Đề xuất chiến sĩ bụng to không được ra đường xử phạt: Có phù hợp với thực tế?
Đề xuất CSGT bụng to không được ra đường xử phạt: CSGT có cần "ngoại hình đẹp" ở trên đường?
Nguyễn Đức
Thứ tư, ngày 30/09/2020 16:11 PM (GMT+7)
Nhiều người cho rằng, quy định cảnh sát giao thông khi thực hiện nhiệm vụ điều hành giao thông phải có "ngoại hình đẹp" là cần thiết để tạo ra những nét đẹp văn hóa giao thông cũng như tạo hình ảnh tốt của người thi hành công vụ trong mắt nhân dân.
Như Dân Việt đưa tin, tại Hội nghị thông tin báo chí về dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) chiều 29/ 9, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an đang chỉ đạo lực lượng CSGT phải nâng cao năng lực.
"Tới đây, cán bộ CSGT nào vòng hai to sẽ không cho ra đường làm nhiệm vụ. Cùng với đó, sẽ kiểm tra kiến thức của từng cán bộ. Dứt khoát phải chọn người khỏe mạnh, có tin thần phục vụ nhân dân, kiến thức đầy đủ", đại tá Bình nói.
Cảnh sát giao thông có ngoại hình đẹp là cần thiết!
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, có một thực tế là thời gian gần đây lực lượng cảnh sát giao thông có nhiều người thừa cân, béo phì, bụng to tạo ra những hình ảnh không đẹp của người thi hành công vụ nơi công cộng.
Bởi vậy, quy định về hình thức, tiêu chuẩn, tác phong của cảnh sát giao thông khi thực hiện nhiệm vụ điều hành giao thông là cần thiết để tạo ra những nét đẹp văn hóa giao thông cũng như tạo hình ảnh tốt của người thi hành công vụ trong mắt nhân dân.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, trong thực tế cũng đang có cán bộ, chiến sĩ vòng bụng to làm nhiệm vụ điều tiết, xử lý vi phạm trên đường.
Cảnh sát bụng to sẽ gặp khó khăn trong những tình huống khẩn cấp như truy bắt tội phạm, giải cứu người gặp nạn hay giải quyết các công việc cần sức bền và sự nhanh nhạy.
Ngoài ra, trên mạng xã hội cũng thường xuyên xuất hiện những hình ảnh chưa được đẹp về CSGT có vòng bụng to. Vì vậy, Cục Cảnh sát giao thông dự kiến những cán bộ, chiến sĩ không đủ điều kiện làm nhiệm vụ ngoài đường do vòng bụng to sẽ được điều chuyển làm công việc văn phòng hoặc vị trí khác phù hợp hơn.
"Về cơ bản khi phân công nhiệm vụ cho Cảnh sát giao thông (CSGT) thì lãnh đạo đơn vị sẽ dựa vào năng lực của người ấy. Trước khi được tuyển dụng vào thì CSGT phải qua thi tuyển, đào tạo, sát hạch. Tuy nhiên, cũng có những người trong quá trình công tác không chịu rèn luyện sức khỏe hay vì lý do phát bệnh béo phì mà có ngoại hình không phù hợp", luật sư Bình nói.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội đồng tình với đề xuất này và cho rằng, CSGT là người trực tiếp tiếp xúc với người dân và khách quốc tế khi thực hiện nhiệm vụ do vậy việc quy định cần có ngoại hình đẹp, ứng xử lịch thiệp là điều nên phát huy.
"Ngoài ra, tôi nghĩ rằng, cái quan trọng nhất vẫn là chiến sĩ cảnh sát giao thông thực hiện nội quy, quy định của ngành như thế nào, đạo đức của người chiến sĩ đó ra sao khi ứng xử với người dân. Còn quy định ngoại hình cảnh sát giao thông đẹp thì chỉ là một phần nhỏ. Chỉ nên khuyến khích chiến sĩ có ngoại hình đẹp sẽ phù hợp hơn", ông Liên nói.
Anh Thế Long (người dân ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, hình ảnh chiến sĩ cảnh sát giao thông có hình dáng thon gọn đứng ngoài đường là một hình ảnh đẹp.
"Tuy nhiên tôi cho rằng quy định này chỉ nên khuyến khích chứ không nên đưa vào quy định bắt buộc. Bởi lẽ, không phải hình ảnh cảnh sát giao thông bụng to là xấu, hoặc "chậm chạp". Năng lực phẩm, phẩm chất và ngoại hình của chiến sĩ cảnh sát giao thông là hai câu chuyện khác nhau, không thể đánh đồng được", anh Long nói.
Chưa có quy định về việc CSGT bụng to không được đứng đường xử phạt
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, từ trước đến nay chưa có quy định nào về kích thước bụng của người thi hành công vụ thế nào là to, thế nào là bé, cũng không có quy định nào về điều kiện hình thức cụ thể khi tham gia điều hành, hướng dẫn giao thông.
Tuy nhiên, với các khái niệm pháp lý thì phải sử dụng từ ngữ chuẩn xác, dễ hiểu và có thể áp dụng trên thực tế.
Bởi vậy, nếu có quy định là cảnh sát giao thông bụng to thì không được ra đường thì phải có hướng dẫn cụ thể, thế nào là bụng to, vòng bụng đến đâu thì được xác định là to để có thể áp dụng trên thực tế.
Nếu quy định tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng, hình thức ưa nhìn thì không có gì mới lạ nhưng quy định về kích thước vòng bụng thì đó là quy định mới và cần phải chi tiết mới có khả năng áp dụng trên thực tế.
Đồng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình cũng cho biết thêm, về cơ bản khi phân công nhiệm vụ cho Cảnh sát giao thông (CSGT), lãnh đạo đơn vị đã dựa vào năng lực của người ấy.
Trước khi được tuyển dụng vào CSGT phải qua thi tuyển, đào tạo, sát hạch. Tuy nhiên, có những người trong quá trình công tác không chịu rèn luyện sức khỏe hay vì lý do phát bệnh béo phì mà có ngoại hình không phù hợp. Tỷ lệ, những chiến sĩ phát bệnh béo phì rất ít.
Hiện chưa có quy định cụ thể nào về việc yêu cầu cảnh sát giao thông phải có ngoại hình đẹp mới được ra đường xử phạt giao thông.
"Nếu ta dựa vào quyền con người để cho rằng làm như vậy là có sự phân biệt chưa hẳn đã đúng. Thêm nữa, mỗi một ngành nghề sẽ có những quy định khác nhau.
Tôi lấy ví dụ, từ vụ việc nữ đại uý Lê Thị Hiền gây náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) năm 2019. Thời điểm ấy, chị Hiền đi du lịch, không mặc đồng phục của lực lượng công an thì chị ấy vẫn là một người công dân bình thường như bao người khác.
Tuy nhiên, vì quy định của ngành là trong đời sống bình thường cũng phải giữ hình ảnh lực lượng công an nên sau đó mới kỷ luật chị theo quy định của ngành.
Hoặc có những ngành như ngành hàng không, các hãng họ cũng đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe cho phi công hay tiếp viên về ngoại hình mà chỉ khi nào đúng tiêu chuẩn mới được nhận vào làm", luật sư Bình nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.