Thảo luận Dự án Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi: Chưa rõ cơ quan thực hiện trưng cầu ý dân

Long Nguyên Thứ năm, ngày 23/10/2014 06:25 AM (GMT+7)
Ngày 22.10, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quanh hai vấn đề đáng chú ý, đó là cách thức tổ chức trưng cầu ý dân và tăng số lượng đại biểu chuyên trách. 
Bình luận 0

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết: Về trưng cầu ý dân, có ý kiến đề nghị không nên quy định vấn đề này trong luật vì sắp tới sẽ có Luật Trưng cầu ý dân quy định. Có ý kiến đề nghị làm rõ quy định “khi xét thấy cần thiết” là khi nào và bổ sung quy định về quy mô, thời gian, cách thức trưng cầu ý dân.

imgNhiều ý kiến đề nghị nâng số ĐBQH chuyên trách lên ít nhất là 50% so với hiện nay. 

Tuy nhiên, về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhận định: Trưng cầu ý dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng đã được Hiến pháp ghi nhận, do vậy phải được Luật Tổ chức Quốc hội quy định. Vì vậy, dự thảo luật đã bỏ cụm từ “khi xét thấy cần thiết” và cụ thể hóa khoản 15 Điều 70 của Hiến pháp về các trường hợp Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân, các chủ thể có quyền đề nghị Quốc hội trưng cầu ý dân là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội; đồng thời khẳng định kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân; còn cách thức, trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân sẽ do Luật Trưng cầu ý dân quy định.

Đóng góp ý kiến, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị: “Quốc hội cần gấp rút xây dựng Luật Trưng cầu ý dân bởi điều này sẽ bảo đảm việc quy định rõ những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân cũng như quy mô của các cuộc trưng cầu ý dân”. Đại biểu Nghĩa cũng nhấn mạnh thêm: Theo dự thảo luật, việc quyết định tổ chức trưng cầu ý dân thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa quy định cơ quan nào triển khai thực hiện việc này. Vì vậy, phải chỉ rõ trong luật, cơ quan nào có trách nhiệm triển khai thực hiện trưng cầu ý dân của Quốc hội, cách thức thực hiện ra sao để bảo đảm tính khả thi của luật.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) thì cho rằng: “Cần quy định trong trường hợp cần thiết như thế nào thì Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân. Bên cạnh đó, phải bổ sung đầy đủ trình tự, thủ tục, hệ quả của việc trưng cầu ý dân”. Một số đại biểu cũng đề nghị nên quy định ngay trong luật rằng cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai nhiệm vụ trưng cầu ý dân là Hội đồng Bầu cử quốc gia bởi hoạt động bầu cử và tổ chức trưng cầu ý dân có điểm tương đồng về bản chất và cách thức thực hiện.

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về việc nâng cao số lượng, vai trò, trách nhiệm của đại biểu hoạt động chuyên trách. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhấn mạnh: “Đại biểu chuyên trách phải thường xuyên tiếp xúc cử tri tại cơ quan, trực tiếp nắm tâm tư, nguyện vọng của cử tri, vì thế cần quy định rõ số lượng đại biểu chuyên trách ở địa phương”.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng: “Tôi đề nghị nâng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách ít nhất là 50%, trong đó có đại biểu chuyên trách hoạt động ở địa phương”.

Đại biểu Đỗ Văn Đương khẳng định: “Đại biểu chuyên trách không nên là người có chức vụ”. Để làm rõ ý kiến của mình, đại biểu Đương phân tích: “Để tăng tính chuyên nghiệp của các đại biểu chuyên trách thì tiêu chuẩn trước hết phải là sự đòi hỏi cao về trình độ, năng lực. Những đại biểu chuyên trách phải là người từng trải, tinh thông về nghiệp vụ, lĩnh vực mà họ phụ trách để phát hiện tốt, đúng, nhanh những vấn đề bất cập, bất hợp lý khi thẩm tra báo cáo, giám sát. Vì vậy, đại biểu chuyên trách ít nhất phải là chuyên viên cao cấp và vì chất lượng chung thì không nên chọn người có chức vụ.”.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đồng tình với quy định lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội. Theo dự thảo luật, chức danh Tổng Thư ký Quốc hội là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, cách chức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem