Cận cảnh hòn đảo địa ngục bị lãng quên của Nhật Bản

Thứ bảy, ngày 27/05/2023 20:00 PM (GMT+7)
Đảo Hashima còn có tên khác là đảo tàu chiến, từng là nơi những người Trung Quốc, Triều Tiên cũ lao động nô dịch, làm việc tại các hầm, mỏ khai than cho nước Nhật.
Cận cảnh hòn đảo địa ngục bị lãng quên của Nhật Bản - Ảnh 1.

Nằm cách Nagasaki 15 km, Hashima còn có tên khác là đảo Gunkanjima, trong tiếng Anh gọi là đảo tàu chiến. Hòn đảo toàn những vết tích đổ nát, ngày nay không một bóng người ở. Những ký ức đau thương từng diễn ra tại đây và sự u ám hiện tại khiến hòn đảo mang danh là đảo địa ngục. Ảnh: Forbes.

Cận cảnh hòn đảo địa ngục bị lãng quên của Nhật Bản - Ảnh 2.

Ban đầu là nơi cư trú cho công nhân các mỏ than dưới đáy biển vào năm 1887, đến năm 1890, tập đoàn Mitsubishi đã đưa hòn đảo này vào sử dụng nhằm khai thác than. Ảnh: Albert Cheung Photography.

Cận cảnh hòn đảo địa ngục bị lãng quên của Nhật Bản - Ảnh 3.

Sau năm 1890, hòn đảo này trở thành biểu tượng của quá trình công nghiệp hóa phát triển nhanh chóng ở Nhật Bản. Năm 1916, tòa nhà bê tông đầu tiên xuất hiện trên đảo, cao 9 tầng và vững chắc trước vô số cơn bão đổ bộ vào hòn đảo hàng năm. Đỉnh điểm vào năm 1958, Hashima có khoảng 5.259 người dân sinh sống. Ảnh: Gunkanjima Concierge.

Cận cảnh hòn đảo địa ngục bị lãng quên của Nhật Bản - Ảnh 4.

Tuy nhiên, nơi đây cũng là điểm nóng lịch sử, đặc biệt trong thời kỳ Thế chiến 2. Vào thời điểm ấy, hòn đảo từng là cơ sở khai thác than sầm uất, đồng thời cũng là nơi những người Trung Quốc, Triều Tiên cũ lao động nô dịch, làm việc tại các hầm, mỏ khai thác than cho nước Nhật. Ảnh: Gunkanjima Concierge.

Cận cảnh hòn đảo địa ngục bị lãng quên của Nhật Bản - Ảnh 5.

Theo ghi chép, điều kiện làm việc của những người lao động cưỡng bức tại đảo rất khó khăn và một số thậm chí còn không bao giờ trở về nhà. Ước tính đã có khoảng 1.300 công nhân thiệt mạng trên đảo từ những năm 1930 đến khi chiến tranh kết thúc do suy dinh dưỡng và kiệt sức. Ảnh: Gunkanjima Concierge.

Cận cảnh hòn đảo địa ngục bị lãng quên của Nhật Bản - Ảnh 6.

Năm 2017, dựa trên những sự kiện có thật, bộ phim The Battleship Island đã khắc họa cuộc vượt ngục đầy cam go và đẫm máu của 400 người Triều Tiên trên bán đảo Hashima. Bộ phim thu hút hơn 6,4 triệu lượt khán giả nhờ nội dung hấp dẫn và dàn diễn viên đình đám.

Cận cảnh hòn đảo địa ngục bị lãng quên của Nhật Bản - Ảnh 7.

Trong những năm 1960, dầu mỏ dần thay thế than ở Nhật Bản. Đến năm 1974, các mỏ bắt đầu hết than và đảo Hashima chính thức đóng cửa, khiến người dân cũng rời khỏi đây. Chẳng mấy chốc, những tòa nhà không người trên hòn đảo nhanh chóng bị thiên nhiên tàn phá. Điều kiện thời tiết bắt đầu ảnh hưởng đến bê tông, khiến nhiều tòa nhà bắt đầu sụp đổ. Ảnh: CNN.

Cận cảnh hòn đảo địa ngục bị lãng quên của Nhật Bản - Ảnh 8.

Sau nhiều năm bỏ hoang, hòn đảo chính thức mở cửa cho khách du lịch tham quan vào năm 2009. Năm 2015, UNESCO quyết định công nhận Hashima là di sản thế giới. Phía Triều Tiên lập tức phản đối quyết định này khi sự thật lịch sử chưa bao giờ được chính phủ Nhật chính thức thừa nhận hoặc công bố đầy đủ. Trong khi đó, Hàn Quốc nhượng bộ và yêu cầu Nhật Bản dựng một tượng đài trên đảo cho tất cả những người đã từng làm việc ở đó. Ban đầu Nhật Bản đồng ý với điều khoản, nhưng cùng ngày khi các giấy tờ được ký kết, yêu cầu này lại bất ngờ bị gạt ra. Ảnh: Sarah Rovang.

Cận cảnh hòn đảo địa ngục bị lãng quên của Nhật Bản - Ảnh 9.

Ngày nay, hòn đảo trở thành điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách quốc tế đến tìm hiểu, tham quan lại phế tích giàu giá trị lịch sử. Tuy nhiên, dư âm của quá khứ vẫn còn đọng lại ở đây. Những ngư dân đi thuyền gần đảo cho biết họ đã nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy kỳ lạ trong các tòa nhà, mặc dù hòn đảo từ lâu đã không có điện. Thậm chí, có người còn nghe thấy những tiếng động lạ trên đảo Hashima. Ngoài ra, nhiều du khách đặt chân lên đảo cho rằng họ có cảm giác bị theo dõi và một số còn tuyên bố đã bị những bàn tay vô hình chạm vào. Ảnh: Adobe Stock.

Cận cảnh hòn đảo địa ngục bị lãng quên của Nhật Bản - Ảnh 10.

Thời nay, Hashima chỉ còn lại những vết tích đổ nát, u ám. Không gian đặc biệt của hòn đảo được chọn làm bối cảnh của nhiều bộ phim bom tấn như Skyfall, Attack on Titan. Ảnh: Shutterstock.

PV (Theo Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem