Cây xanh đô thị gãy đổ la liệt sau bão số 3 ở Hà Nội: Lời cảnh báo từ chuyên gia cây xanh
Cây xanh đô thị gãy đổ la liệt sau bão số 3 ở Hà Nội: Lời cảnh báo từ chuyên gia cây xanh
Quang Minh
Chủ nhật, ngày 08/09/2024 13:33 PM (GMT+7)
Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị. Điều này đã được cảnh báo: tốn chi phí, hiệu quả chưa tốt!
Sáng 8/9, bão số 3 (Yagi) đã đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Tuy nhiên, hậu quả bão số 3 để lại nặng nề với Thủ đô Hà Nội. Tính đến thời điểm sáng nay 8/9, hơn 2.500 cây bị bão quật đổ.
Không thể phủ nhận sức tàn phá của bão số 3 khi hàng loạt cây cổ thụ cũng bị sức gió mạnh quật đổ. Tuy nhiên, người dân băn khoăn khi nhìn loạt cây xanh đô thị được trồng trong vài năm gần đây bị gió bão số 3 quật gốc.
Theo quan sát của PV Dân Việt, hàng loạt cây xanh trồng vài năm qua trong các khu đô thị hay trên các tuyến phố có thân khá lớn nhưng bị gió bão quật tung gốc. Phần gốc phát lộ trên mặt đất chủ yếu là rễ chùm hoặc rễ mới phát triển ngang.
Sáng nay, anh D.H ở quận Cầu Giấy, Hà Nội có cảm giác choáng váng khi đi một vòng quanh khu vực mình sinh sống, nhìn cây xanh gãy đổ la liệt.
"Tôi thật sự choáng khi thấy những cây to thế mà phần rễ ở dưới chỉ có bầu con con, được bó gọn đặt tạm trong bồn gạch bé xíu. Chúng ta thử đo xem rễ cây sâu bao nhiêu so với mặt vỉa hè?", anh D.H chia sẻ.
Theo anh H, khi quan sát kỹ sẽ thấy rằng gốc cây vừa bị bung bật ngã đổ ngoài lý do bão lớn thì có thể còn do nhiều nguyên nhân khác.
Trên mạng xã hội, anh Thái Minh Nhật - một kiến trúc sư đặt câu hỏi với những cây xanh đô thị bị quật lên sau bão: Một là cây bị thối, mủn gốc trước khi trồng, hai là cây sinh trưởng được bứng đến trồng trong đô thị với bộ rễ chưa phát triển, bị cắt gọt để đánh trồng.
"Cây được trồng được một thời gian chưa kịp mọc rễ sâu đã được đánh lên đưa đi trồng ở một nơi khác đẹp đẽ hơn. Rễ khi mọc ra thì lún phún, không chắc như vậy có đảm bảo", anh Thái Minh Nhật thắc mắc.
Theo anh, nhiều cây bị đổ thuộc loại cây "mất gốc" vì không có gốc, rễ làm sao tồn tại được trước bão gió!
Theo ghi nhận của Dân Việt, trên các tuyến phố Cầu Giấy, Thanh Trì, Hà Đông, Đống Đa, Hoàn Kiếm... nhiều cây xanh bật trơ gốc. Cây xanh có tán lá tốt um tùm, nhưng phần rễ ăn ngang khá nhiều, mỏng manh. Các cây bị bật gốc trên vỉa hè là những cây cỡ lớn, nhưng mới được trồng một vài năm trở lại đây.hàng loạt
Hàng loạt cây xanh liên tiếp nhau bị bật gốc ngã đổ trên đường Đỗ Xuân Hợp (Hà Nội) sau khi siêu bão Yagi đổ bộ vào Hà Nội. Clip: Hải Phong
Ông Ngọc Trung ở (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, nhiều cây xanh bị gãy đổ trên đường Nguyễn Khuyến, chắn ngang đường. Sáng 8/9, lực lượng Công an, Quân đội được huy động để hỗ trợ công nhân môi trường dọn dẹp cây, cắt cây gãy đổ, điều tiết giao thông.
"Khi đi ngang qua tuyến đường Nguyễn Trãi, Vạn Phúc tôi thấy có nhiều cây xanh gãy đổ nhưng phần gốc khá yếu, chủ yếu là rễ chùm ăn nổi trên bề mặt đất. Nhìn hình ảnh cây gãy đổ khá đáng tiếc", anh Trung nói.
Không nên trồng mới cây xanh đã lớn ở đô thị
Tiến sĩ Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Đại học Lâm nghiệp) cho hay, cây xanh trên phố Hà Nội gãy đổ nguyên nhân chính là do bão số 3 với sức gió giật rất mạnh.
Tuy nhiên theo ông Hà, hiện nay thực tế trên địa bàn thành phố Hà Nội có trồng mới một số cây xanh đã to (cỡ lớn). Đây là loại cây bị cắt hết những rễ ăn sâu xuống đất, chỉ còn một số rễ nhỏ xung quanh rồi được đánh bọc, đem trồng trong thành phố, khu đô thị.
Khi cây xanh được đem trồng bắt buộc cây phải phát triển, ra rễ ngang.Thêm nữa, đất ở đô thị, vỉa hè bị lèn quá chặt, cây không phát triển được, rễ cây không đâm sâu xuống dưới đất được.
Theo ông Hà, ông đã đi nhiều nước và thấy rằng ở nước ngoài ít khi trồng mới loại cây to. Còn tại Việt Nam lại thường trồng các loại cây to có đường kính 10-20cm. Như vậy, giá thành trồng cây vừa cao, vừa chưa đem lại hiệu quả tốt.
"Chúng tôi đã từng khuyến cáo rồi, các đơn vị không nên trồng cây to ở đô thị là như vậy. Chỉ nên trồng cây xanh có đường kính từ 6-10cm, cao khoảng 4m. Cây trồng ở độ tuổi này, bộ rễ phát triển cực tốt, có thể đâm sâu xuống đất và khả năng gãy đổ cũng giảm đi", ông Hà chia sẻ.
"Tôi thấy rằng cây trồng ở Việt Nam có những loại cây nhiều năm không cắt tỉa, tán lá rất lớn, nặng. Ngay như hôm qua tôi xem hàng cây ở đường Phạm Hùng, gần bến xe Mỹ Đình, hàng cây sấu đổ vật ra đường còn nguyên tán tốt um tùm. Như vậy, khi tán cây và bộ rễ mất cây bằng, cây khi gặp gió mạnh, áp lực lớn sẽ dễ gãy đổ", ông Hà chia sẻ.
Ông cũng cho biết thêm, cây phải được cắt tỉa thường xuyên, tỉa tán cho thoáng, cành cây không được để quá cao.
Đồng quan điểm, GS.TS Ngô Quang Đê, nguyên Chủ nhiệm khoa Lâm Nghiệp, Trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội cho hay, Hà Nội đang rất thiếu cây xanh. Bởi vậy, khi nhìn thấy hàng cây xanh bật rễ, gãy đổ bản thân ông thấy rất đau xót.
Ông Đê phân tích, bộ rễ cây xanh rất quan trọng, khi bộ rễ và tán cây mất cân bằng thì nguy cơ đổ rất cao, chỉ cần giông lốc là cây có thể bị gãy đổ.
Bởi vậy, ông cho rằng, các cơ quan quản lý, đơn vị trồng cây xanh cần phải xem xét lại quy trình, không nên trồng mới các cây xanh to. Việc trồng các loại cây này khiến việc vận chuyển, đánh bầu khó, phát sinh thêm chi phí.
"Trước đây tôi cũng từng góp rất nhiều về vấn đề này, cần phải tỉa tán thường xuyên, thậm chí tạo tán cho cây khi cắt tỉa. Như vậy, mới hạn chế được cây gãy đổ khi vào mùa mưa bão", ông nói.
Quan sát một số tuyến phố Hà Nội, ông Đê thấy rằng các cây xanh mới được cắt cành, chưa được tỉa tán cây. Ông kiến nghị rằng, đơn vị quản lý phải thực hiện việc tỉa cành thường xuyên hơn.
Liên quan đến việc cắt tỉa cây trước khi bão số 3 đổ bộ, sáng 8/9, phóng viên Dân Việt đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại với lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội. Tuy nhiên, đến hiện tại phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi.
Điều 11 Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định về quy định chung về trồng, chăm sóc cây xanh đô thị như sau:
1. Việc trồng cây xanh đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Việc trồng cây xanh đô thị phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn; cây mới trồng phải được bảo vệ, chống giữ thân cây chắc chắn, ngay thẳng đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt.
3. Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây.
4. Việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng thời phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.