Không ai đồng ý chuyển Bộ Công an cấp giấy phép lái xe
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: "Tôi hỏi tài xế taxi, không thấy ai đồng ý Bộ Công an cấp giấy phép lái xe"
PVCT
Thứ hai, ngày 16/11/2020 14:14 PM (GMT+7)
"Tôi cũng đi taxi nhiều, tôi hỏi mấy ông tài xế taxi thì không thấy người nào đồng ý chuyện chuyển cấp giấy phép lái xe qua cho Bộ Công an", ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói khi góp ý cho dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận sáng 16/11.
Theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, Luật Giao thông đường bộ, có đối tượng điều chỉnh là hành vi của 2 nhóm quan trọng trong nhân dân và trong cử tri.
Nhóm thứ nhất, là người dân tham gia giao thông đường bộ và thông qua các phương tiện, kể cả người đi bộ. Nhóm thứ hai, là doanh nghiệp đang kinh doanh và sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ, chưa kể các cơ quan nhà nước.
"Qua tham khảo ý kiến của nhiều người dân, chúng tôi thấy không nên tách vấn đề an toàn giao thông thành một luật riêng (dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ- được Quốc hội góp ý chiều 16/11-PV), vì an toàn giao thông bao gồm cả phương tiện, công cụ, các quy tắc điều chỉnh hành vi giao thông. Một trong những mục đích của Luật Giao thông đường bộ và nội dung cơ bản của nó chính là để an toàn giao thông đường bộ, vậy chúng ta tách ra làm gì?", ĐB Nghĩa nêu vấn đề.
Theo ĐB Nghĩa, đối với các cơ quan bảo vệ và thi hành pháp luật, từ cảnh sát giao thông đến Viện kiểm sát, Tòa án, luật sư thì một Bộ luật Giao thông đường bộ đủ các yếu tố hợp thành, điều đó sẽ thuận lợi cho việc chấp hành của người dân và việc xử lý của các cơ quan nhà nước hữu quan.
Vị ĐBQH Đoàn TP.HCM này cho biết thêm, ông nhận được kiến nghị chính thức của Hiệp hội Vận tải ô tô đường bộ Việt Nam và Hiệp hội Vận tải ô tô đường bộ TP.HCM, là 2 tổ chức mà đại diện đông nhất của các doanh nghiệp đang vận tải ô tô đường bộ. "Họ đã đề nghị là không nên tách thành luật, tất nhiên Luật Giao thông đường bộ nên bổ sung, sửa đổi và đặc biệt không nên chuyển việc cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an, vì sẽ gây ra rất nhiều xáo trộn và tốn kém không cần thiết. Tôi cũng đi taxi nhiều, tôi hỏi mấy ông tài xế taxi thì không thấy ngườinào đồng ý chuyện chuyển cấp giấy phép lái xe qua cho Bộ Công an", ĐB Trương Trọng Nghĩa cho biết.
ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, do còn có ý kiến khác nhau về vấn đề rất quan trọng của dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) nên đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về 2 nội dung để làm cơ sở cho việc chỉnh lý.
Thứ nhất, đó là có nên tách luật Giao thông đường bộ thành 2 dự án Luật là Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thứ hai là có nên chuyển thẩm quyền quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an. Trong trường hợp nếu Quốc hội xét thấy cần thiết phải tách Luật Giao thông đường bộ thành hai dự án Luật riêng biệt và cùng với đó là chuyển thẩm quyền quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, tôi đề nghị cần phải làm rõ về phương án xử lý đối với bộ máy quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Về lực lượng thanh tra giao thông, trong trường hợp lực lượng này có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ", ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường nói.
Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều ĐBQH đã bày tỏ ý kiến không đồng tính với việc tách thành 2 luật và không chuyển thẩm quyền sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.
Trong phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, tiếp thu các ý kiến của ĐBQH chiều nay, Quốc hội sẽ thảo luận về Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. "Tôi nghĩ rằng chiều nay thành viên Chính phủ sẽ giải trình với Quốc hội một cách kỹ lưỡng hơn về lý do xin tách luật", Bộ trưởng Thể cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.