Vụ nâng khống giá thiết bị ở Bạch Mai: Robot ngành Y

Phạm Ngọc Tiến Chủ nhật, ngày 27/09/2020 10:44 AM (GMT+7)
Họ nâng giá robot phẫu thuật thần kinh ở Bạch Mai, nâng khống giá các thiết bị, hành xử vô cảm trong ngành y, hay chính họ đã trở thành những con robot?
Bình luận 0

Cái tin Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) đã khởi tố, lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Quốc Anh (cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" cùng những đồng sự của ông  thực sự là một cú sốc. Cho dù các thông tin trước đó về việc nâng giá thiết bị ở Bạch Mai đã được công bố. Cho dù trước đó nữa, trong khi cả nước oằn mình chống dịch Covid-19, ngày 22/4, Bộ Công an cũng khởi tố Giám đốc CDC Hà Nội, Nguyễn Nhật Cảm cùng nhiều bị can khác đã cấu kết gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Covid-19 lên gấp 3 lần.

Điều không có gì bất ngờ, là đồng tiền đã len vào tận nơi thâm nghiêm là thành trì bảo vệ sự sống con người - ngành Y- để khuynh đảo mọi thứ, không chỉ giáng những cú đấm tàn nhẫn vào y đức mà còn là sự uy hiếp đáng sợ vào một định chế vốn lấy sự nhân văn phục vụ con người, bảo vệ cuộc sống bằng những giá trị sống còn của đạo đức của tính mạng người bệnh. 

Những năm gần đây, ngành Y luôn là những điểm nóng của xã hội. Đây là một ngành đặc thù liên quan trực tiếp đến sự sống con người bằng việc khám chữa bệnh. Đã có nhiều thay đổi trong cơ chế khám chữa bệnh và thay đổi biểu giá phục vụ người bệnh. Tính tự chủ của bệnh viện được quyết định và tôi nghĩ vấn đề nằm ở chỗ này. Các cơ sở y tế do cơ chế tự chủ buộc phải tự mình trang trải từ việc khám chữa bệnh, lo trang thiết bị và cơm áo gạo tiền cho cán bộ nhân viên bệnh viện. Đây là một bài toán khá nan giải.

Nói điều này bởi tôi có những trải nghiệm thực tế. Vợ tôi là phó giám đốc một bệnh viện cấp quận có trên dưới 300 nhân viên. Tự chủ, nhưng mọi quy định đều phải nghiêm ngặt tuân thủ theo các quy chuẩn được ban hành trong ngành và địa phương chủ quản. Những quy định này không phải bao giờ cũng sát thực tiễn. Ở ta sự đồng bộ từ cơ quan cấp Bộ đến cấp Sở và xuống dưới cùng hệ thống chính quyền địa phương điều hành luôn tạo ra những rào cản, nói thẳng ra là không ít trì trệ.

Vụ nâng khống giá thiết bị ở Bạch Mai: Robot ngành Y - Ảnh 2.

Vụ nâng khống giá thiết bị y tế ở bệnh viện Bạch Mai khiến dư luận bức xúc.

Cơ sở y tế tự chủ tài chính nhưng nhất nhất phụ thuộc vào những quy định từ ngành dọc và địa phương. Khi tự chủ, nghĩa là phải áp dụng bài toán xã hội hóa. Trang thiết bị bệnh viện để đáp ứng được nhu cầu hiện đại trong khám chữa bệnh đương nhiên phải huy động nguồn lực từ nhiều phía. 

Huy động từ nội bộ cán bộ nhân viên, từ các đơn vị kinh doanh đặc thù. Đấy là chưa kể đến việc đấu thầu từ thuốc chữa bệnh đến thiết bị máy móc đều liên quan trực tiếp đến những chuyện có thể bắt tay nhau đi ngầm để nâng giá, đẩy giá. Đây chính là kẽ hở, là bất cập của cơ chế nếu rơi vào những cá nhân có quyền lực nhưng không thắng nổi cám dỗ thì hiển nhiên những vụ việc như ở Bạch Mai mới nhất, rất có thể xảy ra. 

Hoàn toàn thông cảm chia sẻ với những sự thay đổi tất yếu ở mọi ngành nghề nhưng với ngành y đặc thù có lẽ cần phải có những chính sách đặc biệt. Tự chủ tài chính là tốt là đúng với đường hướng kinh tế thị trường XHCN nhưng ở nơi liên quan đến tính mạng đến sự sống con người cần phải có một sự nhìn nhận khác biệt. Và trên hết là sự giám sát chặt chẽ bằng những quy định thiết thực chứ không thể buông lỏng như hiện nay. Sự quản lý chồng chéo giữa ngành dọc và địa phương chủ quản cũng là một vấn đề cần được xem xét, chỉnh định.

Nói gì thì nói, nguyên nhân nào thì những người như ông cựu Giám đốc bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh ngoài sự đáng tiếc, đáng buồn thì họ cũng hiện nguyên hình là kẻ trục lợi trên nỗi đau đồng loại. Những người bệnh đã trải qua điều trị ở chính những thiết bị được nâng giá gấp nhiều lần kia, ngoài nỗi đau bệnh tật, thiệt hại kinh tế còn là vết thương không thể chữa lành về tình người, về thế thái, thật vô cùng đau xót. Tôi gọi những người như ông Nguyễn Quốc Anh chính là những con robot vô cảm, độc ác tận cùng.

Điều gì đã biến những thày thuốc mẹ hiền, những tấm gương sáng mặc áo blu thành những con robot lạnh lùng vô cảm trước đồng loại như vậy? Không phải tất cả nhưng giờ đây, có lẽ ngành Y là nơi chịu tổn thất nhiều nhất bởi càng tôn nghiêm bao nhiêu khi bị vấy bẩn thì sự thiệt hại càng không thể đong đếm. Nếu chỉ quy vào cá nhân như ông Nguyễn Quốc Anh thì tôi tin một Anh hùng lao động, một PGS-TS, một người thày đáng kính trước nhiều khóa sinh viên ngành Y khó có thể hành động đê hèn như vậy. Những con robot hoàn chỉnh đến mấy cũng chỉ là vì chúng đã được lập trình.

Con người tạo ra robot và ở đây, trong cụ thể trường hợp này chính cái cơ chế xin cho, cái cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh dù tốt dù tiên tiến, nhưng không được giám sát chặt chẽ, tạo ra những kẽ hở thuận lợi và lòng tham đã biến những thầy thuốc thành robot.

Cần phải chấn chỉnh thay đổi những gì tạo ra robot. Đơn giản vậy thôi. Đơn giản nhưng là bài toán phải giải của những cấp thẩm quyền và những người có trách nhiệm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem