Tiết lộ sững sờ từ những chủ buôn đá màu Suối Giàng (Bài 3)

Nhóm Phóng viên Điều tra Thứ sáu, ngày 06/09/2024 13:30 PM (GMT+7)
Từ những ngọn núi ở Suối Giàng đến các cửa hàng hoành tráng ở trung tâm huyện Văn Chấn (Yên Bái), chúng tôi được nghe những tiết lộ sững sờ của giới khai thác, vận chuyển, buôn bán đá cảnh.
Bình luận 0

Video vạch trần các chiêu trò khai thác, mua bán đá cảnh trái phép ở Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái). Thực hiện: Nhóm Phóng viên Điều tra.

Tiết lộ sững sờ từ những chủ buôn đá màu Suối Giàng (Bài 3) - Ảnh 1.

Gặp chúng tôi tại nhà riêng, anh ta thừa nhận đang bán cả núi đá cảnh, đá màu Suối Giàng. Trong quá trình "trực tiếp làm ăn", anh ta có quay lại rất nhiều video về quá trình cắt đá, với những cỗ máy hiện đại tại hiện trường trên núi cao. Nhân công cắt đá ngồi lên hai cái tay cầm của máy cắt công nghiệp, chạy bằng điện với sức gào rú và "bổ đôi" các khối đá ngọt lịm.

img
img
img
img

Những chiếc xe tải cỡ lớn chở tảng đá nguyên khối kỳ vĩ từ ngọn núi sắc ra đường quốc lộ. Ảnh: Dân Việt.

Anh ta cho chúng tôi xem clip sốc hơn: Xe chở tảng đá nguyên khối kỳ vĩ vừa bứng ra khỏi ngọn núi sắc màu chạy ầm ầm giữa ban ngày. Đ.A cho chúng tôi xem các loại đá lấy từ "Cây 7 Suối Giàngrẽ vào đường bê tông, đi sâu vào trong"; "Ở đây toàn đá tự nhiên, đá xanh và càng nhiều màu xanh thì càng được coi là ngọc quý". 

Để thuyết phục chúng tôi mua hàng, Đ.A cho xem một phiến đá mỹ nghệ Suối Giàng chính hiệu ở khu trưng bày của chính cậu. Sau một hồi mặc cả tới lui, cu cậu giảm giá cho còn 190 triệu đồng. Khối đá cao 3m, dày 68cm, rộng 2m. "Ở đây chúng em bán rẻ, vì các anh mua tận gốc rồi. Chứ bên ngoài họ bán đắt gấp đôi. Vì họ toàn lấy đá ở đây rồi đem ra đó bán kiếm lời mà", cậu ta nhấn mạnh.

Cậu cho chúng tôi xem hình ảnh tấm đá mỹ miều cao hơn 5m, đang được đặt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, "giá đã bán là 2,3 tỷ đồng". "Viên đá này mà xanh hơn thì đắt như ngọc, bé xíu đã có giá vài trăm triệu đồng", Đ.A giới thiệu trong tiếng rít của máy cắt đá, máy nghiền đá.

Đặc biệt, từ các video của Đ.A, cậu thừa nhận mình đã quay ở Suối Giàng và đã gửi nó tới nhiều khách hàng và khách hàng tiềm năng để bán các kho đá mỹ nghệ đắt đỏ; có thể thấy bức chân dung sững sờ và tê tái buồn của "đá tặc" nơi này! Như đã nói, để các thiết bị cơ giới: Xe ô tô tải, máy cẩu, cẩu ban ngày, cẩu ban đêm, máy cắt, máy khai thác… theo kiểu dời non lấp bể như thế, nếu cơ quan điều tra chứng minh được đó là sự thật ở mỏ đá cảnh/đá mỹ nghệ ở Suối Giàng, thì quả thật rất tày trời!

Tiết lộ sững sờ từ những chủ buôn đá màu Suối Giàng (Bài 3) - Ảnh 6.

Tiết lộ sững sờ từ những chủ buôn đá màu Suối Giàng (Bài 3) - Ảnh 7.

Đến lúc này có thể thấy, chuyện diễn ra từ rất lâu và vố số đá cảnh đã bị khai thác trái phép tuồn đi "bán lậu" thu siêu lợi nhuận cho nhiều người.

