Chuyện về người phụ nữ Mỹ kỳ lạ bán nhà đến Việt Nam để chữa lành nỗi đau cho bệnh nhân đột quỵ - Ảnh 1.

Bà Virginia Mary Lockett đón chúng tôi ở nhà riêng nằm trong một con ngõ nhỏ trên đường Chế Lan Viên, TP.Đà Nẵng và thật may mắn, hoa hồng trắng cũng chính là loài hoa mà bà Mary Lockett yêu thích. Bà chuẩn bị món bánh ngọt do chính tay bà làm để mời chúng tôi thưởng thức. Trong một buổi chiều dịu nhẹ, có hoa hồng và bánh ngọt, bà Virginia Mary Lockett chậm rãi kể về quãng thời gian dài bà đến sống ở Việt Nam như một thước phim chậm mà chính bà cũng ít có thời gian để nhìn lại…

Trong câu chuyện, thi thoảng bà dừng lại, thi thoảng bà đưa tay lên chạm vào khóe mắt… Tôi ngồi đó lắng nghe, trong đầu cứ hiện lên hình ảnh của Mẹ Teresa- nữ tu người Ấn Độ- người được mệnh danh là "Vị thánh của những người khốn khổ". Tôi đem suy nghĩ này nói với bà, bà Mary Lockett vội xua tay và nói: "Tôi chỉ là tôi thôi…".


Chuyện về người phụ nữ Mỹ kỳ lạ bán nhà đến Việt Nam để chữa lành nỗi đau cho bệnh nhân đột quỵ - Ảnh 2.

Bà Virginia Mary Lockett thân mật trò chuyện cùng tác giả bài viết.

Nhắc đến Mẹ Teresa, tôi chợt nhớ đến câu nói nổi tiếng của bà: "Việc tốt là những mắt xích tạo nên sợi xích tình yêu", tôi tò mò muốn biết, tình yêu của bà Lockett đối với Việt Nam đã được tạo nên từ những 'mắt xích' như thế nào. Tôi hỏi bà về mối duyên với Việt Nam, bà Lockett chia sẻ: "Nhân duyên giữa tôi và Việt Nam từ năm 1995. Lúc đó, tôi và chồng sang Việt Nam nhận hai đứa con nuôi ở Nha Trang. Trong quá trình nhận con nuôi, chúng tôi đang làm thủ tục thì có một anh bạn đến nhờ tôi giúp cho bố của anh ấy. Bố của anh này bị xe tải tông gãy xương đùi, sau đó lại bị tai biến không thể đi lại. Thời điểm đó ở Việt Nam, hệ thống y tế chưa phát triển về phục hồi chức năng. Anh ấy nhờ tôi giúp đỡ nhưng tôi cũng không chắc mình có thể làm gì để giúp được. Không rõ anh ấy có nói lại với cha mình hay không nhưng tôi thấy ông ấy bật khóc rất to, người con trai cũng khóc theo". Bà Lockett nói, hình ảnh đó cứ in đậm trong tâm trí bà suốt 10 năm sau.

Tới năm 2005, sau khi đã nhận con nuôi và quay trở về Mỹ, bà Lockett tìm kiếm thông tin để đi làm thiện nguyện về phục hồi chức năng và vật lý trị liệu. "Thời điểm đó ở Haiti vừa có động đất, tôi muốn sang đó, tuy nhiên sau khi liên hệ một số tổ chức thì họ bảo thứ họ cần là chăm sóc y tế ban đầu. Họ giới thiệu cho tôi một số tổ chức khác, trong đó Tổ chức Tình nguyện y tế hải ngoại (HVO) có chương trình kêu gọi tình nguyện viên về vật lý trị liệu đến làm việc tại Trung tâm chấn thương chỉnh hình Đà Nẵng, bây giờ là Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Đà Nẵng, tôi đã đăng ký đi tình nguyện 3 tuần", bà kể.

Sau 3 tuần ở Việt Nam, bà Lockett nhận ra rằng, sau khi chuyên gia rời đi thì những kinh nghiệm họ để lại không được ứng dụng nhiều. Vì vậy, bà nảy ra ý tưởng ở lại Việt Nam lâu dài.

Chuyện về người phụ nữ Mỹ kỳ lạ bán nhà đến Việt Nam để chữa lành nỗi đau cho bệnh nhân đột quỵ - Ảnh 3.

"Tôi về lại Mỹ và liên hệ với Đại sứ Việt Nam tại Washington D.C, trình bày rằng tôi có mong muốn giúp đỡ phía Việt Nam trong lĩnh vực vật lý trị liệu, phục hồi chức năng với kinh nghiệm chuyên môn như vậy. Đại sứ phúc đáp rằng, cảm ơn tình cảm chân thành tôi đã dành cho Việt Nam, nhưng nếu làm việc với tư cách cá nhân thì không đúng pháp lý, tôi nên tìm kiếm một tổ chức nào đó để làm tình nguyện viên cho tổ chức đó thì sẽ hợp pháp về mặt giấy tờ", bà Lockett nhớ lại.

Tìm kiếm nhưng không thấy tổ chức nào cùng chung mục tiêu giống như ý tưởng của mình, bà Lockett đã nghĩ ra cách xin giấy phép lập một tổ chức riêng để sau này có tư cách pháp nhân ở lại Việt Nam dài lâu. Bà cùng chồng đã rất nhanh chóng thành lập một tổ chức có tư cách pháp nhân mang tên Steady Footsteps (Bước đi vững vàng).

"Khi đã xong về mặt thủ tục nhưng về vấn đề đi lại, không thể đi đi về về được vì chúng tôi không có nhiều tiền. Cuối cùng, tôi nghĩ chỉ có một cách duy nhất là phải bán nhà mới có tiền để sống và trang trải", bà kể.

Chuyện về người phụ nữ Mỹ kỳ lạ bán nhà đến Việt Nam để chữa lành nỗi đau cho bệnh nhân đột quỵ - Ảnh 4.

Bà Virginia cùng chồng - ông David, đến Việt Nam lần đầu vào cuối thế kỷ trước để nhận con nuôi và quyết định gắn bó với đất nước hình chữ S.

Bán nhà để làm thiện nguyện quả là một quyết định liều lĩnh!. "Vì vợ chồng tôi xác định ý nguyện như vậy thì chỉ một sự lựa chọn duy nhất, không có lựa chọn thứ hai. Nếu như bạn có nhiều sự lựa chọn thì sẽ phức tạp hơn nhưng nếu chỉ có một lựa chọn thì lại đơn giản. Lúc đó vợ chồng tôi sống thoải mái ở Mỹ nhưng không dư dả, để thực hiện nguyện vọng thì chỉ có thể bán nhà mới có thể trang trải cuộc sống. Lúc bán nhà thì chồng tôi ủng hộ 100%, 2 người con lớn của tôi không có ý kiến gì còn người con trai út thì không vui chút nào", bà Lockett nhớ lại.

Bà cùng chồng nhanh chóng hoàn tất thủ tục bán nhà và với tất cả số tiền bán được, vợ chồng bà trích một phần nhỏ để mua hai tấm vé một chiều đi đến Việt Nam. Thời điểm đó, bà Lockett và chồng vẫn không thể lường hết được, quyết định liều lĩnh đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của hai người…

Chuyện về người phụ nữ Mỹ kỳ lạ bán nhà đến Việt Nam để chữa lành nỗi đau cho bệnh nhân đột quỵ - Ảnh 4.

Thời điểm trước lúc bán nhà, bà Lockett là chuyên viên vật lý trị liệu, cuộc sống ở Mỹ của bà tương đối thoải mái, có 3 đứa con trong đó có một đứa con ruột và 2 đứa con nuôi người Việt. Mức lương của bà lúc đó cũng khá, đủ để chăm lo cho gia đình. Lúc sang Việt Nam, rõ ràng làm thiện nguyện thì không có thu nhập, tuy vậy mức sống ở Việt Nam so với Mỹ thì rẻ hơn. So sánh mức độ chi tiêu thì mức độ chi tiền ở Việt Nam cho các dịch vụ ít hơn ở Mỹ.

"Sống ở Việt Nam, thay vì phải lái xe khoảng 160km mỗi ngày thì tôi đến bệnh viện bằng xe máy với khoảng cách gần hơn. Hơn nữa, khi làm việc ở Việt Nam, do không bị vướng bận chuyện hồ sơ, bệnh án, giấy tờ nên tôi được tập trung vào đúng chuyên môn của mình", bà chia sẻ.

Nói về lý do lựa chọn Đà Nẵng là điểm đến, thay vì bất kỳ thành phố nào khác ở Việt Nam, bà Lockett nói rằng, có nhiều yếu tố, thứ nhất đó là chuyến đi đầu tiên để giúp đỡ về chuyên môn ở Việt Nam. Thứ hai, ở Mỹ các tổ chức thường hay tập trung về Hà Nội, TP.HCM, còn Đà Nẵng tuy nhỏ nhưng cũng là một điểm cần hỗ trợ và là trung tâm của khu vực miền Trung. Ngoài ra, môi trường sống ở Đà Nẵng khá thoải mái, thời tiết dễ chịu nên vợ chồng bà đã quyết định ở lại thành phố này.


Chuyện về người phụ nữ Mỹ kỳ lạ bán nhà đến Việt Nam để chữa lành nỗi đau cho bệnh nhân đột quỵ - Ảnh 2.

Khi nhớ lại chặng đường dài 17 năm gắn bó với hoạt động thiện nguyện ở Đà Nẵng, bà Lockett nói có vô vàn kỷ niệm hằn sâu trong tâm trí của bà, thật khó để quên. "Có lần tôi và chồng đi ăn trưa thấy tai nạn xảy ra trước mặt, bệnh nhân nằm đó bị chấn thương sọ não, những chuyện đó quá khủng khiếp và diễn ra hàng ngày". Xuất phát từ một người trị liệu cho các bệnh nhân bị chấn thương sọ não, nỗi đau đớn và tuyệt vọng của bệnh nhân là điều khiến bà day dứt và trăn trở nhất.

6 tháng trước khi Việt Nam áp dụng luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm, bà Lockett đã bỏ tiền túi ra mua 3.401 chiếc mũ bảo hiểm để tặng cho toàn bộ nhân viên y tế làm việc tại các bệnh viện trên địa bàn TP.Đà Nẵng, từ trạm y tế đến bệnh viện quận, bệnh viện tuyến đầu với hi vọng, có cách gì bảo vệ cái đầu thì họ sẽ không bị chấn thương nếu chẳng may xảy ra tai nạn.

Ở Bệnh viện Y học Cổ truyền Đà Nẵng, mỗi sáng sáng, hình ảnh "bà Tây" đi xe máy đến trị liệu cho bệnh nhân đã trở nên quá quen thuộc với không chỉ tất cả những y bác sĩ của bệnh viện, mà còn với những bệnh nhân nội trú. Có bệnh nhân thời gian điều trị lâu dài ở bệnh viện đã xem bà Lockett như vị cứu tinh, như thủ lĩnh tinh thần vực họ vượt qua những bi quan về bệnh tật.

Chuyện về người phụ nữ Mỹ kỳ lạ bán nhà đến Việt Nam để chữa lành nỗi đau cho bệnh nhân đột quỵ - Ảnh 6.

Mặc dù tâm lý thông thường của người bệnh khi đau đớn, thường có những tâm trạng yếu đuối, ủ rũ mất tinh thần, nếu không thì lại trở nên đối nghịch không hợp tác, cộng thêm với việc bất đồng ngôn ngữ là những rào cản nhưng bà Lockett vẫn có cách riêng để giao tiếp và cảm nhận được nỗi đau của bệnh nhân, để từ đó chia sẻ và mang lại ánh sáng hi vọng cho họ. Một trong những phương pháp hiệu quả của bà là chịu khó tiếp xúc với bệnh nhân tai biến, dùng chính tình yêu thương để cảm nhận họ, sau đó mới sử dụng biện pháp tâm lý kết hợp với biện pháp điều trị. "Tôi đã điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân, điều đó cũng có nghĩa là tôi đã trải qua vô vàn tình huống khác nhau", bà Lockett chia sẻ.

Khi hiểu bệnh nhân có những yếu tố như bị liệt một bên, bị rối loạn cảm giác, bị thất ngôn không thể diễn đạt và không hiểu những gì người khác nói với mình… bà Lockett tìm hiểu hết các vấn đề của bệnh nhân sau đó sẽ giải thích cho bệnh nhân cùng người nhà của họ biết về tình trạng của họ và khả năng phục hồi như thế nào để bệnh nhân yên tâm.

Đặc biệt bà Lockett làm thiên về vận động, bà có thể làm mẫu cho bệnh nhân bắt chước. Bà thay đổi hành động của mình tuỳ theo bệnh nhân, suy đoán bệnh nhân cần gì. Trong lúc làm việc, bà Lockett cũng hay hài hước với bệnh nhân, khiến họ vui vẻ, tâm trạng tốt hơn.

Chuyện về người phụ nữ Mỹ kỳ lạ bán nhà đến Việt Nam để chữa lành nỗi đau cho bệnh nhân đột quỵ - Ảnh 8.

Một trong số bệnh nhân mà bà Lockett rất ấn tượng có tên là Thanh, trước đó làm công ty đóng tàu, ở Phường Hòa Xuân, Quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng. 5 năm trước, anh Thanh bị chấn thương sọ não nghiêm trọng nhưng đến nay đã phục hồi, có thể đi xe đạp từ nhà đến bệnh viện. Tuy nhiên, nỗi lo của bà Lockett vẫn không dừng lại, đối với những bệnh nhân đã được phục hồi, bà còn trăn trở làm sao để họ thích nghi, tái hoà nhập với cuộc sống.

Bà đã có nhiều đêm gần như thức trắng để nghĩ cách giúp bệnh nhân hoà nhập. Bà nảy ra ý tưởng thiết kế một phòng trị liệu giống môi trường ở nhà bệnh nhân, có đồ bếp, chuyển qua đó bệnh nhân có thể tự mặc quần áo, vệ sinh cá nhân, nấu nướng, làm các công việc quét nhà, rửa bát… khi họ làm được những công việc đó thì khi về nhà họ sẽ tái hoà nhập tốt hơn. "Tôi gọi đó là bước đệm để qua cầu", bà Lockett nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vì sự khác biệt văn hoá giữa phương Đông với phương Tây, bà Lockett lớn lên ở môi trường khác, văn hoá và cách sinh hoạt cũng khác nên bà Lockett đưa ra ý tưởng và trao đổi với đơn vị xây dựng làm sao tận dụng được hiệu quả nhất về không gian để giúp bệnh nhân có môi trường giống như ở nhà. Kể đến đây, bà Lockett cố gắng miêu tả làm sao cho chúng tôi mường tượng ra căn phòng phục hồi chức năng đặc biệt do bà Lockett thiết kế ở Bệnh viện Y học Cổ truyền Đà Nẵng. Thấy vậy, chúng tôi ngỏ ý muốn được mục sở thị và đồng hành cùng bà một ngày ở bệnh viện. Nghe thế, bà Lockett cười rất vui và hẹn chúng tôi, ngày mai gặp lại…


Chuyện về người phụ nữ Mỹ kỳ lạ bán nhà đến Việt Nam để chữa lành nỗi đau cho bệnh nhân đột quỵ - Ảnh 9.


Chuyện về người phụ nữ Mỹ kỳ lạ bán nhà đến Việt Nam để chữa lành nỗi đau cho bệnh nhân đột quỵ - Ảnh 3.

Sáng hôm sau, chúng tôi cố gắng đến Bệnh viện Y học Cổ truyền Đà Nẵng sớm nhất có thể, với hi vọng sẽ đến sớm hơn cả bà Lockett để đón bắt được khoảnh khắc bà đến bệnh viện trên chiếc xe máy cũ kỹ một cách tự nhiên nhất. Ấy vậy, khi chúng tôi đến là lúc bệnh viện chưa bắt đầu giờ thăm khám bệnh nhân, nhưng đã được trợ lý của bà Lockett thông báo bà đã có mặt ở trung tâm phục hồi chức năng của bệnh viện. Như một thông lệ, hàng ngày bà đến đó từ rất sớm, trước giờ thăm khám bệnh nhân bà đã đi thăm hỏi, quan sát phòng điều trị và sắp đặt mọi thứ ở vị trí an toàn.

Khi chúng tôi bước vào căn phòng phục hồi chức năng, bà Lockett đã ngồi ở một chiếc bàn được kê ở vị trí có thể bao quát được cả căn phòng. Xung quanh bà là các bác sĩ, kỹ thuật viên và một số người nhà bệnh nhân đang chăm chú lắng nghe thông tin về người bệnh. Căn phòng có khoảng 20 bệnh nhân đang chuẩn bị được trị liệu, các kỹ thuật viên dưới sự hướng dẫn của bà đã thuần thục các liệu pháp chữa trị. Thi thoảng bà quan sát thấy những động tác chưa chuẩn, những phản ứng bất thường của bệnh nhân liền lập tức đến can thiệp và giải thích cặn kẽ cho người bệnh cũng như các kỹ thuật viên hiểu và phối hợp.

Mặc dù Ban giám đốc bệnh viện đã bố trí riêng cho bà một căn phòng làm việc riêng, nhưng bà Lockett nói rằng bà ít ngồi ở đó, bởi bà muốn gần gũi để thấu hiểu được cảm xúc và nỗi đau của các bệnh nhân để từ đó đưa ra những liệu pháp điều trị phù hợp cho mỗi người.


img
img
img
img
img

Ở tuổi 70, bà Virginia Mary Lockett vẫn đang hàng ngày trực tiếp trị liệu, tạo không khí vui vẻ cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Đà Nẵng.

17 năm với công việc thiện nguyện tại bệnh viện, chứng kiến nhiều câu chuyện, nhiều cuộc đời và cả những nỗi đau muôn hình vạn trạng, bà Lockett nói rằng bà nhận thấy nhiều sự thay đổi trong lĩnh vực y học ở Việt Nam. "Công việc chuyên môn của tôi là phục hồi chức năng, để đến được được phục hồi chức năng bệnh nhân phải cấp cứu ban đầu và sống sót đã. Ngày xưa mà gãy xương đùi thì chuyện mổ xẻ vô cùng khó khăn, bây giờ mọi chuyện đã khác. Trước đây bị đứt dây chằng làm gì có chuyện mổ tái tạo, thay khớp gối, thay khớp háng, bây giờ có thể thực hiện được rồi. Đó là sự thay đổi lớn ở Việt Nam".

Vừa trò chuyện, bà vừa dẫn chúng tôi đi thăm căn phòng phục hồi đặc biệt do bà lên ý tưởng thiết kế. Ở đây là một không gian sinh hoạt đúng tiêu chuẩn truyền thống của người Việt, giúp bệnh nhân dễ dàng thực hành. Căn phòng rộn rã tiếng nói cười, tiếng nước chảy róc rách và cả tiếng bát đũa va vào nhau khi các bệnh nhân cố gắng thực hành việc rửa bát, quét nhà như những gì họ vẫn thường làm trước khi bị bệnh… Bà Lockett lặng lẽ đứng ở một góc phòng, quan sát từng động tác của bệnh nhân, ánh mắt không giấu được niềm vui sướng mỗi khi bệnh nhân thực hành thành công một động tác khó.

Cùng quan sát với bà, chúng tôi phát hiện mỗi bệnh nhân đều được đeo một cái đai quấn quanh bụng và các kỹ thuật viên đứng sau các bệnh nhân đều giữ chặt cái đai đó. Đem thắc mắc này hỏi bà thì được biết, tất cả những đai an toàn của bệnh nhân trong Khoa phục hồi chức năng của bệnh viện đều do bà Lockett may tặng. Hàng ngày sau những giờ làm việc ở bệnh viện, đêm đến bà Lockett thường dành thời gian để ngồi may đai, bất kể là mùa đông hay mùa hè. Bà lý giải, việc may đai cho bệnh nhân là để cho bệnh nhân được an toàn, chống té ngã. "Khi mới làm, vì thiếu vải nên số đai tôi tặng cho bệnh nhân không đủ. Thời gian gần đây nguồn vải nhiều hơn, tôi cũng biết cách để mua được nhiều vải với giá thành hợp lý nên tôi đã may được nhiều đai để tặng bệnh nhân hơn.


Chuyện về người phụ nữ Mỹ kỳ lạ bán nhà đến Việt Nam để chữa lành nỗi đau cho bệnh nhân đột quỵ - Ảnh 12.

Một ngày có 24 tiếng đồng hồ, tôi làm việc ở Viện buổi sáng, buổi chiều ở nhà may vá, vừa may vừa nghe nhạc cũng là niềm vui và có thể giúp cho các bệnh nhân. Khi tuổi của tôi ngày càng cao, việc may vá cũng gặp một số trở ngại, nhưng tôi vẫn sẽ cố gắng mỗi ngày, từng chút từng chút một…".

Nghe bà kể về khối lượng công việc trong ngày bà làm, chúng tôi tò mò muốn biết trong chừng ấy thời gian liệu bà có phải đánh đổi điều gì, bà Lockett vui vẻ nói rằng, muốn làm tốt mọi việc, cần có tư duy cở mở, đừng "đúng, sai", cứng nhắc quá, làm việc với tâm thế "làm là làm" thì chắc chắn mình sẽ làm tốt và những đánh đổi của bản thân tự khắc sẽ trở nên nhỏ bé trước những điều ý nghĩa mình làm được. 

Bà cười hóm hỉnh nói: "Tôi cảm thấy tôi đang tận hưởng cuộc sống đấy chứ. Thời điểm hiện tại tôi chỉ làm việc vào buổi sáng, trước đây thì tôi làm việc nhiều hơn. Tôi cũng không làm việc trực tiếp với bệnh nhân nhiều như trước mà hướng dẫn cho các nhân viên bệnh viện. Ở tuổi 70 nếu như làm việc với cường độ như trước đây tôi nghĩ sẽ có khó khăn về sức khoẻ, tuổi tác. Từ năm 19 tuổi, tôi đã có mong muốn làm việc thiện nguyện. Sự hi sinh này, tôi chỉ muốn giữ cho riêng mình. Tôi biết đủ, chưa bao giờ tôi nghĩ mình cần làm gì để trở nên thật giàu có. Tôi nghĩ những gì mình có hiện giờ là đủ, tôi nên làm một người hữu ích cho cộng đồng, đó là điều làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc".


Chuyện về người phụ nữ Mỹ kỳ lạ bán nhà đến Việt Nam để chữa lành nỗi đau cho bệnh nhân đột quỵ - Ảnh 4.

Trong lúc chúng tôi đến bệnh viện, các kỹ thuật viên khi chia sẻ những câu chuyện về bà đã kể cho chúng tôi nghe về một bức tượng đồng do chính đội ngũ y, bác sĩ trong bệnh viện chung tay tạo nên để tôn vinh tấm lòng cao cả và sự hi sinh thầm lặng của bà Lockett dành cho bệnh nhân và bệnh viện trong nhiều năm qua. Thật thú vị là trước đó bà Lockett không biết gì cho đến Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm 2021, bệnh viện mời bà lên tham dự như mọi năm. Khi bác sĩ Ánh (Giám đốc Bệnh viện) mời nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng lên cùng ông gỡ tấm màn phủ trên bức tượng, mất mấy giây bà Lockett mới nhận ra đó là mình. "Tôi không tin mình được tạc tượng! Tôi không nghĩ có ai đó sẽ đi tạc tượng mình, đây là lần đầu tiên trong đời tôi. Tôi vô cùng ngạc nhiên và xúc động vì món quà quá bất ngờ. Tôi cảm kích tấm lòng của mọi người đã yêu thương tôi", bà Lockett bồi hồi nhớ lại.

Chuyện về người phụ nữ Mỹ kỳ lạ bán nhà đến Việt Nam để chữa lành nỗi đau cho bệnh nhân đột quỵ - Ảnh 14.

Bức tượng đồng bà Virginia Mary Lockett được bệnh viện Y học Cổ truyền lên ý tưởng và nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thực hiện.

Ở tuổi 70, bà Lockett nói rằng bà có ba điều ước và điều ước lớn nhất là có đủ sức khoẻ để tiếp tục công việc. Điều ước thứ hai là làm sao được tiếp tục làm công việc mà mình đang làm, điều ước thứ ba là bà ước được sống ở Việt Nam lâu dài cho đến cuối đời. "Bởi vì hiện tôi đang có một số trở ngại về việc làm visa, tạm trú khó vô cùng. Nếu sau này tôi không đủ sức khoẻ làm việc nữa thì làm sao để sống ở Việt Nam một cách hợp pháp. Cơ chế hiện giờ chưa có, nếu không làm thiện nguyện nữa thì không thể dựa vào công việc để xin visa và tạm trú được. Nếu là khách du lịch thì hiện là 3 tháng còn trước đây chỉ có 1 tháng. Rất nhiều người nước ngoài tìm cách nhập cư vào Mỹ, nhưng từ ngày sang đây tôi chưa lấy một đồng nào của Việt Nam ra nước ngoài, chỉ có chuyện tiêu tiền đô ở đây vì tôi không có tiền lương trong 17 năm. Việc xin quốc tịch ở Việt Nam thì xa vời nhưng đến cả xin thường trú hiện tại cũng rất khó khăn trong khi công việc tôi làm rất rõ ràng".

Trước khi rời bệnh viện, chia tay bà Lockett, ánh mắt bà có chút đượm buồn. Bà nói rằng, bà lo đến tuổi không đủ sức khoẻ làm việc nữa, nhà bên kia đã bán, "đốt cầu qua sông" rồi thì quay về bên kia cũng đâu còn nhà để ở.

"Tôi thực sự muốn ở lại Việt Nam, Đà Nẵng thực sự là nhà của tôi chứ không phải là quê hương thứ hai nữa", bà Lockett nhắn nhủ.

Chuyện về người phụ nữ Mỹ kỳ lạ bán nhà đến Việt Nam để chữa lành nỗi đau cho bệnh nhân đột quỵ - Ảnh 15.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem