Bỏ kinh doanh về làng trồng bí xanh trái vụ, trai Điện Biên thu tiền tỷ ngon ơ
Bỏ kinh doanh, về trồng bí xanh trái vụ, chỉ 3 tháng sau, một doanh nhân tỉnh Điện Biên thu tiền tỷ
Vinh Duy
Thứ tư, ngày 24/11/2021 06:21 AM (GMT+7)
Có người bảo, thằng này chắc điên rồi. Đang là doanh nhân thuận lợi lại bỏ đi làm nông dân. Trồng loại bí xanh, có mà bán cho ma ở Điện Biên...Bỏ qua những lời đàm tiếu, anh Trần Quốc Cường (TP Điện Biên Phủ, Điện Biên) có cách đi riêng của mình, để đưa thương hiệu bí xanh Điện Biên đến những thị trường khó tính.
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, anh Trần Quốc Cường, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Phú Mỹ Xanh chia sẻ: "Làm nông nghiệp công nghệ cao cần phải đầu tư, nắm bắt thị trường tốt mới thắng lợi. Các sản phẩm nông nghiệp của HTX không bán tại thị trường Điện Biên, mà chủ yếu bán tại chợ đầu mối dưới Hà Nội".
Video: Bỏ kinh doanh, trồng bí xanh trái vụ, anh Trần Quốc Cường, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Phú Mỹ Xanh (TP Điện Biên, tỉnh Điện Biên) thu tiền tỷ. Trang trại trồng bí xanh trái vụ của anh Cường ở xã Thanh Yên (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Video: Vinh Duy.
Cơ duyên đưa anh Cường từ một giám đốc doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm, dịch vụ điện, nước, cơ khí…đến với phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng thật tình cờ.
Trước khi chuyển sang sản xuất nông nghiệp, anh đã nghiên cứu rất kỹ từ thị trường, sản phẩm đầu ra, giá các loại sản phẩm nông nghiệp.
"Tôi mất gần 1 năm tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá, thị trường cho loại bí xanh. Ở tỉnh Sơn La, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nhiều vùng không tốt bằng tỉnh Điện Biên nhưng họ vẫn trồng được bí xanh, bán vẫn có lãi. Vậy tại sao Điện Biên không trồng loại cây này để đem lại thu nhập cho người dân" anh Cường chia sẻ thêm.
Bắt tay vào trồng bí xanh, anh Cường đã tìm thuê đất của người dân. Lúc đầu thuê được 3ha đất bãi bồi ven sông Nậm Rốm của người dân để đưa cây bí xanh "bén duyên" trên đất Điện Biên.
Với đầu óc của nhà kinh doanh lâu năm, cũng như kinh nghiệm tìm hiểu thị trường, anh Cường không trồng bí xanh chính vụ mà trồng trái vụ.
Nhiều người thấy anh Cường trồng bí trái vụ thì bảo hâm, trồng bí xanh trái vụ thì làm gì ra quả. Đổ cả tỷ bạc đầu tư, có khi trắng tay. Có người ác khẩu thì bảo "thằng đấy vỡ nợ", phải đi trồng bí, kiếm tiền.
Do đã tìm hiểu kỹ thuật trồng bí xanh, chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây bí xanh, nên anh rất tự tin mình sẽ thắng lợi.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Cường khẳng định ngay từ lúc lên kế hoạch, thuê đất trồng bí xanh đã nắm chắc phần thắng.
"Tôi đổ vào vườn bí xanh khá nhiều tiền rồi, thua làm sao được. Trước khi thực hiện ý định chuyển sang làm nông nghiệp, tôi đã thuê cả các chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp ở Hà Nội, lên Điện Biên lấy mẫu đất về phân tích, đánh giá. Thị trường tiêu thụ sản phẩm, tôi xác định không thể bán tại Điện Biên, mà phải ở Hà Nội và các khu công nghiệp" anh Cường tâm sự.
Theo anh Cường để cây bí xanh phát triển tốt, ra hoa, đậu quả tốt, ngoài việc chăm sóc thì yếu tố kỹ thuật cũng rất cần.
Vì thế ngoài các công nhân lao động phổ thông, anh còn thuê hẳn một đội ngũ kỹ sư nông nghiệp làm việc.
Các kỹ sư có nhiệm vụ hàng ngày kiểm tra vườn bí để có hướng bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đúng thời điểm, tránh sâu hại. Các kỹ sư ghi chép rất tỷ mỷ, các loại sâu, bệnh trên vườn bí để có cách điều trị thích hợp. Như thế các vụ bí sau, khi phát hiện bệnh giống vụ trước thì đã có thuốc phòng trừ ngay.
Dẫn chúng tôi thăm vườn bí xanh đang vào vụ thu hoạch, anh Cường tự tin cho biết, vụ này anh thu tiền tỷ.
Bí xanh vừa được mùa, lại được giá mà không đủ trái để bán ra thị trường. Hiện tại thị trường dưới Hà Nội, HTX đang bán với giá 18.000 – 22.000 đồng/kg. Hơn 3ha bí của anh Cường vụ này thắng lớn, tổng thu hơn 2 tỷ đồng, chưa trừ chi phí.
Vụ trước, giá bí xanh chỉ giao động từ 7.000– 11.000/kg. Nhưng vụ này, do trái vụ, thị trường đang khan hiếm, vì thế giá bán cao.
Bí xanh từ cắt khỏi giàn đến tay người tiêu dùng chỉ mất 24 giờ. Theo các xã viên của HTX thì buổi sáng sau khi cắt bí, đầu giờ chiều đã có xe của thương lái dưới Hà Nội lên nhận hàng. Sáng sớm hôm sau bí xanh Điện Biên đã có mặt tại các chợ, khu công nghiệp hay các siêu thị tại Hà Nội.
Với ưu điểm, để được lâu, bảo quản dễ, vì thế bí xanh được các khu công nghiệp ưu tiên sử dụng trong các khẩu phần ăn của công nhân.
"Cây bí xanh chính vụ, thường từ tháng 3 – 7 hàng năm. Nhưng tôi trồng trái vụ từ tháng 7 năm nay đến tháng 2 năm sau. Vì thế giá bán bí xanh lúc nào cũng cao vì thị trường rất cần.
Trồng bí xanh chỉ mất vốn đầu tư giàn, đất vụ đầu, còn từ vụ thứ 2 trở đi, rất dễ làm mà thu lợi cao hơn trồng lúa. Chúng tôi đang liên kết với người dân để mở rộng diện tích. HTX sẽ đảm bảo khâu giống, kỹ thuật, và bao tiêu sản phẩm cho người dân cùng tham gia" anh Cường chia sẻ.
Theo chia sẻ của anh Cường thì một vụ bí xanh kéo dài từ 90 – 100 ngày. Bí xanh sau khi xuống giống đến lúc thu hoạch lứa đầu chỉ mất 55 – 60 ngày. Sau khi thu hoạch lứa đầu, tiếp tục thu hoạch được thêm 2 lần nữa.
Như vậy với 1ha đất, nếu chăm sóc tốt, sẽ cho sản lượng từ 60 – 80 tấn/ha/vụ. Với giá bán trung bình cả vụ khoảng 5 nghìn đồng/kg thì 1ha bí sẽ cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng/7 tháng, cao hơn nhiều so với trồng lúa.
Với điều kiện tự nhiên của lòng chảo Điện Biên, rất phù hợp cho cây bí xanh phát triển. Người dân nếu tham gia liên kết với HTX sẽ được đơn vị cung ứng giống, kỹ thuật trồng và cam kết bao tiêu sản phẩm. Mong ước của anh Cường, sẽ có nhiều hộ dân tham gia liên kết với HTX để nâng cao thu nhập.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.