Ở cách thị trấn Văn Chấn vài trăm mét, ngay mặt đường quốc lộ. Một chủ đá cảnh nhiều năm làm ăn "vào cầu", xếp la liệt các khối đá lớn đã đóng gói, bọc kín nilon và xốp theo quy cách gửi bưu phẩm chuyển phát nhanh ở ngay trước nhà ông. Ông chờ xe cẩu, xe của các đơn vị bưu chính đến cõng hàng đi, bán cho khách hàng khắp cả nước. Cảnh sầm uất trên diễn ra vào tháng 8/2024. Trước đó, gặp chúng tôi từ năm 2020, ông cũng thịnh phát buôn bán đá cảnh, đá mỹ nghệ như bây giờ.

img
img
img
img

Đ.A cho chúng tôi xem các loại đá lấy từ "Cây 7 Suối Giàng". Ảnh: Dân Việt.

Một khối đá ngũ sắc cao 3,7m, rộng 2,3m, dày 0,8m, nặng 14 tấn được ông phát giá 150 triệu đồng. Trong đó, chi phí vận chuyển 30 triệu đồng, còn lại là tiền nguyên liệu, tiền công mài và cả "tiền luật" để đưa đá từ Suối Giàng ra. Nhưng vị này vẫn dặn: "Đá ở đây mua ít không sao, một bộ không sao, mua nhiều là bắt đấy. Đá ở đây không được cấp phép khai thác, thế mới khổ".

Theo lời tư vấn, khách ưng hàng nào, chuyển tiền sẽ có người vận chuyển đến tận nhà. Bên máy cẩu, xe tải đã lo lót và thu tiền trọn gói giao hàng, họ "làm luật" theo tháng, để có thể chuyển được một cách "chuyên nghiệp" như thế - một chủ đá tiết lộ.

Chúng tôi liên lạc qua điện thoại với một đầu mối vận chuyển, bày tỏ mong muốn chở khối đá cảnh lớn về Hà Nội. Ông lái máy cẩu cũng thừa nhận: Chở trong nội khu Suối Giàng hay Văn Chấn thì dễ, ra khỏi địa bàn cần cẩn thận. Có khi họ đi theo ngày chẵn lẻ với quy định "ngầm" của đơn vị nào đó quản lý mảng này. Có khi chờ trời mưa mới vận chuyển, để tránh bị soi?! 

Để tường tận hơn nữa về thế giới ngầm buôn bán đá cảnh ở Văn Chấn, cuối tháng 7/2024 chúng tôi đến xưởng H.M ở thị trấn Sơn Thịnh (huyện Văn Chấn), đóng giả muốn kinh doanh chế tác đá cảnh và định mở một cái xưởng làm ăn to. 

Bà chủ xưởng H.M biết cách để đá không có nguồn gốc nhưng vẫn có thể lưu thông công khai, livestream dõng dạc khắp cõi mạng. Người này cho biết: "Phải thông qua lực lượng QL (chúng tôi tạm thời viết tắt tên của đơn vị này - PV)… hết mà".

Dưới đây là cuộc đối thoại ngắn giữa chúng tôi và bà chủ xưởng đá được ghi lại đầy đủ:

- Có phải qua xã hay thị trấn không?

- Nếu là người ở đây thì cứ làm, chỉ cần thông qua lực lượng QL… người ta cho làm hết, còn người nơi khác đến thì chưa biết.

- Mỗi tháng chi phí "bôi trơn" có nhiều không?

- Em làm ít như thế này thì vài triệu đồng thôi, bên kia nhà em có cơ sở.

- Thủ tục mở cơ sở chế tác đá có khó không?

- Anh người dưới Hà Nội sao không mua sản phẩm đã hoàn thiện ở đây xuống mà buôn bán, chứ mở làm gì cho loằng ngoằng, nếu anh mua theo lô hàng đã chế tác thì sẽ rẻ hơn, mình còn được chọn. Chứ bọn em mua đá thô về có những viên chẳng làm được gì, hóa ra rất thiệt thòi. Vả lại, nhìn đống đá thô vừa ở núi ra, không có nghề thì làm sao biết viên nào đẹp được. Nếu không biết mua thì chết ...

Đấy là em khuyên anh thế. Còn nếu anh vẫn muốn kiểu mở xưởng làm tất ăn cả, làm thì cứ thông qua QL… họ cho làm thì làm được. Trụ sở của họ ở trên này. Nếu anh làm thủ tục tạm trú, rồi mở xưởng ra, có gì họ đến kiểm tra thì "nói chuyện" là xong…

Tiết lộ sững sờ từ những chủ buôn đá màu Suối Giàng (Bài 3) - Ảnh 12.

Chúng tôi vào thăm các khu trưng bày đá cảnh, đá mỹ nghệ, đá màu rực rỡ của Công ty T. ở thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Các khối đá màu đã chế tác cao hơn cả cây cột điện của ngành điện chôn gần đó, ven Quốc lộ 32. Chiếc ô tô 7 chỗ đỗ cạnh đó như con cua đứng cạnh một thân chuối hột đứng như trời trồng.

Bà chủ của cơ sở này tự tin khoe: Công ty chúng tôi trúng phiên đấu giá mặt hàng đá tảng mỹ nghệ từ trên Suối Giàng về. Bà bảo, yên tâm sẽ lo được hoá đơn hợp lệ cho lô hàng, cần hoá đơn đỏ nữa thì bà còn viết khống lên nữa, đem về công ty mà ăn chênh lệch.

img
img
img
img
img

Đá cảnh vẫn được khai thác ở Suối Giàng, chế biến và bán công khai dọc quốc lộ ngay thị trấn Sơn Thịnh (huyện Văn Chấn). Ảnh: Dân Việt.

Bà cho xem hàng của bà bán cho ông Ng, lãnh đạo một Tập đoàn hàng công nghệ cao nổi tiếng của Việt Nam.

"Ông ấy mê đá cảnh Suối Giàng, toàn mua hàng tiền tỷ, trưng bày ở khu nghỉ dưỡng", nói rồi bà mở điện thoại chúng tôi xem các khối đá tuyệt bích được cho rằng đã bán cho ông Ng.

Tiết lộ sững sờ từ những chủ buôn đá màu Suối Giàng (Bài 3) - Ảnh 17.

"Bà con sở tại và nhiều người dân xã khác đến khai thác, dẫn tới tình trạng rất khó xử lý", một lãnh đạo xã Suối Giàng từng thừa nhận. Theo thống kê, khu vực có đá cảnh, đá mỹ nghệ ở Suối Giàng, rộng tới 1.200 ha, trong đó tập trung chủ yếu ở thôn Suối Lóp. Quả thật là trời ban cho Suối Giàng một kho tài nguyên khoáng sản đắt giá và rộng mênh mang!

Gần đây, đã có 930ha đá cảnh/đá mỹ nghệ Suối Giàng được Bộ Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch, triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản với trữ lượng khoảng hơn 2,7 triệu m3.

img
img
img
img

Xen lẫn những quả núi đá màu là khu dân cư đông đúc ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn. Ảnh: Dân Việt.

Theo đó, năm 2023, Bộ TNMT đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung 7 mỏ khoáng sản vào Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2023. Trong đó, có mỏ đá ốp lát thuộc xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái). Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản với mục đích quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu tác động môi trường, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. 

Tuy nhiên, đến nay, tháng 9/2024, khi chúng tôi viết những dòng này, vẫn chưa có một đơn vị nào được cấp quyền khai thác đá cảnh, đá mỹ nghệ ở Suối Giàng. 100% vẫn là khai thác trái phép, bà con đi lấy tài nguyên trên quê hương mình thì đối mặt với quá nhiều rủi ro tính mạng, trong đó có cả các bài toán pháp lý nguy hiểm.

Sau này, chúng tôi nhận được một nguồn tin "mật báo" của một cư dân có trách nhiệm với nguồn tài nguyên thiên nhiên ban tặng ở Suối Giàng. Ông muốn các mỏ đá khổng lồ và quý hiếm này phải được quản lý, khai thác bền vững, minh bạch, trước hết cho người dân Suối Giàng bớt khổ, rồi làm giàu cho non sông gấm vóc. Chứ cứ để tình trạng ăn cắp di sản diễn ra như hiện nay thì quá đau lòng, đầy hiểm họa.

Theo tiết lộ: các khối đá nhỏ và vừa phải được chở ra khỏi "mỏ" bằng xe máy. Bất chấp mọi "bốt gác" đã được dựng lên. Khối đá to hơn họ chở bằng ô tô, trong đêm tối, nhất là lúc nửa đêm về sáng, có hôm "manh động" hơn, họ chở từ 9 đến 10 giờ tối.

"Ngoài khu vực Suối Lóp điểm nóng nổi tiếng, khu vực thôn Giàng Cao cũng không kém phần trầm trọng. Vẫn ngày nào cũng có người khai thác đá cảnh rồi chở ra ngoài. Đường mang đá ra khỏi khai trường lậu, có một lối đi bí mật nữa là trổ ra chỗ Thác Chỉ Lầu", người này thông tin.

Lúc này, các cơ quan chức năng địa phương cần sớm có các biện pháp nhằm giải quyết dứt điểm việc tàn phá, đào bới, bất minh trong việc ứng xử với các kho báu thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Suối Giàng – đó là "những ngọn núi sắc màu"…

(Còn nữa)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem