Sóc Trăng: Lạ, ông nông dân tỷ phú ngủ ở chòi lá xơ xác, trồng thứ cây như hành, bỏ hàng tỷ làm từ thiện

Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 12/10/2020 06:25 AM (GMT+7)
Khi nói nông dân làm ra tiền tỷ nhiều người nghĩ chắc nông dân tỷ phú đó phải nuôi, trồng cây con đặc sản, độc lạ. Nhưng ông Lâm Văn Phấn, ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) làm ra tiền tỷ chỉ nhờ trồng cây hẹ, cây lúa. Đặc biệt, mỗi năm ông tỷ phú nông dân bỏ ra vài tỷ để làm từ thiện.
Bình luận 0

Thu nhập cao từ trồng hẹ và trồng lúa

Khi phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN gặp ông ông Lâm Văn Phấn, ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cũng là lúc ông đang ngoài ruộng chăm sóc 3.500m2 đất trồng cây hẹ. 

Ông Phấn vui vẻ cho hay, hẹ ông trồng đang ở giai đoạn chuẩn bị thu hoạch và hứa hẹn cho lợi nhuận khá và lâu dài.

"Hẹ này tôi trồng chủ yếu bán bông cho thương lái từ 16.000-20.000 đồng/kg, còn bán lá hẹ có giá 13.000 đồng/kg" - ông Phấn nói.

Lão nông ngủ chòi lá, chỉ trồng hẹ, trồng lúa nhưng có hàng tỷ đồng làm từ thiện - Ảnh 1.

Lão nông Lâm Văn Phấn ở ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng trồng hẹ cho thu nhập cao.

Ông Phấn nói thêm: "Do trồng hẹ chủ yếu để bán bông nên tôi không thu hoạch dứt điểm 1 lần mà cách từ 2-3 ngày thu hoạch 1 lần, cứ vậy đến cuối năm. Theo tôi tính toán, với diện tích này, mỗi năm có doanh thu khoảng 200 triệu đồng, trừ hết chi phí sản xuất và tiền thuê nhân công thì còn khoảng 100 triệu đồng".

Theo lão nông này, hẹ dễ trồng, ít bệnh, chỉ cần làm đất giồng cao, có khoảng cách 4 hàng trên 1,1 m, sau 2,5 tháng là có thể thu hoạch dần, sau đó thu hoạch liên tiếp đến 24 tháng sau (hẹ vừa bán được lá, vừa bán được bông). Tuy nhiên, cây hẹ chỉ trồng được 2 năm là phải luân canh cây màu khác đến vài năm rồi mới trồng tiếp lại được.

Lão nông ngủ chòi lá, chỉ trồng hẹ, trồng lúa nhưng có hàng tỷ đồng làm từ thiện - Ảnh 2.

Ông Lâm Văn Phấn, ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng trồng hẹ chủ yếu để thu hoạch bông.

Được biết, gia đình ông Lâm Văn Phấn có truyền thống làm nghề nông. Nên trước đây, sau khi được cha mẹ cho 6.000m2 đất, ông đã bắt tay trồng đậu đũa. 

Với công chăm sóc của ông, đậu đũa phát triển tốt và luôn cho năng suất cao, bán được giá. Tuy nhiên, về sau, do không mua được dụng cụ làm dàn cho đậu đũa leo nên ông đã chuyển sang trồng hẹ. "Nhờ cây hẹ mà tôi mới thoát nghèo và có của ăn của để" – ông Phấn nhấn mạnh.

Tiền lời trồng đậu đũa, trồng hẹ, trồng lúa được bao nhiêu ông Phấn đều dành để mua đất để nhân rộng diện tích. 

Hiện ông Phấn đã có tổng cộng 7ha đất, trong đó, ngoài diện tích trồng hẹ, còn lại là trồng lúa. Mỗi năm, ông Phấn có tổng thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Lão nông ngủ chòi lá, chỉ trồng hẹ, trồng lúa nhưng có hàng tỷ đồng làm từ thiện - Ảnh 3.

Bông hẹ đang được ông Lâm Văn Phấn, ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng bán với giá giao động từ 16.000-20.000 đồng/kg

Theo phóng viên tìm hiểu, ông Phấn làm lúa 2 vụ, với 2 giống chủ lực là giống lúa OM 6976 (giá bán khoảng 5.900 đồng/kg) và giống lúa Hàm Trâu (giá bán khoảng 6.400 đồng/kg). Hiện trà lúa Hè Thu đang sắp thu hoạch, ước năng suất đạt từ 800 - 900 kg/công.

"Ở đây do thiếu nước tưới nên chỉ thích hợp làm 2 vụ lúa và chỉ sản xuất được giống OM 6976 và Hàm Trâu. Vì 2 giống lúa này phụ hợp với thổ nhưỡng nơi này nên dễ trồng, có năng suất, bán có lời, còn lúa thơm trồng không hợp, cho năng suất rất thấp, lợi nhuận thấp" – ông Phấn chia sẻ thêm.

Ông nông dân tỷ phú Lâm Văn Phấn ở ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng nói về việc trồng hẹ, trồng lúa và làm từ thiện

Khi phóng viên đề cập sao không mở rộng diện tích trồng hẹ trong thời gian tới, ông Phấn cho biết do tuổi đã lớn muốn làm công việc vừa sức, hơn nữa nhân công lao động lại khó thuê, con ông thì đã phụ công việc trồng lúa.

Ngoài ra, ông còn vừa đảm nhận nhiệm vụ cố vấn cho tổ hợp tác (THT) trồng hoa màu trong ấp mới thành lập. THT này có 8 thành viên là người trong ấp, tổng diện tích sản xuất khoảng 1,3 ha. Chưa dừng lại ở đó, ông Phấn còn làm tổ trưởng THT trồng lúa ấp Tắc Gồng (16 thành viên tham gia, tổng diện tích sản xuất khoảng 20 ha).

Làm từ thiện từ lợi nhuận kiếm được

Ngồi trong căn chòi lá của mình cùng phóng viên, ông Phấn chia sẻ, đã hơn 10 năm qua, ông đều ăn uống và ngủ ở cái chòi lá có phần xơ xác này để canh giữ ruộng hẹ và lúa. Chỉ khi nào thật rảnh rỗi mới về bên nhà (cách ruộng hẹ hơn 1km).

Lão nông ngủ chòi lá, chỉ trồng hẹ, trồng lúa nhưng có hàng tỷ đồng làm từ thiện - Ảnh 4.

Ông Lâm Văn Phấn, ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng có hơn 6ha trồng lúa cho thu nhập ổn định hằng năm

Hiện nay, tiền lời kiếm được, ngoài chi tiêu trong gia đình, ông đều dành để làm từ thiện. Cụ thể, ông Phấn đã đóng góp 2,2 tỷ đồng (bao gồm kinh phí vận động từ người thân, nhà hảo tâm, các mạnh thường quân) xây mới và sửa chữa 4 cây cầu, 3 tuyến đường giao thông nông thôn; xây mới 2 nhà nghỉ mát cho nông dân đi làm đồng, nghỉ trưa' hỗ trợ gạo cho bà con trong các dịp lễ, tết…

Ông Phấn còn tích cực đóng góp ngày công lao động thực hiện các công trình ở địa phương phát động như đi phát hoang cỏ dại, trồng hoa, xây dựng cột cờ, cổng rào và cải tạo nhà ở xanh, sạch, đẹp…

Ngoài ra, với vai trò là người uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, ông Phấn phối hợp chặt chẽ các đoàn thể thực hiện các chính sách hỗ trợ về vốn vay phát triển sản xuất cho hộ khó khăn, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, từ đó đã góp phần đáng kể tăng thu nhập cho hộ dân trên địa bàn xã.

Lão nông ngủ chòi lá, chỉ trồng hẹ, trồng lúa nhưng có hàng tỷ đồng làm từ thiện - Ảnh 5.

Hơn 10 năm qua, ông Lâm Văn Phấn đều ăn uống và ngủ ở chòi lá này để canh giữ ruộng hẹ và lúa, chỉ khi nào thật rảnh rỗi mới về bên nhà

Trong 15 năm qua, ông Phấn thường xuyên vận động nhân dân quyên góp tiền giúp đỡ cho những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật,…Đặc biệt, ông còn vận động, giúp đỡ thường xuyên 25 người với số gạo 30 kg/người/tháng (tổng giá trị đến thời điểm này là hơn 1,6 tỷ đồng).

Xã Tham Đôn là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm 73% dân số toàn xã). Thời gian qua, bên cạnh sự hỗ trợ đầu tư của ngành chức năng tỉnh và huyện, sự chung sức của người dân, trong đó có ông Phấn đã giúp tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã từ trên 31% giảm còn 2,76%, giúp địa phương được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2018.

Theo UBND xã Tham Đôn, ông Phấn rất nhiệt tình chia sẻ cách làm phát triển kinh tế hộ gia đình đồng thời tích cực vận động bà con cùng tham gia vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn xã Tham Đôn. Do đó, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Từ năm 2018 đến nay, ông Lâm Văn Phấn nhận được giấy khen của nhiều sở, ngành tỉnh Sóc Trăng vì có thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, có thành tích xuất sắc trong công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội tại địa phương.

Ông cũng nhận nhiều bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, ông còn nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.

Đặc biệt, trong 2020 này, ông Lâm Văn Phấn còn vinh dự được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu của toàn quốc được vinh danh là "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020".

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020 dự kiến được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10/2020 tại Thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020).

 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem