img img
 
img img

imgimglympic Rio 2016 là kỳ Thế vận hội đầu tiên chứng kiến Quốc kỳ Việt Nam được kéo lên ở vị trí cao nhất trong giai điệu Quốc ca hùng tráng, thiêng liêng. Kỳ tích giành huy chương vàng (HCV) của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã làm nức lòng người dân cả nước. Rất nhiều nhà quản lý thể thao, lớp lớp thế hệ huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) đã không ngăn nổi những giọt nước mắt xúc động, tự hào. Nhiều người không thể giải thích vì sao một VĐV phải tập luyện trong điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, thiếu thốn đủ bề như thế lại có thể khiến bạn bè quốc tế phải trầm trồ.

Hình ảnh Hoàng Xuân Vinh về nước trong “biển người” hâm mộ tại sân bay Nội Bài 4 năm trước sẽ mãi mãi ở trong ký ức người dân Việt Nam. Nhưng không phải ai cũng tường tận cơ duyên đưa anh tới bắn súng?

- Tôi cũng như đa số VĐV Việt Nam đều xuất thân trong gia đình khó khăn có 3 anh em, tôi là cả. Mẹ tôi mất sớm từ khi anh em tôi còn nhỏ.

Từ bé, tôi đã rất thương bố. Ông là bộ đội công binh, một chuyên gia bom mìn thời kháng chiến chống Mỹ, đã về hưu nhưng vẫn phải đi làm thêm ở các đơn vị kinh tế để có thêm thu nhập cùng mẹ kế nuôi anh em tôi ăn học.

Sau này, trong những thời khắc khó khăn, chán nản nhất của sự nghiệp, hình ảnh bố luôn hiện lên trong tôi, thôi thúc tôi phải làm được một điều gì đó, tạo dựng được sự nghiệp ổn định, sống có ích để ông yên tâm, không phải lo lắng thêm điều gì dù là nhỏ nhất về tôi.

Những năm còn đi học, vẽ mới là môn học tôi yêu thích nhất. Tôi thấy mình có chút năng khiếu và đã thi vào Trường Mỹ thuật Công Nghiệp nhưng không đạt được nguyện vọng.

Ở thời điểm khá mông lung về tương lai, bố đã định hướng cho tôi nhập ngũ vào Trường Sĩ quan Công Binh đóng ở Sông Bé (Bình Dương – Bình Phước ngày nay – PV) năm 1991, ngay sau khi tốt nghiệp PTTH. Bốn năm sau tôi mới ra Bắc, được ở gần nhà.

Trong môi trường quân ngũ, tôi học hỏi được rất nhiều điều về tính kỷ luật, quyết tâm vượt khó. Ban đầu, tôi tập các môn thể thao quân sự như chạy vũ trang, tập xà, tạ, bơi lội và bắn súng chỉ để đáp ứng yêu cầu huấn luyện.

Bước ngoặt đầu tiên là tại Đại hội TDTT toàn quân năm 1997 ở Cần Thơ - nơi hội tụ rất nhiều quân nhân giỏi từ các đơn vị, binh chủng trên cả nước. Năm đó, tôi bắn rất tốt, được 48-49 điểm/5 viên trong tư thế phải vận động, sau đó nằm bắn.

Đến đây, tôi muốn nhắc tới thầy Trịnh Dũng . Thầy vốn là một cán bộ phòng quân huấn của binh chủng nhưng rất đam mê, tâm huyết với bắn súng và truyền cho tôi những bài học đầu tiên về xạ kích, giúp tôi có những thành tích đầu tiên ở giải phong trào.

Giờ thầy đã nghỉ hưu nhưng trong tất cả những lần gặp lại, tôi luôn bày tỏ sự biết ơn, ngưỡng mộ thầy.

img img

Từ bắn súng phong trào tới thi đấu đỉnh cao là một hành trình dài, phải đối mặt với nhiều khó khăn, sự lựa chọn?

- Mọi thứ tới với tôi như một chữ duyên, sự kết nối liên tiếp giữa những người thầy giúp tôi ngày càng tiến bộ.

Sau giải toàn quân năm 1997, tôi mới biết có đội ngũ cán bộ, HLV của Trung tâm HLTT Quân Đội bây giờ (Thể Công trước đây – PV) tới tuyển chọn. Tôi nhận được công văn đi tập huấn tại Trung tâm trong 3 tháng. Hết 3 tháng, thời hạn được nâng lên 6 tháng và những HLV của tôi phải trả lời cho thủ trưởng biết có giữ VĐV hay không?

Đây là giai đoạn rất khó khăn với tôi mà nếu không có sự xuất hiện của thầy Lê Tuấn Đồng – Nguyễn Quốc Cường ở Trung tâm HLTT Quân Đội thì có lẽ tôi không thể vượt qua.

Lúc ấy, tôi đã là sĩ quan ở Binh chủng công binh nên rất do dự, không biết mình có nên tiếp tục hay không. Nếu tiếp tục, không có gì chắc chắn mình sẽ trở thành 1 VĐV giỏi, gắn bó lâu dài với bắn súng. Khi ấy, không thể trở lại vị trí cũ mà phải chuyển công tác, kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy cho bản thân và gia đình.

Đứng giữa ngã ba đường, thầy Đồng và thầy Cường đã động viên, “chỉ đường” cho tôi. Thầy Cường khẳng định tôi là người có khả năng. Vấn đề còn lại là ở đam mê và nỗ lực của bản thân tôi.

img

Lời thầy tôi vẫn nhớ như in. Thầy nói: “Tôi khuyên Vinh nếu đam mê thì hãy gạt bỏ hết những toan tính thiệt hơn. Muốn tạo dựng tên tuổi thì phải lựa chọn. Đã lựa chọn rồi thì không cho phép sai, không cho phép do dự mà chỉ có thể chấp nhận. Đã chọn, đã thực hiện thì phải cố gắng hết mình với 200% sức lực để thành công”.

Sau này tôi nghĩ, nếu thầy không nói như vậy, có thể tôi đã không lựa chọn nữa. Có thể tôi sẽ quay về đơn vị, làm một sĩ quan như trước hay làm một công việc khác mà không có Hoàng Xuân Vinh bây giờ.

Có lẽ hành trình dài đưa tôi từ bắn súng phong trào tới chuyên nghiệp không phải là thời gian đơn thuần. Nó thực sự rất dài nếu xét trên khía cạnh sự thay đổi, biến chuyển về tư duy, nhận thức.

Và chỉ mất 2 năm sau khi tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp trong màu áo Quân Đội, năm 2000 anh được gọi vào đội tuyển Việt Nam và đúng 1 năm sau có tấm HCV đồng đội tại kỳ SEA Games 2001 (Malaysia) - một khởi đầu như mơ…

- Tôi đã rất hạnh phúc bởi ngay trong lần đầu tiên xuất ngoại, ngay ở kỳ SEA Games đầu tiên với rất nhiều áp lực được thi đấu bên cạnh “đàn anh” Nguyễn Mạnh Tường, Phạm Cao Sơn, tôi đã thành công.

Thành tích đó cũng như một nén tâm nhang mà tôi thắp cho người mẹ kế của mình khi bà mất vào đúng năm 2001.

Như vậy là tôi cần 3 năm để có HCV đồng đội SEA Games và có ngờ đâu phải thêm 6 năm nữa, tại SEA Games 2007 (Thái Lan) tôi mới có tấm HCV cá nhân đầu tiên.

Năm đó, tôi đã giành 2 HCV cá nhân, đồng đội súng ngắn ổ quay. Cảm giác rất sung sướng khi mình một lần nữa vượt qua giới hạn của bản thân. Hai tấm HCV đó cũng giúp bắn súng Việt Nam “lội ngược dòng” hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chiến thắng rất kịch tính không chỉ của cả nhân tôi mà toàn đội. Trước buổi sáng ngày thi đấu cuối cùng môn bắn súng SEA Games 2007, bắn súng Việt Nam mới chỉ có 3 HCV, còn thiếu 2 HCV so với chỉ tiêu và lãnh đội khá lo lắng. Chúng tôi vào trường bắn rất áp lực nhưng đã thể hiện được hết những phẩm chất tốt nhất. Thừa thắng xông lên, đội súng trường giành thêm 2 HCV cá nhân, đồng đội nữa và toàn đội giành 7 HCV, vượt chỉ tiêu 2 tấm.

Thời gian trôi đi, tính đến kỳ SEA Games 2019 (Philippines) cuối năm ngoái, tôi đã có 10 kỳ SEA Games liên tiếp. Đó cũng là cột mốc đáng nhớ!

img img
img img

Là một xạ thủ đẳng cấp thế giới và từng trải trăm trận ở mọi giải đấu, mọi cấp độ trong nước và quốc tế, Hoàng Xuân Vinh đặc biệt biết ơn những người thầy. Anh chia sẻ: Tôi nghĩ đúng là đệ tử không thể tìm được thầy, chỉ có thầy với kinh nghiệm, sự lọc lõi, con mắt tinh đời mới nhìn ra đệ tử. Sau 2 cột mốc kể trên gắn với những HLV đáng kính, tôi lên đội tuyển và được HLV Nguyễn Thị Nhung cùng chuyên gia Hàn Quốc Park Chung-gun dẫn dắt. Họ là những người giúp tôi vượt qua “cú ngã” để đời tại ASIAD 2010 (Quảng Châu – Trung Quốc). Kể từ đó, tôi không bao giờ còn biết… nản hay lùi bước sau mỗi thất bại.

img img

Trước khi giành HCV Olympic 2016, anh từng nếm trải thất bại cay đắng ở ASIAD 2010. Khi ấy, anh đã muốn từ bỏ vì cố gắng mãi vẫn “lực bất tòng tâm”?

- Sau những năm thi đấu thành công ở SEA Games, năm 2010, đáng ra tôi đã có HCV ASIAD 2010 ở Trung Quốc. Trước lượt bắn cuối cùng, tôi đang dẫn đầu và viên cuối chỉ cần trúng bia, được 8 hoặc 9 điểm là có thể chiến thắng. Vậy mà chỉ vì tôi lên súng, ngắm bắn hơi chậm và khi kết thúc động tác bắn đã muộn, bia điện tử ngắt, không tính điểm nữa, coi như 0 điểm viên cuối.

img
img

Tôi cảm thấy rất chán nản khi để “rơi Vàng” tưởng như đã nằm trong tầm tay. Tôi lảng tránh báo chí vì cảm giác quá thất vọng với bản thân. Thế mới biết, nếu như trong bóng đá, trọng tài thổi còi hết giờ mới rõ kết quả thì với bắn súng, phải bắn viên cuối mới biết ai thắng, ai thua.

Thời điểm đó, nếu không có HLV Nguyễn Thị Nhung bên cạnh thì chắc tôi không thể bước lên đỉnh cao Olympic 6 năm sau.

HLV Nguyễn Thị Nhung nói với tôi: “Sự nghiệp của em còn rất dài. Sơ sẩy hay sai lầm nếu biết bỏ qua, biết hướng về phía trước, hướng tới những mục tiêu cao hơn thì những thất bại hôm nay sẽ trở nên bé nhỏ bé”.

Cá nhân tôi cũng suy nghĩ rất nhiều và nhận thấy, nếu tầm nhìn của mình chỉ tới được ASIAD, không nghĩ được tới Olympic thì sẽ rất hạn chế. Mình đã giỏi đâu, thành tích vẫn thiếu ổn định. Đến ngay cả những VĐV nhiều lần vô địch thế giới, Olympic, họ giỏi hơn mình nhiều, vậy mà vẫn phải nhận những thất bại.

Thời gian sau, tôi cùng HLV đã nhìn rõ những điểm yếu cần khắc phục, hoàn thiện và giành được vé chính thức dự Olympic London 2012.

Tại Thế vận hội năm ấy, ai đó có thể nói là một thất bại tiếp theo của tôi nhưng nghĩ như vậy không đúng. Đơn giản, tôi cảm thấy một chút nuối tiếc.

Trước viên cuối, tôi kém VĐV giành HCĐ 0,1 điểm. Mình đã làm tốt nhưng đối thủ vẫn duy trì được sự ổn định và tôi chấp nhận xếp thứ 4. Điều đó cũng phản ánh đúng khả năng của mình trong lần đầu dự Thế vận hội.

Sau Olympic 2012, tôi như tỉnh ngộ và thấy rằng nếu phấn đấu tốt hơn nữa mình có thể tiệm cận, đạt đẳng cấp thế giới. Những năm sau đó từ 2013 đến 2015, tôi liên tiếp có được những tấm HCV, HCB Cúp thế giới, nơi có sự xuất hiện của những xạ thủ hàng đầu và điều đó cho tôi niềm tin tạo nên một điều kỳ diệu.

img img

Trong thành công của anh ở cấp độ đội tuyển, song hành cùng HLV Nguyễn Thị Nhung còn có dấu ấn của chuyên gia người Hàn Quốc Park Chung-gun…

- HLV Nguyễn Thị Nhung cùng chuyên gia Park Chung-gun là cột mốc thứ 3 xung quanh câu chuyện về những người thầy của tôi.

Lên đội tuyển quốc gia, tôi may mắn được gặp họ, những người tiếp tục “chắp cánh” cho tôi. Chị Nhung và chuyên gia Park đã chắt lọc được những tinh hoa, tìm ra điểm mạnh - yếu, những gì tinh túy nhất để nâng tôi tới đỉnh cao.

img

Tôi nhớ là thầy Park sang Việt Nam làm việc từ năm 2006, lúc đầu thầy chỉ tham gia hỗ trợ chứ chưa phải là chuyên gia nhưng đã rất hiểu VĐV Việt Nam.

Thầy quan sát chúng tôi tập luyện trong điều kiện cơ sở vật chất, súng đạn thiếu thốn nhưng vẫn đạt được những thành tích tốt ở SEA Games. Thầy nói: “Tôi thấy các bạn có tinh thần rất cao nhưng lại thiếu tính chuyên nghiệp về giờ giấc, phương pháp tập luyện. Các bạn có khả năng tại sao không phát huy? Các VĐV hàng đầu thế giới cũng giống như các bạn thôi. Vấn đề là họ quyết tâm hơn và luôn nghĩ không có mốc để dừng lại, thành tích là mãi mãi. Tại sao các bạn không nghĩ thế? Tại sao lại luôn nghĩ đi thi đấu những giải quốc tế lớn chỉ để học tập, cọ xát?”.

Đến giờ, sau những gì mình đã làm được, tôi cho rằng trong quá trình đào tạo, giáo dục VĐV, Thể thao Việt Nam rất cần “thổi” vào họ tư tưởng, tư duy đổi mới như thầy Park, cho họ niềm tin.

Sức mạnh tiềm ẩn bên trong mỗi con người rất lớn. Ở thời điểm chia sẻ suy nghĩ của mình, thầy Park làm sao có thể nghĩ tới việc tôi giành HCV, HCB Olympic 2016? Nhưng thầy nhìn thấy nội lực của tôi và các VĐV xung quanh.

Thầy cảm thấy VĐV Việt Nam có khả năng đạt thành tích châu lục, thế giới. Chỉ có điều VĐV có tự tin, mong muốn, khát khao làm cho kỳ được hay không (?!).

Lên tới đỉnh cao đã khó, giữ được mình trên đỉnh cao còn khó hơn nhiều. Sau Olympic 2016, anh đã dần bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp?

- Ở mỗi giai đoạn, áp lực thi đấu luôn rất lớn. Nếu vượt qua được sẽ tiếp tục phát triển còn không sẽ dừng lại, đi xuống.

Những năm qua đúng là tôi không chiến thắng được chính mình, không vượt qua được áp lực, sự kỳ vọng quá nhiều do chính mình tạo ra sau khi đã giành HCV Olympic 2016.

Bắn súng là môn thể thao đòi hỏi sự chính xác, liên quan nhiều tới thần kinh, tư duy nên tuổi tác cũng là một vấn đề, năm nay tôi đã 46 tuổi rồi.

Muốn thắng được “cái cũ” thì mình phải làm mới, làm khác đi, thay đổi phương pháp. Có thể trong tập luyện tôi đã thử thay đổi được, nhưng khi bước vào thi đấu lại chưa quyết liệt, triệt để.

