Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
iọng nói sôi nổi, đầy nhiệt huyết, dáng đi nhanh nhẹn dù đã bước qua tuổi 80, NSƯT-đạo diễn Phạm Việt Tùng vẫn say mê làm phim tài liệu với mong muốn trả lại sự thật ngày 30/4/1975 trong chính sử. Khi đến thăm ông Bùi Văn Tùng, vị đạo diễn xúc động cầm tay người chính ủy, Trung tá lữ đoàn xe tăng 203 năm nào, nghèn nghẹn khi biết ông trải qua 5 lần đột quỵ phải ngồi trên xe lăn, giờ đây ngơ ngác hầu như không nhận ra bạn bè và đồng đội.
Trên tường, nụ cười rạng rỡ, tỏa sáng với gương mặt đầy khí chất của ông Bùi Văn Tùng từng được họa sĩ Lê Sa Long khắc họa, đã thuyết phục người xem hoàn toàn về phẩm chất của một người chỉ huy can trường.
Người chính ủy ấy chấp nhận im lặng, để lịch sử lên tiếng, với một sự khiêm nhường và hiểu biết, bởi theo ông, cuộc chiến đấu này có biết bao nhiêu chiến sĩ quên mình ngã xuống cho đất nước. Những con người tranh công, đổ lỗi chỉ là thiểu số trong quân ngũ, không nên vạch áo cho người xem lưng. Mọi cuộc tranh cãi đều phí sức và là nỗi xấu hổ đối với những con người có lương tri.
Tuy nhiên, đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng vẫn kiên trì theo đuổi việc trả lại đúng tên cho ông Bùi Văn Tùng, người từng ngẫm nghĩ viết ra từng câu, từng chữ để buộc Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện.
Ngay ngày đầu giải phóng, ông Bùi Văn Tùng từng được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ôm hôn và vinh danh vì vai trò to lớn của ông góp phần kết thúc sớm cuộc chiến tranh tránh đổ máu. Thế nhưng 10 năm sau, có người tự nhận chính mình đã soạn thảo bản thảo nói trên cho ông Dương Văn Minh, bỏ qua hoàn toàn vai trò của ông Bùi Văn Tùng, thậm chí phủ nhận việc ông Tùng có mặt tại Dinh Độc Lập vào đúng thời điểm lịch sử bàn giao cho phía quân giải phóng.
Thế nên, 25 năm qua, đạo diễn Phạm Việt Tùng theo đuổi các nhân vật chính, phỏng vấn các nhân chứng quan trọng của chính quyền hai bên theo lời gợi ý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tháng 7/2020, theo gợi ý của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà sử học Dương Trung Quốc và nhiều đồng nghiệp, ông tập hợp các tư liệu có sẵn để dựng phim "Chuyện thật 30/4/1975".
Ngày 8/4, vị đạo diễn hăm hở chiếu phim cho chiến hữu và bạn bè, đồng nghiệp tại TP.HCM, như một công bố thiết thực cho việc đã đến lúc trao cho ông Bùi Văn Tùng phần thưởng xứng đáng- danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Sau đó, bộ phim tài liệu của ông được chiếu trên YouTube, thu hút hàng triệu lượt xem. Nói về mục đích làm phim, vị đạo diễn chia sẻ: "Tôi chỉ bảo vệ lịch sử cho dân tộc chứ không muốn chỉ trích một cá nhân nào".
Cách đây 51 năm, đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng từng quay được những thước phim tư liệu vô giá. Bộ phim "Hà Nội – Điện Biên Phủ" của ông có cảnh máy bay B52 bốc cháy trên bầu trời Hà Nội, hay phim"Người lính xe tăng 390 ngày ấy" đấu tranh cho 4 người lính trên chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc lập (thay vì là xe tăng 843 như ban đầu ngộ nhận).
Gần đây nhất, bộ phim "Chuyện thật 30/4/1975" vừa ra mắt (4/2021) khẳng định Trung tá Bùi Văn Tùng mới chính là người thảo bản tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh... tiếp tục gây chấn động trên cộng đồng mạng.
Nhiều người viết sử vì một lý do nào đấy không muốn nhắc lại vụ tranh cãi ai là người soạn thảo văn bản đầu hàng cho ông Dương Văn Minh đọc vào trưa 30/4/1975, vì sao ông lại luôn muốn xới lên? Phải chăng, từng vào sinh ra tử, quay những thước phim chiến tranh, dẫu khó bao nhiêu cũng không khó bằng việc thức tỉnh lòng người?
- Sự thực, người làm phim cũng như người viết báo trong biển mênh mang sự kiện phải biết chọn cái gì phù hợp với thời điểm. Đúng thời điểm rất quan trọng! Nhân dịp này, tôi muốn nói lại đề tài 30/4, là bởi tuy 46 năm qua đã trôi qua nhưng nhiều người biết lịch sử cận đại của đất nước lại lúc nói kiểu này, lúc nói kiểu khác.
Tôi sợ rằng nếu không xác định chính xác thì thế hệ chúng tôi - những nhân chứng sẽ già và chết đi, thế hệ trẻ sẽ không biết gì nữa. Dân tộc mình vốn anh hùng và cuộc sống bây giờ khác ngày xưa nhiều lắm. Nếu không nói, các cháu lại không hiểu hết những góc khuất lịch sử. Mà mang thế giới quan ngày hôm nay để soi rọi vấn đề hôm qua lại càng không đúng.
Vì thế, tôi muốn nhắc nhở mọi người về những sự thật lịch sử không được phép lãng quên. Nhưng mỗi ngày 30/4, có đồng chí nọ lại chạy đi khắp nơi thanh minh và nhận vơ là người cắm cờ hay soạn văn bản đầu hàng thì tôi không đồng ý. Tôi chỉ muốn người đã trót nhận vơ đó xin lỗi ông Bùi Văn Tùng. Vì đến với đạo Phật nên tôi không chủ trương hạ bệ một ai. Riêng trong quá trình tiếp xúc và làm phim, ông Bùi Văn Tùng chỉ nói một kiểu. Ông không bao giờ nói sai.
Nếu tôi không đeo đuổi thì còn ai hiểu vấn đề này như chúng tôi? Tiếng nói của ông Dương Văn Minh thời đó không ai ghi âm lại được, chỉ duy nhất Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã kịp thu vào băng cassette, tôi thuyết phục ông cho tôi làm bằng chứng so sánh với bản chép tay của cả ông Bùi Văn Tùng và ông Phạm Xuân Thệ. Kết quả là ông Thệ đã nhận vơ, còn ông Tùng thì có nói lại với cấp trên nhưng không hiểu sao không ai chịu nghe nữa.
Xin ông cho biết, thời điểm 30/4/1975 ông ở đâu?
- Tôi cùng đoàn quân đang tiến về cầu Sài Gòn thì bị vật cản là đồ đạc, ba lô, súng ống…quân đội cũ bỏ lại nên không thể tới Dinh Độc Lập kịp cuộc chuyển giao đó. Nhưng ngay sau thời khắc lịch sử ấy, tôi được quay những thước phim vô giá về Sài Gòn ngày đầu giải phóng.
Vì sao việc tranh cãi ai soạn bản thảo lại quan trọng đến thế, thưa ông?
- Trong chiến tranh, nếu chúng ta không thảo văn bản đầu hàng thật chuẩn thì sẽ mắc mưu địch. Ông Bùi Văn Tùng từng nói với tôi, lúc đó nếu không ghi ra giấy, để ông Dương Văn Minh nói theo ý mình thì quân ta sẽ dễ bị thất thố và ông phải chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị. Nên ông nghĩ nát óc, làm sao hành văn ngắn gọn nhưng phải bao hàm được tính chất của quân đội – chỉ có Tổng thống mới có quyền hạ lệnh chính quyền giải thể hoàn toàn và quân đội hạ vũ khí. Thế mà trong bản thảo của ông Phạm Xuân Thệ lại ghi là chính quyền hạ vũ khí!
Lúc đó tại Dinh còn có dân Cục tình báo cục 2 của ta ở đó nữa. Các anh ấy biết hết nhưng không thay đổi được những gì đã ghi không đúng trong chính sử.
Chính vì vậy, tôi đến gặp cụ Võ Văn Kiệt nhiều lần, cụ mách nước: "Việc này phải tìm người bên ngoài khách quan, chứ đừng tìm những người trong cuộc. Người ngoài chẳng có quyền lợi gì, đặc biệt là các ông trong chính quyền cũ như Nguyễn Hữu Hạnh và Triệu Quốc Mạnh… Hãy tìm những người đó. Và có bằng chứng trong tay rồi hẵng tuyên bố".
Được lời như cởi tấm lòng, tôi nghĩ ra phân cảnh ông Nguyễn Hữu Hạnh đi thăm ông Bùi Văn Tùng, hai phía thăm lại nhau thì mới có giá trị về mặt tư tưởng. Trong phim có đoạn ông Nguyễn Hữu Hạnh nói rất rõ ông Bùi Văn Tùng là người soạn thảo văn bản đầu hàng cho Dương Văn Minh.
Sau đó, tôi từng tìm đến Thượng tướng Hoàng Minh Thảo (nay đã mất), ông nói, theo luật quân đội thì ai thuộc cấp cao hơn - người đó là thủ trưởng. Không có chuyện ông đại úy phụ trách ông trung tá của một lữ đoàn được!
Hơn nữa, ông Bùi Văn Tùng hơn ông Thệ 19 tuổi thì càng không có chuyện được ông Thệ chỉ dẫn, phân công ông thảo lời chấp nhận đầu hàng cho Dương Văn Minh. Còn nếu như nói họ viết xong rồi, đưa cho ông Tùng đọc, thì người cấp cao nhất sửa lại – văn bản vẫn là của người đó. Song ở đây lại khác - sự thật thì chữ viết tay bản thảo là của ông Bùi Văn Tùng!
Trong quá trình đào xới lại sự thật, ông có gặp khó khăn nào không?
- Tôi tham gia làm phim này từ năm 1996. Hồi đó, tôi làm phim về chiến sĩ xe tăng. Quá trình làm phim khiến tôi suy nghĩ, tư duy đề tài phải tạo móc xích với nhau. Nhiều người đã làm về đề tài này, phần lớn đều do tôi cung cấp tư liệu cho họ. Cũng có nhiều người ủng hộ, nhưng cũng có những người chỉ… cười, thậm chí né tránh tôi. Có nhiều đài hợp tác làm phim nhưng cũng có không ít nơi từ chối. Đặc biệt, Viện Lịch sử quân sự cũng có không ít hội thảo, nhưng nội dung sai lệch với sự thật.
Trong những lần phỏng vấn nhân vật liên quan, từ ông Bùi Quang Thận đến ông Phạm Xuân Thệ, tôi phát hiện ra họ nói không giống nhau, mỗi lần mỗi khác, chứng tỏ họ nói dối.
Ông Thận lúc thì bảo là lái xe lách vào và vượt lên chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, vào trước ông Bùi Văn Tùng; lúc thì bảo vào sau ông Vũ Văn Toàn lái tăng 390. Còn ông Thệ lúc đầu tranh công treo cờ trên nóc Dinh Độc Lập với ông Thận không được, sau lại nhận là người soạn văn bản đầu hàng cho Dương Văn Minh.
Khi chiếu phim, nhiều người thích thú, cũng nhiều người phản ứng. Nhưng tôi chỉ mong những nhân vật liên quan phản hồi với tôi là đủ. Đến nay chưa thấy ai lên tiếng cả, dù trong các hội thảo, họ cũng từng nêu ngược lại vấn đề.
Làm 2 bộ phim để trả lời các câu hỏi: Ai là người đầu tiên cắm cờ giải phóng lên nóc Dinh Độc Lập, ai là người viết bản thảo cho Dương Văn Minh đọc và tuyên bố đầu hàng, xe tăng nào đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập? Ông muốn đưa ra thông điệp gì?
- Xem phim "Sự thật 30/4/1975" của tôi mới thấy, vì sao ông Bùi Quang Thận lại trả lời mỗi lúc một khác. Điều tôi muốn nói ở đây là sự thật xe tăng nào vào Dinh Độc Lập trước và vì sao có sự tranh công như vậy. Làm phim, tôi dựa vào cuốn Nam Bộ kháng chiến và nhiều nhân chứng khác nữa để củng cố bằng chứng và nói lên chính kiến của mình.
Nói ra một sự thực thì rất khó khăn, nhiều người trót nhận rồi không biết phải làm thế nào. Nhưng tôi chỉ muốn nhấn mạnh một ý mà Bác Hồ dạy chúng tôi.
Từng phục vụ Bác Hồ lúc còn trẻ, tôi nhớ lời Bác dạy: Chúng ta chỉ sợ biết có khuyết điểm mà không sửa, còn làm là phải có khuyết điểm. Tôi chỉ muốn ông Phạm Xuân Thệ xin lỗi ông Bùi Văn Tùng.
Và xem xong phim, muốn người xem suy ngẫm, vì con cháu của những người nói dối sẽ phải đối diện với ngàn năm bia miệng. Tôi muốn con cháu tôi biết được một sự thật không thể nói khác.
Ông nghĩ gì về vai trò của ông Dương Văn Minh trong thời khắc lịch sử ấy?
- Cũng may vẫn có những người tử tế như ông Dương Văn Minh! Máy quay của tôi có dịp kề cận sát gương mặt ông. Ông chậm rãi và điềm tĩnh nói: "Hôm nay tôi mừng vì 60 tuổi mới được làm một người dân độc lập của Việt Nam". Câu nói đó làm tôi xúc động. Sau này, tôi còn làm phim tài liệu chiếu trên VTV. Bản dựng chỉ 10 phút, dù phần quay trong ngày giải phóng kéo dài cả tiếng đồng hồ.Tiếc là do khâu bảo quản không tốt, nên nhà đài phá hủy toàn bộ phim lưu trữ.
Thời đó do đói kém, người ta ngâm phim trong nước để lấy bạc bán. Khi đó tôi đã chuyển sang quay phim truyện cho ngành công an, quay trở lại thì mới tá hỏa vì phim gửi kho đã mất hết! Lúc đó tôi như chết đứng. Giờ này tôi chỉ còn cuốn phim 10 phút đó, nhờ thế mới có chi tiết xe tăng nghiến lên cờ 3 que, cảnh người dân Sài Gòn vẫy chào đoàn quân giải phóng. Còn lại mất hết, kể cả phim tư liệu về chiến tranh biên giới phía Bắc.
Điều gì quyết định ông trở thành người quay phim xuất sắc trong chiến tranh- tinh thần không sợ chết hay ý thức cần làm một điều gì đó vượt ngoài tầm ảnh hưởng của một cá nhân?
- Thực ra, thời đó người ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ Bác Hồ, không sợ chết, vì đơn giản nghĩ, "chết thì được phong là liệt sĩ". Cho nên, đời tôi quay được một vài kết quả nhỏ bé, các đồng chí quản lý bảo, "ông này có kinh nghiệm tránh bom đạn". Nhưng thực tế tránh thế nào được bom đạn? Thế là tôi cứ bám trụ ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, Hà Tĩnh..., nơi chiến trường vô cùng ác liệt. Những năm chiến tranh biên giới, tôi tiếp tục đi quay phim với tư cách cá nhân độc lập.
Tại sao tôi chọn công việc nguy hiểm như vậy? Ai chả muốn sống và ai không sợ chết. Nhưng giữa con đường xấu hổ, nhục nhã và con đường liêm chính ngẩng cao đầu, bên nào nên chọn? Ngày xưa, những ông đi B xong quay ngược trở lại thường bị đeo vào cổ cái biển "Ai cũng như tôi thì mất nước".
Gia đình tôi thuộc loại nền nếp, nên nếu mình không có sức chiến đấu thì cảm thấy xấu hổ, nhục nhã vì liên lụy đến mẹ và em mình. Nên chúng tôi quyết tâm vào cuộc chiến là phải thắng. Không còn cách nào khác, cho dù tôi có sợ chết, có sợ độ cao, quay cảnh B52 phải trèo lên cao và rất nguy hiểm. Nếu phải lựa chọn thì nhiệm vụ là quan trọng hơn tất cả!
Vậy theo ông, đâu là phẩm chất của nhà quay phim chiến tranh?
- Ăn thua chính ở chỗ giữ được phẩm chất của người lính, cho dù không phải không có những phút đấu tranh tư tưởng, bởi nếu không chiến thắng nỗi sợ chết thì không có những hình ảnh ngày hôm nay. Như lúc quay B52 cháy trên trời Hà Nội, chả biết bom có rơi trúng hay không, tôi phải canh ở cả hai phía, khi người phụ quay bảo đằng này thì tôi cứ bấm cho máy chạy, may là hình ảnh máy bay lọt vào khung hình.
Hồi chiến tranh biên giới phía Bắc, tôi lên mặt trận Cao Bằng. Lúc đó quân Trung Quốc rất đông, bao vây chúng tôi, tôi e có nguy cơ bị bắt làm tù binh cùng các tay quay phim đài phát thanh. May mà quân ta thổi được quả rocket, quân địch thần hồn nát thần tính bỏ chạy.
Lúc đó, chúng tôi quay lui, nhưng càng chạy càng chậm vì đói lả, khát khô cổ họng. Những lúc đó, dường như không còn sợ hãi mà chỉ thấy mình thật may mắn sống sót.
Được biết, ông từng có dịp tiếp xúc với các cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc và bảo vệ quyền lợi của Anh hùng La Thị Tám, cũng như tranh đấu cho các chiến sĩ xe tăng 390 - những người anh hùng thực sự lúc họ bị tranh công, bị cả nước lãng quên và sống trong nghèo đói…
- Lúc đó, vai trò của tầng lớp thanh niên xung phong (TNXP) chưa được coi trọng. Tôi phải bỏ ra một thời gian đi đấu tranh cho cô La Thị Tám được công nhận là anh hùng. Là bởi, tôi thấy TNXP khổ nhất. Thời đó, tôi từng gặp và tiếp xúc với 10 cô gái Đồng Lộc, nhưng vì công việc, phải tiếp tục quay phim, khi quay trở ra ghi hình các côthì tất cả đã hy sinh. Nhìn thấy những hố bom sâu hoắm mà tôi vô cùng đau xót.
Tôi nghĩ, đất nước mình nên quan tâm những con người quên mình quả cảm như thế mà hiện nay vẫn rất khổ. Kết thúc chiến tranh, tôi rất thương các chiến sĩ lái xe tăng. Tôi về quê họ, đi đánh giậm với họ. Cuộc sống của họ hồi đó rất vất vả. Đến giờ, họ vẫn biết ơn tôi, coi tôi như người anh, vì đã đấu tranh đòi sự thật cho họ. Tuy nhiên, điều tôi trăn trở mãi, là những người đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc Lập năm nào làm gì có lương hưu!
Có những sự thật phải trả giá vì người ta dám nói những điều họ thấy là đúng. Còn ông thì sao?
- Tôi yêu thương người dân và luôn đứng về những người yếu thế, cần bảo vệ, cần lấy lại công bằng cho họ. Dĩ nhiên đi đến đâu, cũng có người e ngại tôi. Và chuyện trả giá là có.
Ví dụ, khi tôi làm phim xe tăng 390, hai vợ chồng lục đục suốt 6 tháng vì vợ tôi không đồng ý cho tôi làm những bộ phim rắc rối ấy. Bà nói, mình chẳng được gì mà còn làm con cái khổ. Thế nhưng, vốn dĩ là người từng phục vụ Bác Hồ, tôi học được ở Bác rất nhiều, dù có phải chết cũng không sợ, cũng phải nói thẳng ra sự thật.
Ngoài chuyện tôn trọng sự thật, theo tôi nghĩ, lý tưởng mà người làm báo theo đuổi còn là sự trung thực. Đừng để dân thù hằn, ai oán vì mình làm sai mà không dám nhận sai.
Các bộ phim đoạt giải của ông đều mang tính phản biện cao. Theo ông, tính phản biện quan trọng ra sao đối với loại hình phim tư liệu?
- Không phản biện làm sao giúp người viết sử? Tôi nói gì cũng phải lý giải. Làm phim này, tôi phải tự bỏ tiền túi của tôi. Kể ra cũng tốn kém lắm. Tôi tập hợp tất cả vào bộ phim để nói lên một sự thật có nhiều người ghét, nhưng cũng có nhiều người thương bởi chả có sự thật nào bị che giấu mãi được.
Xin ông nói thêm về nữ nhà báo Pháp từng chụp bức ảnh xe tăng 390 tiến vào Dinh Độc Lập và cơ duyên ông gặp được bà?
- Ngày đó, sau 20 năm giải phóng miền Nam, có 1 nhân viên Bộ Ngoại giao đến phòng tranh của bà Francoise de Mulder ở Pháp. Tại đây, ông nhìn thấy bức ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, không giống hình của ta. Lúc đó, theo như bà biết chưa có người Việt Nam nào quay lại được những hình ảnh đầu tiên ấy...
Khi được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm mời đến Việt Nam, bà đã xin tặng lại bức ảnh với điều kiện cho bà gặp 4 anh hùng xe tăng giữa đời thường. Lúc bà sang, nhiều sự thật dần được phơi bày… Khi gặp được bà, chúng tôi tìm ra 4 người lính xe tăng năm nào và trả lại đúng giá trị lịch sử của chiếc xe tăng 390 đã tiến vào Dinh Độc Lập đầu tiên nhưng bị người khác tranh công.
Cuộc đời qua con mắt của một người đi qua hai cuộc chiến, để lại những thước phim vô giá…
- Cuộc đời bao giờ chả có đấu tranh, đấu tranh để trở thành một con người tốt, loại bỏ dần cái xấu. Tôi nuôi dạy con cái trở thành những con người tử tế và đó là hạnh phúc lớn nhất của một người cha.
Xin trân trọng cảm ơn đạo diễn Phạm Việt Tùng về cuộc trò chuyện thẳng thắn này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.