Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu năm 2019.
Vốn hóa 77 nghìn tỷ, Techcombank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm nay
Quy mô của đợt phát hành trái phiếu này tối đa lên tới 10.000 tỷ đồng và là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm, không kèm chứng quyền. Mệnh giá trái phiếu 1 tỷ đồng hoặc bội số của 100.000 đồng.
Kỳ hạn trái phiếu là 3 năm. Khối lượng phát hành dự kiến mỗi đợt tối đa 5.000 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến sẽ phát hành 5.000 tỷ đồng trong quý III và 5.000 tỷ đồng trong quý IV. Lãi suất cụ thể từng đợt phát hành được ủy quyền do tổng giám đốc quyết định.
Techcombank của ông Hồ Hùng Anh dự kiến huy động 10.000 tỷ đồng trong năm nay
Theo kế hoạch, Techcombank của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh dự kiến phát hành trái phiếu hai đợt trong quý III và quý IV năm nay, với quy mô mỗi đợt 5.000 tỷ đồng. Mục đích là để tăng quy mô hoạt động và các tỷ lệ an toàn vốn.
Đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước hoặc nước ngoài, nhưng không bao gồm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và công ty con của các tổ chức tín dụng.
Theo Techcombank, việc huy động 10.000 tỷ từ trái phiếu là để đáp ứng nhu cầu huy động vốn trung dài hạn và kế hoạch kinh doanh của Techcombank năm 2019. Sau khi phát hành được 10.000 tỷ đồng trái phiếu. dự kiến vốn chủ sở hữu của ngân hàng sẽ tăng lên 61.183 tỷ đồng.
Với khối lượng dự kiến lên tới 10.000 tỷ đồng, Techcombank sẽ là nhà băng có khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành lớn nhất trong năm nay đối với trái phiếu trong nước bên cạnh Vietinbank. Trước đó, Vietinbank đã được NHNN chấp thuận phát hành tối đa 10.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất do ngân hàng tự quyết.
Trên sàn chứng khoán, hiện mã cổ phiếu TCB của Techcombank đang giao dịch ở mức giá 22.200 đồng/cp, giảm gần 14% trong vòng 1 năm qua. Nếu so với thời điểm Techcombank niêm yết trên thị trường chứng khoán, thị giá của mã cổ phiếu này đã bốc bơi 48%. Vốn hóa của Techcombank hiện ở mức 77 nghìn tỷ đồng.
VPBank chi nghìn tỷ “đỡ giá” cổ phiếu
Ở chiều ngược lại, tại Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã ck: VPB) do ông Ngô Chí Dũng làm Chủ tịch HĐQT vừa ban hành Nghị quyết, quyết định mua 50 triệu cổ phiếu, tương đương xấp xỉ 2% lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, làm cổ phiếu quỹ.
Nghị quyết cũng cho biết ngân hàng sẽ mua cổ phiếu trong khoảng giá từ 20.000 đồng – 24.000 đồng/cổ phiếu và thời gian mua sẽ được thực hiện trong quý IV/2019. Như vậy, VPBank sẽ phải chi khoảng 1.000 tỷ đồng để sở hữu 50 triệu cổ phiếu quỹ nói trên.
Nguồn vốn dùng mua cổ phiếu quỹ sẽ được trích từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Nguồn vốn dùng mua cổ phiếu quỹ sẽ được trích từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Hiện tại lợi nhuận năm 2018 còn lại chưa được phân phối của VPBank là 6.252 tỷ đồng.
Hiện tại VPBank của ông Ngô Chí Dũng đang có hơn 73 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 2,894% vốn điều lệ. Nếu việc mua 50 triệu cổ phiếu quỹ thành công thì ngân hàng sẽ nắm tổng lượng cổ phiếu quỹ xấp xỉ 5% vốn điều lệ.
Trước đó, VPBank đã có tờ trình xin ý kiến các cổ đông về việc mua lại cổ phiếu là cổ phiếu quỹ. Trong thông báo gửi tới cổ đông, VPBank cho biết các cơ hội tiềm năng phát triển của ngân hàng vẫn đang được đánh giá tốt. Tuy nhiên, do các yếu tố vĩ mô của thị trường và ngành ngân hàng, dẫn đến sức hấp dẫn cổ phiếu VPB đối với nhà đầu tư không được tốt như trước đây, dẫn đến giá cổ phiếu của VPBank đã giảm nhiều so với thời gian trước.
"Việc mua lại cổ phiếu quỹ với mục tiêu ổn định giá cổ phiếu của ngân hàng, giảm bớt số cổ phiếu đang lưu hành nhằm tăng tỷ lệ sinh lời trên mỗi cổ phiếu cho nhà đầu tư; đồng thời, việc mua lại cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ được xem là việc đầu tư vào một tài sản có giá trị và khả năng sinh lời cao trong tương lai" - thông báo nêu rõ.
Còn tại cuộc họp với các chuyên gia phân tích trên thị trường chứng khoán vừa qua, lãnh đạo VPBank khẳng định việc mua lại cổ phiếu quỹ sẽ không ảnh hưởng tới các chỉ số an toàn vốn của ngân hàng. Vốn chủ sở hữu của VPBank tính đến cuối tháng 6/2019 là hơn 38.200 tỷ đồng. Số vốn trên giữ cho hệ số an toàn vốn của ngân hàng ở mức 11,2%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu 8%, tính theo tiêu chuẩn Basel II.
“Trạng thái vốn của VPBank hiện đang cho phép mua cổ phiếu quỹ,” lãnh đạo VPBank nhấn mạnh, đồng thời cho biết khoản “đầu tư” vào cổ phiếu quỹ sẽ không ảnh hưởng tới nguồn vốn phục vụ mở rộng hoạt động kinh doanh của ngân hàng vì VPBank vẫn còn nhiều phương án tăng vốn. Riêng trong tháng 7/2019, nhà băng này cũng đã phát hành thành công 300 triệu USD trái phiếu quốc tế niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Singapore.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VPB của VPBank nằm trong xu hướng giảm trong 1 năm vừa qua. Thị giá hiện ở mức trên 20.000 đồng một cổ phiếu, chưa bằng một nửa so với mức đỉnh đầu tháng 4 năm ngoái và giảm 16% so giá phiên giao dịch đầu tiên khi ngân hàng này lên sàn. Hiện VPB đang giao dịch ở mức giá 20.300 đồng/cổ phiếu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.