thiên nhiên vì chính sự tồn vong của con người. Hổ được xếp vào loài có nguy cơ cao lây truyền bệnh sang con người. Người ta cũng đã được ghi nhận trường hợp bị nhiễm Covid-19 từ người chăm sóc hổ trong trang trại.

Việc nuôi nhốt hổ trong điều kiện chuồng trại chưa đảm bảo an toàn phù hợp với tập tính của loài như ở Thái Nguyên, Nghệ An… tiềm ẩn rủi ro đối với tính mạng và tài sản của người dân địa phương, gây hoang mang cho cộng đồng dân cư nơi đó.

WWF sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam về kỹ thuật để chấm dứt các "bi kịch" của hổ như việc nuôi thương mại, nuôi và buôn bán trái phép các sản phẩm từ hổ, góp phần loại trừ một mối đe dọa bệnh dịch bùng phát từ nuôi nhốt hổ.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem