Đề xuất 87 trạm thu phí vào nội đô: Giá bất động sản nội thành sẽ biến động ra sao?

Trần Kháng Thứ hai, ngày 01/11/2021 06:30 AM (GMT+7)
Nhiều ý kiến cho rằng, việc "thu phí vào nội đô" sẽ khiến nhu cầu vào ở khu vực trung tâm tăng cao, điều này sẽ khiến giá bất động sản vùng lõi thủ đô này thêm đà tăng phi mã.
Bình luận 0

Thu phí vào nội đô: Môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội kém hấp dẫn?

Nhằm giảm ùn tắc giao thông, Hà Nội dự kiến lập 87 trạm thu phí vào nội đô tại 68 vị trí và thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào khu vực nội đô khoảng thời gian từ 5 đến 21h hàng ngày. Mức phí dự kiến 50.000đ-100.000 đồng/lượt.

Thông tin đề xuất "thu phí vào nội đô" ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Chia sẻ với PV Dân Việt, nhiều người lo lắng, việc thu phí này sẽ tác động trực tiếp tới cuộc sống người dân, doanh nghiệp cả khu vực nội thành, ngoại thành.

Thu phí vào nội đô: Giá bất động sản nội đô tăng "phi mã"? - Ảnh 1.

Chi tiết các đối tượng bị thu phí phương tiện vào nội đô Hà Nội. Đồ hoạ: Thế Anh

Bày tỏ sự lo ngại tính khi đề án "thu phí vào nội đô" được thực hiện, anh Nguyễn Quang Thiện (41 tuổi, đang sống tại khu vực Nam An Khánh huyện Hoài Đức) chia sẻ, việc thu phí ôtô vào nội thành sẽ ảnh hưởng lớn tới những người có nhà ở ngoại thành, hàng ngày đi ôtô vào nội thành để làm việc.

"Nếu xét trên đề án, chỗ ở của tôi là ở ngoại thành, trong khi công ty lại đặt tại quận Đống Đa – là quận trung tâm. Vậy không lẽ tôi phải bỏ ra số tiền cả trăm ngàn đồng cho mỗi ngày đi làm và về nhà? Như vậy liệu có hợp lý?", anh Thiện nói.

Thu phí vào nội đô: Giá bất động sản nội đô tăng "phi mã"? - Ảnh 2.

Giao thông trên tuyến đường Vành đai 3 (đoạn đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội) thường xuyên ùn tắc. Ảnh: Trần Kháng

Đồng quan điểm lo ngại như anh Thiện, nhiều ý kiến khác cho rằng, nếu thu phí xe ra vào nội thành, khả năng cao một lượng lớn người dân sẽ dồn hết vào nội đô để ở cho đỡ tốn chi phí đi lại. Điều này vô tình khiến mục tiêu giãn dân bấy lâu nay tan thành mây khói. Điều đó dẫn đến nguy cơ ùn tắc cục bộ trong nội thành sẽ ngày càng trở nên trầm trọng. 

"Việc thu phí vào nội đô được thực hiện, gia đình tôi cũng phải tính toán lại chỗ ở cho hợp lý, đi lại thuận lợi. Nhiều khả năng tôi phải bán nhà vào khu vực trung tâm thuê hoặc mua", anh Nguyễn Văn Chung (43 tuổi, đang sống ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) nói. 

Ngoài ra, có ý kiến cũng cho rằng, "thu phí vào nội đô" khiến cơ hội để phục hồi kinh tế hậu dịch Covid-19 càng thêm khó khăn. "Cá nhân tôi nhận thấy, nếu việc "thu phí vào nội đô" sẽ khiến môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội kém hấp dẫn. Bởi việc lưu thông khó khăn, nhiều cản trở, lại tốn kém thời gian và tiền bạc khi quan các trạm thu phí mỗi ngày", anh Trần Văn Hiếu – một lãnh đạo công ty nội thất đang có trụ sở ở quận Hai Bà Trưng chia sẻ.

Giá đất nội thành lại được đà tăng

Theo nhìn nhận của giới đầu tư, đề án "thu phí vào nội đô" chắc chắn sẽ có những tác động lớn tới giá bất động sản cả khu vực nội đô và ngoại thành. Nhiều khả năng, giá đất nội thành thêm đà tăng cao, bởi tâm lý không muốn bị thu phí và đi lại thuận tiện hơn.

Thu phí vào nội đô: Giá bất động sản nội đô tăng "phi mã"? - Ảnh 4.

Một nhà mặt phố Hàng Bông đang treo biển bán với giá gần 1 tỷ đồng/m2. Ảnh: Trần Kháng

Mới đây, kết quả phiên đấu giá 25 lô đất tại khu X4, phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) ghi nhận cao trên 200 triệu đồng/m2 khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đáng chú ý, lô B12 diện tích 44,5 m2, với vị trí lô góc ở mặt phố Dương Khuê, phường Mai Dịch có mức giá khởi điểm cao nhất là 182,3 triệu đồng/m2 nhưng mức giá trúng lên tới 364,3 triệu đồng/m2, gần gấp 2 lần so với giá khởi điểm. Đây cũng là mức giá cao nhất của phiên đấu giá.

Nhìn nhận từ đề án "thu phí vào nội đô", ông Nguyễn Văn Quân – Giám đốc sàn giao dịch môi giới Nhà đẹp cho biết, nhìn chung giá đất tại khu vực quận trung tâm Hà Nội những năm qua là cao. Đáng chú ý, ở một số tuyến phố các quận nội đô lịch sử, giá đất đã cao từ 700 triệu đồng tới trên 1 tỷ đồng/m2.

"Tôi cho rằng, đề án "thu phí vào nội đô" sẽ khiến giá bất động sản có nhiều biến động. Giá đất nội đô có thể sẽ tăng do nhu cầu đổ vào trung tâm sống nhiều hơn. Điều này sẽ khiến hạ tầng giao thông trở lên quá tải", ông Quân nói.

Ở một góc nhìn khác, anh Trần Tuấn Anh – một nhà đầu tư bất động sản lâu năm ở Hà Nội chia sẻ, nhu cầu vào nội đô ở sẽ tăng khi đề án thu phí vào nội đô được thực hiện. Nhưng, số lượng người có thể mua được bất động sản sẽ không nhiều, bởi giá đã quá cao, phần nữa vì nguồn cung khu vực trung tâm này cũng không nhiều.

"Tôi cho rằng, việc mua bán bất động sản khu vực nội đô sẽ có tăng, nhưng không nhiều. Giá bất động sản có thể tăng nhưng cũng không thể tăng quá cao. Đáng chú ý, bất động sản cho thuê có thể sẽ là "điểm sáng" thu hút giới đầu tư", anh Tuấn Anh chia sẻ.

Thu phí vào nội đô: Giá bất động sản nội đô tăng "phi mã"? - Ảnh 5.

Khu vực hồ Thành Công quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Trần Kháng

Ở góc độ chuyên gia, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Thành Công, phụ trách nghiên cứu khoa học, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) nhìn nhận, "thu phí vào nội đô" có thể khiến giá bất động sản trong nội đô tăng lên. Trong tương lai, nhu cầu sở hữu nhà trong khu vực nội đô sẽ tăng cao.

Hiện nay, giá nhà, đất ở khu vực nội đô đang khá cao so với mức thu nhập của người dân. Trong khi đó, việc phát triển nhà ở đại chúng cho người dân đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu.

"Đây là những bất cập cần được giải quyết trong khi, đa phần cơ quan, doanh nghiệp đều tập trung ở khu vực nội đô. Thời gian di chuyển quá lâu và tình trạng tắc đường khiến tâm lý của người dân mong muốn được sở hữu nhà tại khu vực nội đô", ông Công nói. 

Đưa ra giải pháp, vị chuyên gia này cho rằng, việc "thu phí nội đô" cần được thực hiện đồng bộ với chiến lược phát triển nhà cho người dân sống và làm việc tại Thủ đô. Trong khi giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu và chiến lược phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị chưa thu được kết quả như mong đợi thì việc đề xuất thu phí nội đô có phần vội vàng và thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn.

"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cần phát triển mạnh lưới giao thông công cộng gắn với các đô thị, đại đô thị cho người thu nhập trung bình và thấp trước, sau đó mới tính đến phương án thu phí vào nội đô", ông Công nhấn mạnh.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem