Cao tốc Bắc - Nam phía Đông chuyển sang đầu tư công sẽ khởi công thế nào?

Thế Anh Thứ ba, ngày 23/06/2020 20:40 PM (GMT+7)
Dự án cao tốc Bắc – Nam là dự án giao thông quan trọng quốc gia, thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Luật Đầu tư công. Vậy những bước thủ tục tiếp theo để có thể khởi công 3 dự án này như thế nào?
Bình luận 0

Ngày 19/6, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 sang đầu tư công. Ngay sau khi đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết triển khai Nghị quyết của Quốc hội.

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông chuyển sang đầu tư công sẽ khởi công như thế nào? - Ảnh 1.

Bộ GTVT đang tiến hành các bước để tổ chức lựa chọn thầu.

Tất cả 3 dự án trên đều là những dự án giao thông quan trọng quốc gia, thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Luật Đầu tư công. Vậy những bước thủ tục tiếp theo để có thể khởi công 3 dự án này như thế nào? vẫn đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Theo nguồn tin của PV Dân Việt, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang tiến hành điều chỉnh dự án (do chuyển đổi từ PPP sang đầu tư công) để thúc đẩy thời gian khởi công đảm bảo đúng tiến độ.

Cụ thể, Bộ GTVT đang tổ chức lập dự án điều chỉnh, tổ chức thẩm định nội bộ. Sau đó, Bộ GTVT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ về phương án điều chỉnh dự án; Thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước, tổ chức thẩm định điều chỉnh dự án; Hội đồng thẩm định Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh dự án.

Việc lựa chọn nhà thầu sẽ được triển khai các bước như sau: Bộ GTVT trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Bộ KH&ĐT thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Tiếp theo đó là phê duyệt Thiết kế kỹ thuật, dự toán; Phê duyệt hồ sơ mời thầu.

Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu sẽ được thông báo và phát hành hồ sơ mời thầu; Chuẩn bị hồ sơ dự thầu;Mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật (ĐXKT); Đánh giá, trình hồ sơ ĐXKT; Thẩm định, phê duyệt nhà thầu đạt kỹ thuật; Mở hồ sơ đề xuất tài chính (ĐXTC); Đánh giá, trình hồ sơ ĐXTC; Thẩm định, phê duyệt xếp hạng nhà thầu... Thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu. Sau khi hoàn thiện việc lựa chọn thầu sẽ ký kết hợp đồng với đơn vị nhà thầu và tiến hành khởi công dự án.

Trước đó, với đa số Đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành về việc chuyển đổi phương thức đầu tư, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, cụ thể: Có 458 Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, trong đó tán thành là 443, không tán thành 12, không biểu quyết 3.

Quốc hội quyết định chuyển đổi từ phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 3 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và bổ sung vốn đầu tư không quá 23.461 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ rà soát, xác định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của tổng mức đầu tư điều chỉnh của từng dự án thành phần chuyển đổi và tổng mức đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Đồng thời tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần chuyển đổi sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, chậm nhất đến cuối năm 2022 hoàn thành, đưa vào sử dụng; xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách trung ương.

Chính Phủ đã có Tờ trình gửi lên Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm triển khai 3 dự án thành phần đầu tư công (đoạn Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2) theo Nghị quyết 52/2017/QH14 của Quốc hội và 5 dự án thành phần theo hình thức PPP (gồm các đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo).

Ngoài ra, Chính phủ đưa ra phương án chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với 3 dự án thành phần gồm dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết) và 2 dự án quan trọng, cấp bách, kết nối với cửa ngõ các trung tâm chính trị, kinh tế lớn của đất nước (gồm đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63km và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km).

Chính phủ cũng điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án là 100.816 tỷ đồng, bao gồm vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án là 78.461 tỷ đồng (55.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017; phần còn thiếu (23.461 tỷ đồng) Chính phủ sẽ tồng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. Vốn huy động ngoài ngân sách là 22.355 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem