Điểm chuẩn đại học cao chót vót và những vấn nạn của nền giáo dục
Điểm chuẩn đại học cao chót vót và những vấn nạn của nền giáo dục
PGS TS Phạm Quang Long - nguyên PGĐ Đại học Quốc gia Hà Nội
Thứ hai, ngày 19/09/2022 08:03 AM (GMT+7)
Tuyển sinh như hiện nay, ngành nghề mở tràn lan như hiện nay khiến nhiều người bà con của tôi đỗ đại học vào những ngành mà tôi đọc chương trình, yêu cầu đầu ra sản phẩm vẫn không hiểu được học xong sẽ làm gì.
Từ hôm các trường công bố điểm chuẩn đến nay, giới truyền thông đưa tin khá dè dặt nhưng mạng xã hội thì bàn luận hơi ồn ào. Cũng phải thôi vì những chuyện của giáo dục là chuyện của mọi nhà. Điểm thi vào trường cao đem lại những cảm xúc trái ngược: mừng lo, lẫn lộn. Con cái giỏi giang hơn thì ai chẳng vui mừng nhưng lại lo vì ngày xưa mình học như thế, cố lắm cũng chỉ đạt loại khá, thi đại học mà được trên 20 điểm đã sung sướng lắm rồi. Vậy mà giờ có khi ba môn đều được 9 điểm vẫn còn trượt. Vậy con cái chúng ta giỏi hơn hay đằng sau điểm số này là chuyện gì?
Cả phụ huynh, cả thầy cô và nhà quản lý đều hào hứng về chuyện người nhà mình đỗ vào những ngành có điểm chuẩn " chót vót", rằng mình vui sướng và tự hào vì ngành của mình, trường mình toàn người giỏi muốn học, loại mãi mà điểm chuẩn vẫn gần " tuyệt đối". Cũng không ít người ngậm ngùi khi biết mình trượt nguyện vọng theo đuổi từ lâu và đành chấm dứt ước mơ dự định sẽ theo suốt cuộc đời. Ở đây chỉ xin nói mấy ý nghĩ về chuyện điểm chuẩn cao hay thấp và thực chất của vấn đề này cần nhìn nhận và giải quyết bài bản hơn.
Tâm lý ấy có thật, có thể hiểu được nhưng thực chất điểm chuẩn có phải cao đến thế không, mọi người đạt điểm cao thế có giỏi cả không thì lại không hẳn thế. Tôi nói thế vì tôi đã tham gia công tác tuyển sinh rồi quản lý đào tạo nhiều năm nên có thể nói rằng mình có hiểu biết ít nhiều về chuyện này. Dù không còn làm công việc ấy nữa nhưng những gì mình biết vẫn đang xảy ra.
Thứ nhất: chuyện gian lận điểm, chuyện sửa học bạ cho đẹp, bệnh "thực hiện chỉ tiêu" theo ý người trên… đã là chuyện " thường ngày ở khắp nơi", xưa lắm rồi nhưng các chính sách quản lý vẫn không chặn được tệ nạn này. Mấy năm trước chuyện gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình… chỉ là mấy địa phương " bị lộ" thôi chứ còn nhiều đồng chí "nấp trong đống rơm", ai cũng biết nhưng làm như không thấy.
Tôi nói có chứng cớ chứ không hề "nói đại". Khi còn làm ở trường đại học, mỗi năm chúng tôi phải nhận cỡ vài chục em được tuyển thẳng vì đoạt các loại giải trong kỳ thi học sinh giỏi, vì đỗ tốt nghiệp loại xuất sắc nhưng hết học phần cơ bản mỗi năm lại có vài em phải trả về vì kém quá.
Tôi đã tìm hiểu chuyện này, đã đối thoại với một số em. Qua trò chuyện, tôi hiểu ra điểm vào trường là của người khác "tặng" cho các em chứ học lực các em không bao giờ có được. Có năm tôi dạy một lớp khoảng 80 em. Cho làm bài tập vào loại đơn giản thôi nhưng tôi giật mình vì thấy năng lực học Văn của phần lớn các em quá kém.
Hỏi ra mới biết phần lớn các em đỗ do môn Toán và Ngoại ngữ " kéo" điểm tổ hợp của các em lên chứ môn Văn các em rất thấp, các em cũng không muốn học môn này, không còn đường nào khác nên đành chấp nhận vào học ở ngành các em không muốn mà cũng không có năng lực.
Ngày còn chấm thi tuyển sinh đại học, mỗi khi gặp một bài văn hay, cả nhóm chấm thường xúm lại đọc, đánh giá. Những bài cho cao nhất thường là 8/10 vì lập luận chặt chẽ, ý tứ sắc sảo, năng lực cảm thụ rất tốt. Đề thi ngày ấy nghiêng về tự luận nên chúng tôi hay nói đùa " dùng mũi chấm văn". Chỉ cần " ngửi qua" độ nửa trang đã biết người ấy có năng lực học môn này hay không, có khả năng tư duy không.
Giờ đề thi toàn chấm ý, gần như bỏ chấm văn, chấm khả năng tư duy…, tính điểm theo cách đọc hiểu, gạch đầu dòng liệt kê ý thì dù điểm cao nhưng chưa chắc đã phù hợp với việc chọn người học Văn, chọn người có khả năng tư duy độc lập.
Chúng tôi chấm tập thể nhưng khá gần nhau trong đánh giá và kỳ tuyển sinh nào cũng chọn được người cần chọn, dù điểm số vào trường tôi không phải bao giờ cũng cao. Bây giờ điểm tuyển sinh vào trường nào cũng cao "chất ngất", thầy cô lại đủ loại bằng cấp cao hơn thời chúng tôi đi học nhưng chất lượng đào tạo thì bị kêu ca ghê quá.
Có rất nhiều lý do nhưng tôi cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng này là thực lực của người học yếu. Các cụ dạy rồi có bột mới gột nên hồ. Không có nguyên liệu tốt thì người thợ có tài ba đến mấy cũng khó tạo ra sản phẩm như ý.
Từ thực tiễn, tôi đề nghị Nhà nước nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH vì các lý do:
1. Chưa thi đã biết gần như đỗ cả thì thi làm gì? Rồi căn cứ vào đó để lấy vào đại học sẽ có nhiều kẽ hở cho tiêu cực nảy sinh. Chỉ nên giao cho các tỉnh xem xét sức học, hạnh kiểm rồi cấp cho học sinh bằng hay chứng nhận để các em có cơ sở lựa chọn hướng vào đời. Kết quả này không được dùng để xét vào Đại học vì một khi tình trạng thiếu thực chất, thậm chí dối trá còn tràn lan như hiện nay; đừng vin vào lý do các nước khác người ta cũng làm thế. ta chưa đạt tới mặt bằng cần thiết thì đừng làm theo họ. Ý tưởng có thể tốt vẫn có thể làm hỏng việc.
2. Khôi phục kỳ thi tuyển sinh đại học với sự nghiêm túc cần thiết và sự giám sát của các cơ quan hữu quan. Các trường đại học căn cứ vào yêu cầu chất lượng và năng lực của mình sẽ tự lựa chọn cách làm để có thể chọn được người học có năng lực thực sự.
Năm nào tôi cũng phải làm tư vấn cho người ở quê nên thi hay không, có nên học ngành này, ngành kia hay không? Lúc đó vừa giận, vừa thương. Giận người đã chỉ vì việc mình mà đẻ ra bao nhiêu trường, ngành đào tạo để làm khổ bao người, để bà con phải gánh chịu những thiệt thòi không đáng.
Tuyển sinh như hiện nay, ngành nghề mở tràn lan như hiện nay khiến nhiều người bà con của tôi đỗ đại học vào những ngành mà tôi đọc chương trình, yêu cầu đầu ra sản phẩm vẫn không hiểu được học xong sẽ làm gì nhưng ở nông thôn, con đỗ đại học mà không cho học thì không được nên đành phải cố. Cố suốt mấy năm học rồi không xin được việc, đành buông. Biết bao tốn kém, biết bao đổ vỡ, biết bao lỡ dở. Việc nhà lỡ dở đã đành mà xã hội lại phải lo giải quyết hậu quả.
Đồng thời với việc trên cần làm tiếp mấy việc sau:
1.Công bố (chắc việc này khó nhưng cần làm) hàng năm số sinh viên của các ngành, trường có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo để xã hội biết chất lượng đào tạo của các đơn vị;
2.Cơ cấu lại ngành đào tạo và chỉ cho phép các đơn vị có đủ năng lực đào tạo những ngành có đủ cơ sở vật chất (trường sở, phòng thí nghiệm, năng lực của đội ngũ cán bộ…) phục vụ đào tạo;
3. Cho giải thể, sáp nhập… những trường, khoa không tuyển sinh được, thiếu cả vật lực và nhân lực đào tạo;
4. Cho các đơn vị được thực hiện quyền tự trị đúng nghĩa và quản lý, giám sát việc này theo quy định pháp luật. (Tự chủ như hiện nay do bị hiểu sai, bị cố tình làm sai lại thiếu giám sát nên là nguồn gốc của rất nhiều tiêu cực, sai lầm). Điều gì lỗi thời thì bỏ; điều gì chưa có thì bổ sung vào Luật.
Không muốn nói chuyện bao đồng nhưng hôm qua ở quê báo lên "cháu đỗ đại học rồi, chả biết trường gì, học xong làm cái gì vì nó nói một lúc tôi chả hiểu nên gọi hỏi chú". Nói chuyện với nó một lúc, chú cũng chịu. Nghe ông ấy than kèm theo tiếng thở dài mà não cả ruột "con đi học chỉ mong nó đỗ. Giờ đỗ rồi mà nghe chú nói thế chả biết tính sao".
Chuyện học hành, thi cử không chỉ là chuyện một nhà, chuyện của con trẻ, chuyện trước mắt. Nó vừa là chuyện của mọi nhà, là chuyện lâu dài, chuyện liên quan đến cả vận mệnh của một quốc gia. Nói như cố Tổng thống Nam Phi N.Mandela, giáo dục sai đường có nguy cơ làm lụn bại cả một đất nước. Hay ông ấy nói câu chuyện của nước ông ấy, có liên quan gì đến mình?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.