Chợ vùng Đồng Nai bán buôn thế nào mà thương lái vét sạch ao cá chép cúng ngày 23 tháng Chạp?

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 02/02/2024 11:36 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom - một vùng nuôi cá chép cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp lớn nhất tỉnh Đồng Nai - cho biết hiện thương lái đã vét sạch các ao nuôi cá chép của nông dân trên địa bàn.
Bình luận 0

Vụ cá chép cúng ông Công, ông Táo năm Giáp Thìn 2024, xã Bắc Sơn có gần 30 hộ nông dân tham gia với tổng sản lượng khoảng 40 tấn cá chép.

Chợ vùng Đồng Nai bán buôn thế nào mà thương lái vét sạch ao cá chép cúng ngày 23 tháng Chạp?- Ảnh 1.

Thương lái vét sạch ao thu mua cá chép cúng ông Công, ông Táo. Ảnh: T.Đ

Thương lái vét sạch ao nuôi cá chép cúng ông Công, ông Táo

Cũng theo ông Tuấn, việc thương lái vét sạch ao cá chép cúng ông Công, ông Táo từ ngày 21 tháng Chạp.

"Xã còn lại 3 ao thì sáng nay thương lái cũng vô vét hết cá rồi. Một số hộ nuôi cá chép được thương lái đặt cọc từ đầu vụ nuôi cá chép cúng ông Công, ông Táo, nên tới vụ thu hoạch là họ đến vét ao thôi", ông Tuấn phấn khởi.

Ông Trần Văn Can, chủ cơ sở cá giống Trường Can (ấp Sông Mây), một hộ dân nuôi cá chép cúng ông Công, ông Táo lớn nhất tại địa phương cho biết, vụ này ông xuất bán cho thương lái khoảng 5 tấn cá chép.

Theo nhiều hộ nuôi cá tại đây, từ tháng 1 - 9 âm lịch, là thời gian thả giống nuôi cá thịt các loại. Nhưng đến những tháng cuối năm, bà con nông dân mới xuống giống nuôi cá chép cúng ông Công, ông Táo. Vì là cá chép được sử dụng trong việc quan trọng nên được chăm sóc khá kỹ lượng. Cá phải có hình dáng, màu sắc đẹp và nhất là không bị bệnh… Vì vậy, cá chép được nuôi ở xã Bắc Sơn luôn được thị trường ưa chuộng.

Chợ vùng Đồng Nai bán buôn thế nào mà thương lái vét sạch ao cá chép cúng ngày 23 tháng Chạp?- Ảnh 2.

Đưa cá chép cúng ông Công, ông Táo đi các chợ phục vụ người dân. Ảnh: T.Đ

Hiện, cá chép cúng ông Công, ông Táo ở xã Bắc Sơn được thương lái thu mua và phân phối đến các chợ truyền thống trong tỉnh, TP.HCM, các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam bộ.

Tại TP.HCM, ở các làng nuôi cá kiểng của TP, tình hình mua cá chép cúng ông Công, ông Táo cũng đang diễn ra tuy kém sôi động hơn. Có điều, thay vì phải mua cá chép đỏ cúng ông Công, ông Táo cầu may, lấy hên thì người dân TP phải mua cá chép Nam Dương, thậm chí cá chép Koi vì bà con nông dân không nuôi cá chép đỏ.

Anh Nguyễn Phạm Tấn Công, một nông dân nuôi cá kiểng ở xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh) cho biết, anh bắt đầu bán cá cúng ông Công, ông Táo từ ngày 20 tháng Chạp và kết thúc vào ngày 25 tháng Chạp. Mỗi ngày trong thời điểm này, anh bán được khoảng 200kg cá chép Nam Dương và cá Koi, trong đó cá chép Nam Dương chiếm 2/3 sản lượng.

"Không có cá chép đỏ nên người dân TP phải mua cá chép Nam Dương và chép Koi thay thế cúng ông Công, ông Táo. Mà nếu có mua cá Koi thì bà con cũng mua cá dạt vì cá đạt chuẩn giá khá cao", anh Công chia sẻ.

Giá cá chép cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp giảm vẫn lời đậm 

Chợ vùng Đồng Nai bán buôn thế nào mà thương lái vét sạch ao cá chép cúng ngày 23 tháng Chạp?- Ảnh 3.

Năm nay, giá cá chép cúng ông Công, ông Táo giảm nhưng bà con nông dân nuôi cá vẫn lời đậm. Ảnh: T.Đ

Cũng theo anh Công, giá cá chép cúng ông Công, ông Táo năm nay thấp hơn cùng thời điểm năm ngoái khoảng 5%.

Hiện, giá cá Nam Dương anh bán ra là 150.000 đồng/kg, giá cá chép Koi 190.000 – 500.000 đồng/kg, giá cá chép Koi dạt 80.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại xã Bắc Sơn, nếu vụ cá chép cúng ông Công, ông Táo năm ngoái giá cá chép thương lái mua tại ao 80.000 – 90.000 đồng/kg, thì năm nay chỉ 60.000 đồng/kg.

"Giá cá chép cúng ông Công, ông Táo năm nay chỉ còn 60.000 đồng/kg, nhưng trừ chi phí cám, con giống… bà con nuôi cá vẫn lời khoảng 40%. Giá cá như vẫn còn ngon", ông Tuấn bộc bạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem