Thủ tục công bố hợp quy thuốc thú y: Người chăn nuôi đang thua lỗ, lại thêm nỗi lo... tăng giá thuốc
Thủ tục công bố hợp quy thuốc thú y: Người chăn nuôi đang thua lỗ, lại thêm nỗi lo... tăng giá thuốc
Trần Quang
Thứ hai, ngày 05/02/2024 08:03 AM (GMT+7)
Theo nhiều chủ trang trại, hiện nay người chăn nuôi đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, rủi ro, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi khiến giá thành chăn nuôi tăng cao. Vì thế, việc thêm một "thủ tục hành chính" là công bố hợp quy thuốc thú y sẽ làm cho giá thuốc tăng lên, người chăn nuôi càng thêm khó khăn.
Như Dân Việt đã phản ánh, mới đây Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh thuốc thú y đã có văn bản kiến nghị khẩn gửi tới các cơ quan chức năng về việc đề nghị tiếp tục giãn, tiến tới bãi bỏ thủ tục công bố hợp quy thuốc thú y (sẽ phải áp dụng từ 14/2) tới đây theo Thông tư của Bộ NNPTNT. Trước thông tin này, rất nhiều người chăn nuôi đã tỏ ra lo lắng.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết, so với thời điểm đầu tháng 1 đến nay, giá lợn hơi đã tăng lên khoảng gần 60.000 đồng/kg. Dù giá tăng nhẹ nhưng các thành viên của HTX vừa chăn nuôi vừa lo nổ dịch, chi phí chăn nuôi bị đội cao hơn.
"Người chăn nuôi lợn giờ như đánh bạc với trời. Ăn được bữa nay đã lo bữa mai thất bát", ông Thắng nói và cho hay: Trước đây lúc chăn nuôi thịnh, các thành viên của HTX có số lượng đàn lợn rất cao lên đến trên 20.000 con nhưng sau một thời gian dịch bệnh đe dọa, ảnh hưởng nhiều, đến nay nhiều trại của đơn vị đang liên tục nổ dịch khiến đàn lợn bị giảm còn chưa đến 50%.
Phân tích thêm về giá thành chăn nuôi, ông Thắng cho biết, dù giá thức chăn nuôi nuôi đã giảm nhưng giá mặt hàng này vẫn ở mức rất cao. Thông thường một lứa lợn đơn vị phải nuôi từ 5 tháng 15 ngày đến trên dưới 6 tháng, tùy từng lứa.
Lượng cám tiêu tốn cho mỗi đàn lợn cũng rất lớn. Đơn cử một con lợn tính ra cám sữa tập ăn nửa bao gần 600.000 đồng/bao; cám cho lợn con khoảng 1 bao 25kg giá gần 500.000 đồng/bao; cám lợn nhỡ 2 bao khoảng gần 360.000 đồng/bao; giá cam lợn thịt từ 80kg đến 1,1 tạ ăn hết 5 bao cám 25kg loại gần 330.000 đồng/bao.
Tính thêm tiền phụ phí khác như thuốc thú y từ 150.000 đồng đến trên 200.000 đồng; điện, nước, khấu hao chuồng trại, hao hụt 5%.
Tính ra một con lợn nuôi trại lạnh đến khi xuất chuồng sẽ tiêu hao hết khoảng 5 triệu đồng đến 5,2 triệu đồng. Nếu lợn nuôi nông hộ, trại hở thì giá thành sẽ còn bị đội lên cao thêm rất nhiều, tùy trường hợp.
"Giá thành chăn nuôi tăng cao đã đành, dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi thường xuyên đe dọa và đánh gục nhiều trang trại. Tôi có hàng chục "đồng nghiệp" cũng đang trong tình cảnh sống dở chết dở, có trại mới mất hàng nghìn con lợn thiệt hại lên đến gần chục tỷ đồng", ông Thắng bộc bạch.
Người chăn nuôi đã "một cổ nhiều tròng", xin đừng thêm "tròng" nào nữa
Ông Thắng khẳng định: Hiện các trang trại đã bị dịch tả xâm nhập vẫn chưa thể dập được dịch nên đàn lợn vẫn chết nhiều nhưng người chăn nuôi vẫn phải cầm cự để tìm cơ hội làm lại, gỡ nợ.
"Nếu giá thành chăn nuôi, nhất giá thức ăn chăn nuôi, giá thuốc thú y vẫn tiếp tục tăng thì người chăn nuôi có thể bị dồn vào đường cùng buộc phải phá sản, bỏ quê hương đi làm công nhân hoặc chuyển việc khác nhưng sẽ rất khó khăn", đại diện HTX Hòa Mỹ buồn rầu nói.
Vào những ngày này, ông Vũ Tiến Sỹ, HTX Chăn nuôi Hải Đăng ở Lạc Thủy (Hòa Bình) như "ngồi trên đống lửa". Cả đơn vị đang nuôi trên 20 vạn gà, trong đó có hơn 2 vạn con thương phẩm đến tuổi xuất bán nhưng tiêu thụ rất khó khăn.
"Cách đây 1 tháng giá gà lên tới trên 95.000 đồng/kg, dễ bán nhưng đến dịp cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn giá gà lại rơi rụng dần còn khoảng 84.000 đồng đến 85.000 đồng/kg nhưng vẫn không có khách mua. Càng để nuôi thêm, gà ăn nhiều hơn nhưng không tăng trọng lượng mà còn làm cho giá thành bị đội lên cao, đến giờ chúng tôi bán bị lỗ nhưng cũng không đẩy hàng đi được", ông Sỹ nói.
Mấy tháng nay giá cám có xu hướng giảm nhưng vẫn chỉ giảm nhỏ giọt, giá thuốc thu y vẫn ở mức cao... khiến giá thành gà thương phẩm vẫn ở mức khoảng trên 80.000 đồng/kg đến 84.000 đồng/kg. Đối với chi phí thuốc thú y tương đương khoảng từ 12.000 đồng/con gà 2kg, có con yếu tiêu hao đến vài chục nghìn đồng.
"Giá vật tư đầu vào tăng cao, cộng với dịch bệnh thường xuyên đe dọa như dây thòng lọng mắc vào cổ người nuôi. Dù bà con rất cố gắng nhưng mãi vẫn chưa tìm được đầu mối để gỡ dây thoát hiểm, thậm chí có hộ tiêm vaccine cúm rồi nhưng dịch bệnh lại biến chủng vẫn gây thiệt hại nặng hoặc trắng tay", ông Sỹ khẳng định.
Phản ánh thêm đến Dân Việt, đại diện HTX Hải Đăng cho hay: Là HTX kiểu mới làm ăn rất hiệu quả với nhiều mặt hàng, trong đó có nhân giống, bảo tồn và phát triển đàn gà đặc sản - gà Lạc Thủy (Hòa Bình) nhưng nhiều năm nay đơn vị rất khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ để phát triển HTX.
"Dù đã nhiều năm đề nghị lên huyện, tỉnh, trung ương nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa có trụ sở để làm việc, chưa có nơi, kho bãi, nhà xưởng để chế biến sâu gia tăng giá trị cho sản phẩm. Chúng tôi cam kết chỉ cần nhà nước hỗ trợ mặt bằng, đơn vị sẽ tự bỏ tiền ra mua đất, làm nhà xưởng nhưng nhiều năm nay mọi lời đề nghị của chúng tôi đến giờ vẫn vô vọng khiến HTX khó chồng khó", ông Sỹ nói.
Kiến nghị thêm về quy định hợp quy với thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, đại diện HTX Hải Đăng cho rằng: Hiện, người chăn nuôi đang trong tình trạng "một cổ nhiều tròng", bà con đã quá khổ cực, rủi ro nên chúng tôi rất mong Bộ NNPTNT và các cơ quan liên quan cần sớm bãi bỏ quy định hợp quy với thuốc thú y, thức ăn để giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp sản xuất và người trực tiếp chăn nuôi.
"Nếu Chính phủ và các bộ ngành vẫn áp dụng quy định hợp quy với các mặt hàng quan trọng này sẽ càng đẩy người chăn nuôi vào thế khó hơn, nặng gánh và thua thiệt nhiều hơn. Nhất là đối tượng yếu thế trong chuỗi là nông hộ, các trại nhỏ sẽ phải bỏ cuộc, bỏ chăn nuôi dẫn đến thu nhập giảm, nghèo khó nhiều hơn", ông Sỹ khẳng định.
Cùng kiến nghị với ông Sỹ, ông Thắng, đại diện HTX Hòa Mỹ khẳng định: Trong chăn nuôi, chi phí thức ăn chiếm 65% giá thành sản phẩm. Do đó, khi giá thành không đổi, giá thức ăn tăng cao thì lợi nhuận sụt giảm và ngược lại. Theo đó, chúng tôi rất mong Chính phủ và Bộ Tài chính giảm thuế đối với các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi để hỗ trợ ngành chăn nuôi và người dân.
Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT cần tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan, các tỉnh, thành tiếp tục kiểm soát tốt hơn các nguồn nhập lậu ở các biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia... để giảm nguồn lây lan dịch bệnh và tạo cơ hội cho người chăn nuôi trong nước dễ tiêu thụ sản phẩm với giá hợp lý.
Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, trong suốt thời gian qua, giá mà nông dân và cả doanh nghiệp sản xuất đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì giá thức ăn vẫn còn cao. Đồng thời, dịch bệnh cũng đe dọa đến ngành chăn nuôi, rồi giá cả dao động mức 50.000, khiến cho tất cả người chăn nuôi chịu lỗ.
Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị trước mắt, ngành chuyên môn cũng khuyến cáo, người dân tận dụng các nguồn nguyên liệu để tự phối trộn thức ăn để giảm giá thành. Về lâu dài, cần tìm giải pháp để chủ động nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, việc nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường cũng là cách để đẩy xa khoảng cách giữa chi phí đầu vào và giá thành đầu ra.
Theo đánh giá của các chuyên gia, về nguyên lý, mọi chi phí của doanh nghiệp đều được tính vào giá thành sản phẩm. Giá thành sản phẩm ở đây chính là sản phẩm thuốc thú y và người cuối cùng phải chịu thêm chi phí để thực hiện thủ tục hợp quy công bố thuốc thú y, chính là người nông dân. Trong khi đó, thời gian vừa qua, Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, việc thêm một thủ tục hành chính vừa gây khó khăn cho chăn nuôi vừa không giúp ích cho việc kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.