Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Thời gian qua, người dân thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang bất ngờ khi bắt gặp công nhân, cán bộ của Công ty Giấy Lee & Man Việt Nam đem hạt giống rau cải, các loại cây thủy sinh, thậm chí đem cả đàn vịt, nhiều loại cá, cua đồng, ốc bươu đen,…đến khuôn viên nhà máy giấy của công ty này để trồng và chăm sóc trong khuôn viên.
Trong khuôn viên này, công nhân, cán bộ của Công ty Giấy Lee & Man Việt Nam xây dựng bể nuôi cá, nuôi ốc bươu đen và đàn vịt, dựng trang trại trồng rau củ, dựng vườn ươm giống, thiết kế nhiều khu vực trồng cây thủy sinh…
Gần đây, các loại vật nuôi và cây trồng trên phát triển tươi tốt, tạo nên một không gian xanh lớn. Ngoài thời gian làm việc, công nhân, cán bộ của nơi đây sẽ tự tay chăm sóc những loại vật nuôi và cây trồng mà mình đem đến.
Ngoài ra, quanh nhà máy giấy Lee &Man cũng có hơn 20.000 cây xanh trồng từ nhiều năm trước, từ đó phối hợp nhau góp phần cải thiện và nâng chất lượng môi trường làm việc. Phía Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam cho biết, đó là cách làm xanh hóa không gian công nghiệp thuộc mô hình "nông trại xanh" (Green Farming). Để tìm hiểu rõ hơn về mô hình trên, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Chung Wai Fu - Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam.
Ông Chung Wai Fu - Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam chia sẻ về mô hình “nông trại xanh” (Green Farming)
Tại sao Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam làm mô hình "nông trại xanh" (Green Farming), thưa ông?
- Công ty chúng tôi có gần 1.200 công nhân, mỗi ngày những công nhân này dành 8 tiếng ở đây. Do đó, chúng tôi muốn tạo không gian xanh, lưu giữ môi trường sống bền vững cho công nhân viên nhà máy.
Hơn nữa, là một trong những nhà sản xuất giấy FDI hàng đầu tại Việt Nam, chúng tôi luôn quan tâm đến lợi ích cộng đồng, trách nhiệm xã hội và đặc biệt là vấn đề phát triển bền vững. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy luôn triển khai những hoạt động phục vụ mục tiêu tiến tới kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
Những nhăm qua, mỗi năm, Công ty Giấy Lee & Man đầu tư hàng trăm triệu USD cho các công trình bảo vệ môi trường. Ngay sau cánh cổng nhà máy, chúng tôi đã và đang trồng hơn 20.000 cây xanh khắp khuôn viên. Chúng tôi làm những điều này như thói quen, luôn đặc mục tiêu phát triển công nghiệp song hành với việc bảo vệ, duy trì và phát triển môi trường, hệ sinh thái địa phương.
Ông đánh giá như thế nào về mô hình "nông trại xanh" (Green Farming) này?
- Mô hình "nông trại xanh" (Green Farming) không mới, nhưng tại vùng ĐBSCL, tôi đánh giá đây là mô hình mang lại nhiều điều thú vị. Mô hình biến không gian sản xuất công nghiệp thành một không gian xanh và mỗi nhân viên đều đóng vai trò quan trọng vào việc duy trì và phát triển không gian xanh đó. Qua đó, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của mỗi người cũng được nâng cao hơn.
Công ty sử dụng nước thải từ hoạt động sản xuất sau xử lý của nhà máy để nuôi cây trồng và vật nuôi, hạn chế lượng nước xả ra môi trường. Cụ thể, tại hồ sinh học - nơi dự trữ nước thải để giám sát trước khi thải ra môi trường, công ty đã lắp đặt một hệ thống làm chậm sự phát triển của tảo, kích hoạt quá trình nitrat hóa làm các chất dinh dưỡng phong phú chuyển sang dạng đơn giản, nhờ đó chúng có thể được cây xanh hấp thụ dễ dàng.
Từ đó, chúng tôi đạt được mục tiêu kép: chất lượng nước sau xử lý được trong và sạch hơn và cây phát triển khỏe mạnh và nhanh chóng.
Xin nói thêm rằng, nước đã qua hệ thống xử lý của công ty hoàn toàn phù hợp cho sự phát triển của sinh vật và thực vật. Việc tưới tiêu và nông nghiệp không còn là vấn đề, thậm chí một phần nước đã qua xử lý cũng có thể được tái sử dụng cho sản xuất.
Nhiều loại rau cải trong mô hình “nông trại xanh” (Green Farming) đã được thu hoạch
Khi bắt đầu thực hiện, phản ứng của nhân viên đối với mô hình này như thế nào?
Đa số các nhân viên đều ủng hộ và tham gia nhiệt tình với mô hình "nông trại xanh" (Green Farming). Họ cũng sẵn sàng đóng góp rất tích cực các loại cây xanh, các loại cá mang vào công ty để cùng nhau trồng và chăm sóc.
Tôi cũng để cho các nhân viên tự do sáng tạo, phác thảo các thiết kế cho mô hình "Green Farming", ví dụ như cá bể cá, bồn hoa sẽ được xây dựng như thế nào, rồi sẽ trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp…
Các nhân viên đều được tự do làm, cách làm nào hay, phù hợp chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng, cách làm nào chưa phù hợp sẽ điều chỉnh. Qua đó, mọi người cũng trở nên đoàn kết, xây dựng kỹ năng làm việc tập thể. Tôi thật sự rất vui mừng khi các nhân viên của mình ủng hộ ý tưởng này. Cũng vì thế, chúng tôi càng quyết tâm xây dựng và nhân rộng mô hình này hơn.
Nếu cho rằng mô hình có nhiều lợi ích, vậy Công ty Giấy Lee & Man Việt Nam có kế hoạch nhân rộng không?
- Thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện các cuộc thử nghiệm xây dựng trang trại trồng rau cải, dựng vườn ươm giống, nuôi cá trong bể từ nguồn nước sau khi xử lý,…đã mang đến kết quả rất khả quan. Các loại rau, cây xanh và vật nuôi phát triển rất tốt. Hiện tại, chúng tôi đang tăng cường hơn nữa cơ sở vật chất để mở rộng mô hình.
Tới đây, chúng tôi cũng sẽ phát động phong trào thi đua "trồng và chăm sóc cây xanh" cho các bộ phận trong công ty. Mỗi bộ phận sẽ đảm nhận trồng và chăm sóc: cây xanh, trái cây, hoa...trong khu nhà ở (khu ký túc xá) để nâng cao tinh thần xây dựng hệ sinh thái xanh, đồng thời tạo không gian thư giãn, tinh thần đoàn kết trong công ty.
Ngoài ra, trong thời gian tới, công ty sẽ nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ của chính quyền địa phương, các trường đại học, thực hiện tài trợ cho nông dân xây dựng các trang trại tương tự. Công ty sẽ biến mô hình "nông trại xanh" (Green Farming) thành địa điểm tham quan cho các cơ sở giáo dục trong khu vực, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh.
Chúng tôi tin rằng ngày càng nhiều người hiểu và biết về kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần vào công cuộc vận dụng và phát triển mô hình kinh tế bền vững này tại Việt Nam thành công hơn.
Ông Chung Wai Fu - Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam cho biết, phương án "3 tại chỗ" (ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và sản xuất tại chỗ) đã được công ty thực hiện ngay từ những ngày đầu tháng 7, khi dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát mạnh tại một số tỉnh thành lân cận Hậu Giang. Mối quan tâm hàng đầu của công ty là đảm bảo sức khỏe cho toàn thể cán bộ, công nhân viên, từ đó sản xuất mới có thể được duy trì ổn định trong bối cảnh dịch bệnh.
"Khá may mắn khi phương án "3 tại chỗ" khá tương đồng với cuộc sống hàng ngày tại công ty bởi chúng tôi xây dựng nhà xưởng, ký túc xá cho nhân viên ở cùng một địa điểm. Trước những chủ trương chống dịch mới, chúng tôi đã chủ động lên kế hoạch từ rất sớm, chuẩn bị, bổ sung thêm trang thiết bị phòng chống dịch, trang bị thêm các tiện nghi trong khu nhà ở cho chuyên gia và nhân viên công ty, sẵn sàng đón thêm nhân viên vào ở" - ông Chung chia sẻ.
Theo ông Chung, công ty cũng vận động nhân viên ở các tỉnh như: TP. Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Sóc Trăng vào sống, sinh hoạt và làm việc tại nhà máy, hạn chế việc di chuyển qua nhiều khu vực khi đến nhà máy làm việc, giúp giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Sức chứa của khu ký túc xá hiện lên đến 1.500, trong khi tổng nhân sự hiện tại của công ty khoảng 1.200 nhân viên, vì vậy không bị động khi thực hiện phương án "3 tại chỗ" vừa duy trì sản xuất kinh doanh vừa phòng chống dịch Covid-19.
Ông Chung nhấn mạnh: "Chúng tôi cũng đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, ăn uống, cung cấp nhu yếu phẩm và các điều kiện sinh hoạt và làm việc cho nhân viên, để họ không còn vướng bận gì, an tâm cùng với công ty và chính quyền địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh".
* Bài và ảnh: Huỳnh Xây *
* Thiết kế: Việt Anh - Xuân Trường *
Vui lòng nhập nội dung bình luận.