Tôi thấy mình cần nỗ lực nhiều hơn, nghiêm túc hơn nữa mới có thể tiếp tục xác lập những cột mốc mới. Dù thế nào tôi cũng sẽ tiếp tục cố gắng, chấp nhận thử thách.

img img

Với các VĐV, dụng cụ thi đấu gần như là vật bất ly thân. Nhiều VĐV coi cây súng, cây cung, cây kiếm, cây vợt, cây cơ… như người bạn tri kỷ, cùng mình khẳng định tên tuổi ở mọi đấu trường. Nhưng cuộc sống không phải bao giờ cũng bằng phẳng, đặc biệt trên hành trình chinh phục những đỉnh cao. Với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh vốn mang trong mình dòng máu, phẩm chất của người lính thì dù có khó khăn tới đâu anh cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Câu chuyện hy hữu tại Munich (Đức) cách đây 5 năm khi Xuân Vinh dùng súng… trưng bày để giành HCB Cúp thế giới 2015 khiến các đồng nghiệp, giới truyền thông phải trầm trồ.

img img

Với những gì anh chia sẻ thì dường như càng nhiều thử thách, gian nan trên hành trình “khắc tên mình trên đời”, anh càng thấy thú vị?

- Phải nhìn nhận là bắn súng là môn thể thao có phần khô khan và gần như không có khán giả. Vậy nên, những chiến thắng càng khó khăn, kịch tính bao nhiêu càng khiến tôi có thêm hưng phấn bấy nhiêu. Nó có ý nghĩa như “liều doping” giúp tôi nuôi dưỡng niềm đam mê.

Trên hành trình theo đuổi đam mê, ngoài những thất bại có yếu tố chủ quan, tôi đã từng đối mặt những sự cố. Tại Cúp thế giới 2015 tại Đức, súng của tôi không kịp chuyển đến địa điểm thi đấu và tôi phải mượn súng mà ban tổ chức trưng bày để bắn. Đương nhiên, súng lạ, không vừa tay và mình chỉ được làm quen trong đúng 1 buổi tập.

Lúc ấy tôi tự nhủ sẽ chiến đấu hết sức vì màu cờ sắc áo, xem năng lực của mình đến đấu trước thử thách khó khăn như thế. Và cuối cùng tôi đã giành được tấm HCB đáng nhớ.

Một kỷ niệm nữa là quá trình tập huấn trước thềm Olympic London 2012. Ngày ấy chúng tôi được đưa sang tập huấn ở xứ lạnh như Hàn Quốc, Đức để làm quen điều kiện thi đấu.

Ở Đức vào tháng 5-6, ngoài trời tuyết rơi phủ trắng, gió rất lạnh. Bên trong phòng bắn phải dùng máy sưởi thổi khí nóng từ dưới chân lên cho ấm. Cảm giác vô cùng khó chịu khi mình thò tay đưa súng qua ô ngắm bắn. Khí lạnh ập vào tê cóng giống như đưa tay vào tủ lạnh vậy, tê cứng hết các ngón tay, bắn 5 biên là mất hết cảm giác.

Rồi cả việc phải thích nghi với múi giờ chênh lệch. Olympic 2016, Brazil là nước chủ nhà nên trước giải đấu, tôi cùng Trần Quốc Cường được đưa đi tập huấn Hàn Quốc rồi sang Mỹ tập huấn 2 tuần. Đó là quyết định sáng suốt của chuyên gia Park Chung-gun và HLV Nguyễn Thị Nhung giúp chúng tôi làm quen múi giờ.

Với mỗi VĐV chuyên nghiệp, chúng ta phải thích nghi nhanh với mọi điều kiện nơi đất khách về nhịp sinh học, thời tiết chứ không thể đổ lỗi cho khách quan. Trong điều kiện như nhau, ai thích nghi tốt hơn sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng.

img img

Giờ nhìn lại, anh có tiếc nuối khi không thể giành HCV 50m súng ngắn Olympic 2016, sau khi đã giành HCV 10m?

- Kết quả có được tại Rio (Brazil) là tổng hợp của cả một quá trình với rất nhiều yếu tố hội tụ, phát huy đúng lúc. Phong độ của tôi lúc đó tốt, tinh thần rất thoải mái và có cả sự may mắn.

Cụ thể, ở bài thi 10m súng ngắn, ở viên cuối cùng vòng loại tôi bắn được điểm 10,7 điểm, qua đó mới có thể giành quyền vào chung kết trước khi giành HCV.

Đến nội dung 50m súng ngắn, tôi cũng chỉ có thể vào chung kết khi bắn 2 viên cuối cùng vào thang điểm 10.

Ai biết điều gì sẽ xảy ra nếu những viên cuối ấy tôi bắn không tốt?

Với tôi, 1 HCV, 1 HCB Olympic 2016 chưa phải mỹ mãn nhưng đã rất tuyệt vời. Cái khó nhất khi bước vào bài 50m là phải loại bỏ được sự hưng phấn khi đã có HCV 10m cách đó 2 ngày. Ngày thi đấu 50m điều kiện cũng rất khó khăn, trời mưa, lạnh, gió mạnh đến nỗi khi đưa súng lên còn bị thổi bạt tay, đầu súng dao động ra bên ngoài chứ không nằm trong khu vực bia.

Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của tôi là xạ thủ Hàn Quốc Jin Jong-oh (Giành 4 HCV Olympic, 3 lần vô địch thế giới – PV) rất mạnh. Jin là người tôi rất nể phục không chỉ ở thành tích mà hơn cả là ý chí, nỗ lực, tính chuyên nghiệp cực cao. Cậu ta là một hình tượng rất đặc biệt.

img img

Và anh đang khát khao một lần nữa ghi dấu ấn tại Olympic Tokyo 2020?

- Ước mơ lớn nhất của tôi lúc này là có thêm thời gian để cống hiến cho Thể thao Việt Nam.

Trong kế hoạch giành vé dự Olympic 2020, tôi đã có chuyến tập huấn tại Hàn Quốc để chuẩn bị thi đấu Cúp thế giới có ý nghĩa như vòng loại Olympic tại Ấn Độ.

Tôi cảm thấy mình đạt được phong độ ổn định, sẵn sàng bước vào thi đấu thì giải lại bị hoãn vì dịch Covid-19. Tới lúc này, ban tổ chức vẫn chưa thông báo thời gian tổ chức giải trở lại.

Thời gian qua, tất cả các xạ thủ, VĐV trên toàn cầu đều bị ảnh hưởng, sự chuẩn bị coi như trở về con số 0 khi không có điều kiện tập luyện, thi đấu trong điều kiện bình thường.

Hiện tôi đang xếp thứ 19 trên bảng xếp hạng thế giới và nếu muốn có vé dự Olympic phải vào chung kết, thậm chí có huy chương tại vòng loại thì mới tích lũy đủ điểm.

img img

Một trong những câu hỏi được đặt ra là ai sẽ là người tiếp bước Hoàng Xuân Vinh trên đấu trường thế giới?

- Thể thao Việt Nam không thiếu nhân tài nhưng để giành huy chương Olympic còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố.

Trong điều kiện xã hội hiện nay, thể thao còn nhiều khó khăn về điều kiện sinh hoạt, tập luyện… khiến VĐV trẻ bị phân tán tư tưởng, có VĐV giỏi mặt này nhưng lại hạn chế mặt khác. Để đạt được thành tích cao, mỗi VĐV cần yêu nghề, yêu và “nhớ” công việc của mình, giống như cần miếng cơm, cốc nước…

Thế hệ chúng tôi, do thiếu đạn nên chuyện đứng hàng giờ ngắm bắn “chay” là bình thường. Tập “chay” suốt, thi thoảng nghĩ ra những bài tập cực… độc đánh đố nhau.

Ví dụ, chúng tôi chế ra những thanh tre, que dài khoảng 2-3m có buộc 1 đầu vải châm lửa vào một ngọn nến. Khi đưa que ra xa, độ rung lớn và nếu không đạt được độ tĩnh, ổn định, khéo léo, cảm giác cực tốt từ cánh tay tới cổ tay thì rất khó thực hiện được.

Điều kiện tập luyện khó khăn như vậy và chỉ có thể dùng nỗ lực, nỗ lực hơn nữa để bù lấp. Tôi thường tập 6-8 tiếng/ngày. Ban ngày tập 4-5 tiếng, tối tập thêm 2 tiếng cho tới gần giờ đi ngủ.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện cởi mở này. Chúc anh một lần nữa đặt dấu ấn tại Olympic Tokyo tổ chức vào mùa hè năm sau.

img img
img img
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem