Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cuộc giao lưu đã kết thúc với hàng trăm câu hỏi từ bạn đọc quan tâm. Tuy nhiên vì thời lượng chương trình có hạn nên chúng tôi xin được giải đáp sau. Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc đã nhiệt tình tham gia và gửi câu hỏi tới chương trình! |
Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Hoài tặng hoa các vị khách mời tham gia buổi giao lưu, có đôi lời phát biểu và tặng hoa.
Câu hỏi đầu tiên mà chúng tôi nhận được từ hòm thư dinhtu_2007bk@gmail.com gửi tới ông Vũ Vinh Phú rằng: Gia đình ông đang dùng nước mắm truyền thống hay nước mắm công nghiệp. Từ khi có thông tin asen trong nước mắm truyền thống, vợ con ông có lo lắng?
Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: Gia đình tôi thường xuyên ăn nước mắm truyền thống, 78.000 một chai ở siêu thị. Từ khi có công bố của Hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng, gia đình tôi, vợ con tôi không dao động gì trong vấn đề này. Hầu như chưa bao giờ ăn nước mắm công nghiệp. Siêu thị có mấy chục loại nước mắm, nước chấm các loại. Tỉ trọng trong siêu thị còn nhỏ, 15% còn lại là các chợ nhỏ lẻ. Ở siêu thị hiện nay đa phần là nước mắm công nghiệp. Thời gian này nước mắm công nghiệp phát triển rất nhanh, chiếm 76% thị phần. Nguyên nhân là giá rẻ, bản thân nó cũng không có tội lỗi gì, có người kiêng mặn cao thì lại ăn nước mắm công nghiệp.
Tôi nhấn mạnh là nước mắm công nghiệp hay nước mắm truyền thống đều không có lỗi gì cả, quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vấn đề chính là ở nhu cầu, thị hiếu của mỗi người. Mấy ngày hôm nay tôi có biết thông tin Fivimart có bỏ bán nước mắm truyền thống, như vậy là hơi vội vàng. Cần chờ các cơ quan chức năng công bố chính thức thì mới nên có quyết định. Chúng ta phải biểu dương những người làm ăn tốt. Thúc đẩy thị trường, thúc đẩy sản xuất để phục vụ tiêu dùng một cách bền vững.
Câu hỏi dành cho ông Ngô Quang Tú: Bạn đọc có địa chỉ hòm thư thanhtkn@yahoo.com.vn có câu hỏi: Thế nào là nước mắm truyền thống, thế nào là nước mắm công nghiệp, làm sao tôi có thể phân biệt được và để gọi là nước mắm thì phải đạt những yêu cầu, tiêu chí, tiêu chuẩn gì?
Ông Ngô Quang Tú - Trưởng phòng Chế biến bảo quản thủy sản (Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ NNPTNT): Trước hết, trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa có văn bản nào định nghĩa nước mắm là gì. Trong tiêu chuẩn TCVN 5107:2003 chỉ quy định phạm vi áp dụng là chỉ sản xuất từ cá và muối, còn trước đây không có khái niệm vì chưa có “nước mắm công nghiệp”.
Còn theo tiêu chuẩn Codex năm 2011 được Việt Nam và Thái Lan xây dựng. Theo đó, định nghĩa sản phẩm: Nước mắm là sản phẩm dạng lỏng trong, không đục có vị mặn của muối và mùi của cá, thu được từ quá trình lên men hỗn hợp cá và muối. Còn định nghĩa quá trình chế biến là sản phẩm được chế biến bằng cách trộn cá với muối và hỗn hợp cá muối được đặt trong thùng chứa có nắp đậy. Thông thường, quá trình lên men diễn ra ít nhất phải 6 tháng trở lên, sau đó có thể chiết tiếp bằng cách thêm nước muối để chiết phần đạm và vị cá còn lại. Có thể bổ sung một số thành phần khác để hỗ trợ quá trình lên men.
Rõ ràng chúng ta thấy, nước mắm thông qua hai tiêu chuẩn trên phải được làm từ cá và muối trong thời gian dài. Còn không được làm từ cá và muối, thì không được gọi là nước mắm. Còn trước đây chúng tôi không có khái niệm “nước mắm công nghiệp”, khoảng 10 năm trở lại đây mới có. Chúng tôi chỉ biết khái niệm nước mắm được sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Ông Ngô Quang Tú : Về sự khác nhau, trước đây chưa có khái niệm nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Hai khái niệm này chỉ mới xuất hiện trên thông tin đại chúng sau khi ra đời loại nước chấm có thành phần nước mắm (cốt nước mắm, chất bảo quản, chất điều vị, chất tạo mùi, tạo màu, tạo độ sánh…). Trước đây chỉ có khái niệm “nước mắm” nó được sản xuất theo phương pháp truyền thống và phương pháp công nghiệp (có bổ sung men để giảm thời gian). Loại này gọi là “nước mắm ngắn ngày”.
Còn đối với việc phân biệt 2 loại nước mắm truyền thống - nước mắm công nghiệp theo cảm quan, về màu: Nước mắm truyền thống màu nâu cánh gián, hơi đậm, dễ biến màu khi tiếp xúc không khí. Nước mắm công nghiệp thì có mà nâu nhạt, trong, bền màu khi tiếp xúc không khí. Về mùi, nước mắm truyền thống thơm, nặng mùi. Nước mắm công nghiệp thì thơm nồng. Về vị, nước mắm truyền thống mặn, ngọt hậu của đạm cá còn nước mắm công nghiệp thì nhạt, ngọt dịu không có ngọt hậu, có cảm giác khó chịu ở cổ họng. Đấy là phân biệt bằng cảm quan, còn có các phương pháp lý hóa khác để phân biệt.
Độc giả Bùi Nam (Thanh Hóa) hỏi ông Vũ Văn Đại: Ông đón nhận thông tin nước mắm truyền thống nhiễm asen như thế nào nhất là khi trong danh sách mà Vinastas công bố rồi vội rút xuống có cơ sở của ông?
Ông Võ Văn Đại – Giám đốc Công ty CP nước mắm Vạn phần: Tôi là một doanh nghiệp chế biến sản phẩm truyền thống Nước mắm Vạn Phần, bị cạnh tranh chèn ép của các đại gia nước mắm công nghiệp là chuyện thường ngày. Tôi đã học về MBA nên tôi hiểu rõ những thông tin này là một chiêu trong chiến lược kinh doanh của họ để chiếm thị trường. Tôi cũng đã dự Hội thảo nên tôi không bất ngờ, vì thông tin này đã được Giám đốc phát triển sản phẩm của Công ty hàng tiêu dùng MASAN phát biểu tại Hội Hội thảo.
Tuy nhiên tôi bất ngờ là Hội bảo vệ người tiêu dùng VINATAS lại là người cung cấp các thông tin này. Tôi ngạc nhiên bởi chỉ có các bác thanh viên, là những người nghỉ hưu, lại có thông tin nhanh như vậy, chỉ sau 7 ngày từ Hội thảo “Nước mắm truyền thống - Bảo tồn và phát triển sản phẩm” đã tiến hành khảo sát, kiểm tra được một số lượng mẫu khổng lồ, với chi phí kiểm nghiệm không nhỏ đã có một báo cáo gọn gàng như vậy. Phải nói năng lực của Hội là rất siêu, tuy nhiên kiểm tra và thông báo rất tùy tiện, chỉ phản ánh đúng một chỉ tiêu mà trong Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5107/2003 dành cho nước mắm lại không có quy định. Vì tôi đã công tác 30 năm tại công ty mà chưa thấy việc nào xảy ra như thế này.
Do đó tôi nghi ngờ kết quả này không phải là của VINATAS mà là một báo cáo sẳn có của một đơn vị có sản phẩm khác với nước mắm truyền thống. Các bác là lãnh đạo Hội vì quyền lợi người tiêu dùng mặt hàng nước mắm nếu nhầm lẫn kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” kiểu này thì làm sao bảo vệ được quyền lợi của khách hàng.
Bạn đọc Ngọc Tấn (Đồng Nai) hỏi: Thưa nhà báo Phạm Trung Tuyến, tôi có được đọc nhiều bài của anh trên mục Kính đa tròng của báo Dân Việt, tôi rất tâm đắc. Liên quan tới câu chuyện này, tôi muốn hỏi anh: trước khi có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Trương Minh Tuấn về nghi vấn việc có sự “cấu kết bất lương” trong chiến dịch truyền thông sai lệch về nước mắm truyền thống, đã có một số tờ báo đăng nguyên trang quảng cáo của một doanh nghiệp về việc sản phẩm của họ “an toàn thạch tín”. Chưa nhắc tới khía cạnh luật pháp (quảng cáo đó có thể vi phạm luật quảng cáo và luật cạnh tranh), theo ông, về khía cạnh đạo đức của một cơ quan báo chí trong việc này nằm ở đâu? (Nguyễn Quang Huy, một độc giả thường xuyên của báo điện tử Dân Việt, đến từ Hà Nội).
Nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc kênh VOV Giao Thông Quốc Gia: Tôi cũng là người làm báo, cuộc chiến truyền thông liên quan nước mắm rất ầm ĩ một tuần qua, tôi cũng có quan sát và đánh giá của riêng mình. Tôi không có thói quen theo đuổi thuyết âm mưu và không có nghi vấn, mình chưa đủ có căn cứ để khẳng định có sự tiếp tay của truyền thông trong sự việc trên.
Theo tôi, báo chí trong trong câu chuyện nước mắm, đang có những tác nghiệp không đúng chuẩn mực. Khi đứng trước thông tin có tác động đến cộng đồng, cần có câu hỏi liên quan đến thông tin đó. Tại sao Hội đưa ra kết luận đó? Dựa trên căn cứ nào? Quá trình kiểm tra lấy mẫu được thực hiện ra sao, các cơ quan như Bộ Y tế có phát ngôn gì, chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm có phát ngôn gì. Nguồn tin từ Vinatass chỉ là 1 nguồn tin, và truyền thông không thể đưa tin dựa trên 1 nguồn tin. Chưa nói đến thuyết âm mưu, nghi vấn động cơ, chỉ riêng về mặt tác nghiệp, vụ này là nỗi hổ thẹn của báo chí khi đưa tin không đúng tiêu chuẩn tác nghiệp.
Có thể có một số tờ báo có động cơ, nhưng có một số báo khác không có động cơ nhưng do đuổi theo luồng thông tin, phải chạy theo thông tin, đuổi kịp mạng xã hội nên không có đủ bình tĩnh chín chắn thông thường để kiểm tra nguồn tin và không có nguồn tin để đảm bảo cho thông tin của mình. Một bộ phận báo chí đã tạo nên sự hổ thẹn của nền báo chí Việt Nam hiện nay.
Về yêu cầu "hot Facbooker" Nguyễn Phạm Khánh Vân nhận được, ông là người có ảnh hưởng trên mạng, ông có nhận được đề nghị tương tự không?
Nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông Quốc gia: Tôi muốn chia sẻ rằng, khi chúng ta có ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng nào đó, không tránh được đề nghị như thế, tôi cho rằng, đây là điều bình thường, bất cứ ai cũng có thể nhờ cậy người có ảnh hưởng truyền thông đưa thông tin có lợi cho mình.
Đây là lựa chọn không ai cấm, tuy nhiên, mỗi người có hệ thống gia trị của mình, có sẵn sàng làm thế không?
Ví dụ, nếu ai đó nhờ tôi chia sẻ thông tin mất đồ lên mạng, tôi sẵn sàng làm điều đó để giúp đỡ họ tìm lại đồ đã mất. Nếu ai đó nhờ tôi rằng, đăng thông tin có nhiều nước mắm bẩn, tôi cũng sẽ nhận lời nhưng trước đó tôi phải kiểm tra xem thông tin có căn cứ hay không. Có thể nhận lời chia sẻ thông tin bất lợi cho ai đó nhưng phải kiểm chứng cẩn thận.
Chúng ta không tránh được việc doanh nghiệp có những chiến dịch truyền thông đấu lại doanh nghiệp khác, thương trường là chiến trường. Quan trọng là những người làm truyền thông và lựa chọn của mỗi người. Chúng ta không thể tránh được cái ác cái xấu, chỉ có cách lựa chọn. Không có gì bất ngờ 1 doanh nghiệp nhờ các hot FB đưa những thông tin trên. Do đó, ta phải có chiến dịch truyền thông khác để chuẩn hóa truyền thông. Đã đến lúc phải có hành lang pháp lý để chuẩn hóa thông tin đưa ra.
Trong luật đã có tội vu khống đưa thông tin sai sự thật, nhưng vẫn ít khi xử lý người đưa thông tin sai trên mạng. Trước có vụ đưa thông tin ảo về dịch bệnh nhưng rất ít khi xử phạt những trường hợp tương tự, đã đến lúc cần có nhiều sự xử lý mạnh tay hơn đối với các FaceBooker đưa tin sai sự thật.
Độc giả Thanh (Hà Nội) hỏi: Từ khi đón nhận thông tin nước mắm truyền thống chứa asen, cơ sở nước mắm của ông ảnh hưởng thế nào?
Ông Lê Anh – Chủ doanh nghiệp nước mắm Lê Gia cho biết: Cơ sở chúng tôi cũng nằm trong tình cảnh tương tự, có rất nhiều khách hàng đòi hỏi cần giải thích rõ về vấn đề này, yêu cầu cơ sở giải thích chứng minh về các thông số nước mắm của chúng tôi đối với hàm lượng asen.
MC: Trước khó khăn đấy, ông làm gì để đối diện và khắc phục tình hình?
Ông Lê Anh: Việc đầu tiên chúng tôi liên hệ với chuyên gia tư vấn là nhà khoa học TS Trần Thị Dung và các chuyên gia độc lập khác để được tư vấn, chúng tôi là nhà sản xuất nên chắc chắn phải tin vào nhà khoa học và các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này.
Chúng tôi được phản hồi là những thông tin vừa qua là không đúng sự thật. Nhưng trước dư luận, chúng tôi vẫn phải đưa mẫu đi ra Hà Nội phân tích. Những ngày đó rất căng thẳng, có rất nhiều cuộc gọi đến để làm rõ vấn đề đó. Một số khách hàng để ngỏ khả năng mua tiếp sản phẩm của chúng tôi.
MC: Ông nhận thông tin từ công bố của Hiệp hội VINASTAS hay từ kênh thông tin nào?
Ông Lê Anh: Chúng tôi tiếp nhận qua báo chí, thông tin dồn dập đồng đều có kế hoạch, người tiêu dùng đã tiếp nhận một lượng thông tin sai lầm có kế hoạch, khiến cho những cơ sở sản xuất nước mắm chịu thiệt thòi nghiêm trọng.
Câu hỏi dành cho Luật sư Nguyễn Thế Truyền Nếu phát hiện một doanh nghiệp đứng đằng sau chiến dịch "truyền thông bẩn" nhắm vào các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống, liệu có thể khởi kiện doanh nghiệp này về hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo Luật Cạnh tranh?
Luật sư Nguyễn Thế Truyền: Nếu chứng minh được, có một doanh nghiệp sản xuất nước mắm tài trợ đứng sau chiến dịch vừa rồi, tôi khẳng định họ đã vi phạm pháp luật rất nặng.
Về luật cạnh tranh, họ đã vi phạm Khoản 3, điểm A, điều 45 luật cạnh tranh có ghi rõ trách nhiệm trong việc đưa thông tin gian dối cho khách hàng về giá, số lượng, chất lượng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất.
Ngày 17.10 các tiểu thương nhận được các tờ rơi nói rất rõ, nước mắm có asen là không an toàn, không có asen mới là an toàn. Đây là căn cứ rất mạnh để các cơ quan chức năng có thể xử lý rất mạnh. Ngoài ra còn có rất nhiều quảng cáo của doanh nghiệp này trên báo chí.
Sau khi có kết luận về công bố thông tin sai sự thật, tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thông tin đó có thể làm đơn khiếu nại, gửi trực tiếp đến VINASTAS yêu cầu xin lỗi, gửi thông tin đính chính trên các phương tiện thông tin báo chí, và đòi đền bù thiệt hại.
Các doanh nghiệp có thể đưa ra chứng minh về thiệt hại rất dễ thông qua doanh số theo tháng, quý, thiệt hại cho sản xuất, chi phí công nhân…Nếu VINASTAS không đồng ý, không thoả thuận với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể khởi kiện để đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo luật dân sự.
Tôi cho rằng, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nên có động thái cụ thể. Việc lên tiếng hôm nay, không chỉ để giải quyết vấn đề trước mắt, mà còn tạo ra thói quen tuân thủ pháp luật của tất cả các bên trong xã hội hiện nay. Làm tiền đề cho các doanh nghiệp tự do cạnh tranh phát triển một cách lành mạnh, chứ không phải dùng các chiêu trò.
Bạn đọc Nguyễn Văn Tình ở Đồng Nai cho biết, tôi đi siêu thị trong địa bàn ở tỉnh tôi có hàng trăm loại nước mắm, nước chấm khác nhau như lạc vào ma trận. Xin hỏi ông Vũ Vinh Phú, việc kiểm soát các sản phẩm nước mắm nói riêng và các sản phẩm khác trong siêu thị hiện nay như thế nào và có đảm bảo an toàn hay không?
Ông Vũ Vinh Phú: Theo quyết định 1371/BTM của Bộ Thương Mại nay là Bộ Công Thương đã quy định các siêu thị phải nhập hàng qua hợp đồng, có giấy tờ, được phép lưu hành sản phẩm. Được các cơ quan chức năng chứng nhận mới được đưa vào siêu thị. Việc nhập hàng phải theo hợp đồng ký kết giữa các bên. Sau đó, bản thân siêu thị thỉnh thoảng phải có những đợt quay lại nơi sản xuất để kiểm tra hàng hóa nhập về.
Do đó, chất lượng hàng hóa trong siêu thị về cơ bản có thể yên tâm nhưng siêu thị không phải là “siêu” hoàn toàn. Bởi nếu người nhập hàng có thông đồng với người giao hàng hoặc thiếu trách nhiệm trong khâu đầu vào khi vào siêu thị thì sản phẩm trong siêu thị cũng sẽ có vấn đề. Bản thân người quản lý siêu thị phải kiểm tra chất lượng sản phẩm và cơ quan chức năng phải kiểm tra chất lượng sản phẩm trong siêu thị.
Bản thân các siêu thị phải xây dựng điều lệ chặt chẽ, không bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng cấm trong siêu thị. Do đó, bạn có thể yên tâm, nếu có vấn đề gì phát hiện cần khiếu nại để cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Xin cảm ơn bạn!
Bạn đọc Trung Thông (Nghệ An) hỏi: “Trong gia đình tôi, bố mẹ tôi và tôi thì thích và quen dùng nước mắm truyền thống; con cháu tôi thì thích dùng nước mắm công nghiệp. Tôi nghĩ rằng cái này tùy khẩu vị từng người miễn là an toàn là được. Để kết thúc sự tranh cãi về lâu dài, theo ông Ngô Quang Tú các cơ quan chức năng cần làm gì tiếp sau những động thái chỉ đạo của Chính phủ với các Bộ ngành?”
Ông Ngô Quang Tú: Cảm ơn bạn đọc đã đặt câu hỏi.
Như tên cuộc giao lưu trực tuyến hôm nay là “cuộc chiến nước mắm” nghe có vẻ to tát nhưng đúng là có tranh cãi. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước phải nhanh chóng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mắm, vì nước mắm là nước chấm hết sức đặc thù làm từ động vật dưới nước.
Đồng thời, trong nội dung của quy chuẩn phải có khái niệm hoặc định nghĩa rõ ràng với nước mắm. Còn đối với Bộ NN&PTNT cũng cần rà soát, sửa đổi tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5107:2003 để đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, của xã hội. Bộ Y tế khi xây dựng bộ quy chuẩn về sản phẩm thực phẩm cũng nên tách quy chuẩn về sản phẩm thủy sản riêng vì trên thế giới hai hệ thống này được tách bạch. Bởi mối nguy của sản phẩm thủy sản khác các loại khác.
Còn đối với doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng, nước mắm truyền thống cũng thế mà nước mắm sản xuất theo phương pháp công nghiệp cũng vậy, cần phải minh bạch thông tin để người tiêu dùng lựa chọn. Chúng ta không thể ngăn cản được người tiêu dùng, mà phải để họ lựa chọn theo sở thích của mình.
Bạn đọc Béo Mập ở địa chỉ vanhuong22@yahoo.com hỏi: Dư luận đang chỉ trích một số cơ quan báo chí đã đăng tải thông tin quảng cáo cho nước mắm của hãng Masan không có asen với khẩu hiệu Chất lượng nhưng phải an toàn, không biết là vô tình hay hữu ý ngay sau khi Vinastas công bố kết quả gây hoang mang dư luận về nước mắm asen kia? Là một lãnh đạo cơ quan báo chí, ông thấy việc đăng quảng cáo về sản phẩm này trong trường hợp này thế nào? Là ông, ông có cho đăng tải?
Ông Phạm Trung Tuyến: Tôi cho rằng, quảng cáo của Masan không có gì sai, họ đã đưa ra 1 slogan nước mắm phải an toàn, cái đó phù hợp, cơ quan báo chí cũng không có vấn đề gì khi đăng một quảng cáo như vậy.
Về khía cạnh khác, sự nhạy cảm về mặt thông tin, khi mà xã hội đang xảy ra cuộc chiến nước mắm, một cơ quan báo chí cần phải cân nhắc, có nên đăng hay không. Đây không phải là vấn đề pháp lý, mà là vấn đề lựa chọn, họ lựa chọn gì, hợp đồng quảng cáo có giá trị lớn hay lựa chọn cảm xúc của độc giả.
Không ai có thể lựa chọn thay ai được. Tôi khẳng định về mặt pháp lý thì không có vấn đề gì, nhưng thông tin về nước mắm lại chạm vào cảm xúc của độc giả, xung đột với cảm xúc của độc giả. Chúng ta đều lựa chọn theo lợi ích của mình, nhưng lợi ích đó là gì thì tùy vào mỗi người.
Chẳng hạn, nếu là tôi, tôi sẽ chọn lợi ích về lâu dài, lợi ích của tôi là có lượng độc giả tín nhiệm trong thời gian dài, do đó, tôi sẽ không chọn xung đột với lợi ích của độc giả. Nhưng nếu trước mắt, tôi cần đưa về lợi ích cho cơ quan, thì tôi sẽ chọn quảng cáo. Như vậy lựa chọn như thế nào còn tùy vào thời điểm.
Một bạn đọc nêu câu hỏi với nhà báo Phạm Trung Tuyến về Trách nhiệm của nhà báo như thế nào? Không chỉ vấn đề nước mắm, mà sau này chúng ta sẽ phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng tương tự?
Nhà báo Phạm Trung Tuyến: Tôi đồng ý với anh, câu chuyện nước mắm chỉ là một ví dụ, chúng ta có thể gặp nhiều chuyện tương tự trong lúc chúng ta đang chứng kiến truyền thông như con ngáo ộp dọa dẫm người tiêu dùng, doanh nghiệp.
Sức mạnh truyền thông đang bị thổi phồng, nếu đây là một âm mưu triệt hạ nước mắm truyền thống, nếu âm mưu này xảy ra cách đây 10 năm thì sẽ rất thành công. Nhưng ở thời điểm hiện tại chỉ xảy ra trong 1 thời gian ngắn đã bị độc giả phanh phui cho thấy người đọc hiện đã có thể nhận ra thông tin rất nhanh.
Theo tôi, về mặt ngắn hạn, vụ nước mắm có thể làm thiệt hại các doanh nghiệp nước mắm truyền thống. Nhưng về lâu dài, các doanh nghiệp nước mắm truyền thống lại có lợi. Bởi sau vụ việc, người tiêu dùng có thể phân biệt đâu là nước mắm truyền thống đâu là nước mắm công nghiệp.
Trên thực tế, nếu không có câu chuyện này tôi không biết đâu là nước mắm truyền thống đâu là nước mắm công nghiệp. Qua sự việc, thực tế người tiêu dùng là người được lợi nhất, vì họ có khả năng phân biệt nước mắm truyền thống và công nghiệp, và doanh nghiệp nước mắm truyền thống cũng thế.
Tôi nghĩ đây là một cơ hội Nó cho thấy, con ngáo ộp truyền thông tưởng như có thể giết chết doanh nghiệp không đáng sợ, nó đã bị thổi phòng lên. Một thời gian ngắn sau vụ nước mắm (1 tuần) Bộ y tế đã phải lên tiếng, đưa ra phát ngôn của mình.
Đây là điều khác biệt. Nếu nhìn lại vụ nước tương cách đây 11 năm, nửa năm sau Bộ Y tế vẫn không có phát ngôn. Câu chuyện mắm tôm cũng thế, mắm tôm có phải nguyên nhân gây tả hay không, 1 năm sau bộ cũng không có phản ứng.
Tôi nghĩ thông tin 100% nước mắm an toàn bộ y tế vừa đưa ra có thể gây ra cơn bão truyền thông mới, lu mờ câu chuyện nước mắm chúng ta đang nói hôm nay. Nhưng đó là 1 tín hiệu đáng mừng khi cơ quan chức năng đã phải đưa ra tuyên bố của mình, dù tuyên bố chưa chặt chẽ, có sơ hở, nhưng điều đó sẽ cho các cơ quan chức năng cơ hội để rèn luyện phản ứng có lợi cho người tiêu dùng, cho doanh nghiệp chân chính.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến: Tôi muốn nói thêm, hiện các chuyên gia nghiên cứu độc lập cũng dễ lên tiếng hơn. Nếu cách đây 10 năm, nếu họ có những nghiên cứu riêng gửi cho các cơ quan báo chí truyền thông, chưa chắc là có được đăng hay không.
Trước đây họ có được lên tiếng hay không là 1 câu chuyện. Nhưng hiện nay họ đã có thể tiếp cận với các kênh truyền thông dễ dàng hơn, tự đưa ra thông tin của mình tới độc giả người tiêu dùng. Và hiện cũng có thách thức của cơ quan báo chí khi đánh đồng mình với các phương tiện truyền thông trên mạng , chúng ta có thể bị lợi dụng.
Sau hơn hai tiếng diễn ra buổi giao lưu trực tuyến đã có hàng trăm câu hỏi của bạn đọc đã được các khách mời giải đáp. Tuy nhiên, do thời gian có hạn, còn rất nhiều câu hỏi của độc giả chưa được giải đáp. Ban biên tập báo điện tử Dân Việt sẽ chuyển tới các chuyên gia, khách mời và tiếp tục đăng tải trên báo điện tử Dân Việt.
Ban Biên tập Báo điện tử Dân Việt xin chân thành cảm ơn các vị khách mời và đông đảo các bạn đọc đã quan tâm, gửi câu hỏi góp phần làm nên thành công của buổi giao lưu trực tuyến.
Ngày 17.10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) sau một cuộc điều tra, khảo sát trên quy mô rộng đã công bố cho nhiều phương tiện thông tin đại chúng một thông tin khá gây sốc với người tiêu dùng: Đó là gần 70% mẫu trong 150 mẫu được kiểm tra có tổng hàm lượng asen (thạch tín) không đạt so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế, vượt ngưỡng cho phép. Như tất cả chúng ta đã biết, trong một diễn biến mới nhất, hôm qua, 22.10, Thủ tướng đã có chỉ đạo gửi 4 Bộ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT); Bộ Công Thương, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) làm rõ thông tin cho rằng nước mắm truyền thống chứa asen vượt ngưỡng. Cùng ngày, Bộ Y tế cũng đã thông tin rộng rãi rằng kết quả kiểm nghiệm 247 mẫu nước mắm cho thấy không phát hiện mẫu nước mắm nào có Asen vô cơ vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép (theo QCVN 8-2:2011/BYT của Bộ Y tế). |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.