Bản Co Sáy: Ước mơ của cô trò điểm trường “3 không"

Nguyệt Minh Thứ ba, ngày 02/01/2024 09:05 AM (GMT+7)
Vượt qua đoạn đường dài 15km với nhiều khúc cua trắc trở, gập ghềnh sỏi đá. Chúng tôi đã đặt chân đến Điểm trường Mầm non Co Sáy, một điểm trường nghèo khó nằm cheo leo trên đỉnh đồi của bản Co Sáy.
Bình luận 0

Điểm trường Co Sáy: không nước, không bếp, không nhà vệ sinh

Sáng sớm, đoàn chúng tôi bắt đầu di chuyển đến Điểm trường Co Sáy bằng xe máy. Phải mất 30 phút từ trường chính, vượt qua nhiều đoạn đường hiểm trở, ngôi trường nhỏ bé nằm cheo leo trên đỉnh đồi dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Đó là nơi học tập chung của 23 em học sinh từ 2 đến 5 tuổi.

Điểm trường Co Sáy nằm ở vị trí cao nhất, xa nhất của Trường Mầm non Hương Xoài (xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La). Đặc điểm vị trí địa lý cách xa trung tâm, kinh tế khó phát triển, vì thế các em học sinh nơi đây vẫn đang chịu nhiều thiệt thòi.

Bản Co Sáy: Ước mơ của cô trò điểm trường “3 không" - Ảnh 1.

Đoạn đường 15km di chuyển đến Điểm trường Co Sáy có nhiều khúc cua gấp, gập ghềnh sỏi đá. Đây là con đường mà cô giáo cắm bản Lò Thị Hương vẫn phải di chuyển 1 ngày 2 lần.

Bản Co Sáy: Ước mơ của cô trò điểm trường “3 không" - Ảnh 2.

Điểm trường Co Sáy nằm treo leo trên đỉnh đồi của bản. Để đến lớp học, phụ huynh và học sinh phải đi qua những bậc thang tre dốc và trơn trượt.

Điểm trường Co Sáy là điểm trường “3 không": không nhà vệ sinh, không bếp, không nước. Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn của điểm trường, cô Lò Thị Hương - Giáo viên cắm bản tâm sự: “Vì điểm trường nằm trên khu vực núi cao nên không có nước. Để khắc phục tình trạng thiếu nước, các phụ huynh phải thay phiên nhau đi lấy nước từ rất xa".

Thiếu nước đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình dạy và học của cô trò. Cô Hương phải sử dụng nước tiết kiệm nhất, trong khi điểm trường cần lượng nước lớn mới đủ chăm sóc cho các em nhỏ. Bởi các em đang ở độ tuổi cần khám phá thế giới xung quanh để phát triển toàn diện. 

Tham quan điểm trường nhỏ chỉ có một phòng học duy nhất khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Điểm trường không được xây dựng bằng bê tông cốt thép, mà chỉ được dựng lên từ những tấm vách ngăn bằng tôn, xốp. Thế nhưng với cô, trò và người dân ở đây, đó đã là điều xa xỉ. 

Bản Co Sáy: Ước mơ của cô trò điểm trường “3 không" - Ảnh 3.

Điểm trường "3 không": không nhà vệ sinh, không bếp, không nước.

Bản Co Sáy: Ước mơ của cô trò điểm trường “3 không" - Ảnh 4.

Phía bên trong lớp học được dựng bằng tôn và xốp đơn sơ. Cô Hương cho biết những tấm thảm gỗ được đặt dưới sàn là do cô mới xin được từ điểm trường khác, trước đây các em học sinh phải trực tiếp nằm lên sàn đá, mùa đông rất lạnh lẽo.

Căn bếp của điểm trường thậm chí chỉ được dựng tạm bằng tre nứa và lợp lá. Chính vì chưa đáp ứng được yêu cầu để nấu ăn tại trường nên phụ huynh phải chuẩn bị cơm từ nhà cho các em mang đến lớp. Còn nhỏ tuổi nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, bữa cơm của các em nhiều khi chỉ có cơm trắng hoặc 1 gói mì tôm. Cô Hương đã trồng thêm luống rau nhỏ tại trường để cải thiện bữa ăn cho các em. 

Càng bất ngờ hơn khi điểm trường không có nhà vệ sinh. “Nếu các con cần đi nhà vệ sinh sẽ đi nhờ ở nhà những hộ dân gần đó. Tôi rất thương các con vì những bất tiện này nhưng đây là điều mà các con đã phải làm quen từ khi đi học ở đây" - cô Hương tâm sự. 

Bản Co Sáy: Ước mơ của cô trò điểm trường “3 không" - Ảnh 5.
Bản Co Sáy: Ước mơ của cô trò điểm trường “3 không" - Ảnh 6.

Căn bếp được dựng tạm bợ bằng tre, nứa của Điểm trường Co Sáy. Vì không đủ điều kiện nấu ăn cho các học sinh tại trường nên phụ huynh phải chuẩn bị cơm cho các em mang đến lớp từ nhà.

Mong ước về điểm trường mới khang trang

Đã từ lâu, cô trò và người dân ở đây đã mong ước được xây dựng điểm trường mới khang trang và gần nguồn nước hơn. Nhìn những bạn nhỏ chịu nhiều thiếu thốn, cô Hương đau lòng: “Nguồn ngân sách xã hội tại địa phương còn nhiều thiếu thốn, Trường Mầm non Hương Xoài vẫn đang có nhiều điểm trường khó khăn. Chúng tôi không thể tự lực xây dựng được điểm trường mới".

Bản Co Sáy: Ước mơ của cô trò điểm trường “3 không" - Ảnh 7.

Mỗi ngày đến trường của các em học sinh Điểm trường Co Sáy luôn đong đầy những niềm vui ngây thơ. Thế nhưng tuổi thơ của các em sẽ trọn vẹn khi được học trong một điểm trường đầy đủ, khang trang hơn.

Là người sinh ra và lớn lên tại bản Co Sáy từ nhỏ, ông Lù Lao Long - Trưởng bản Co Sáy thấu hiểu những khó khăn của địa phương. “Tại đây, 100% là người dân tộc Mông, thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Cuộc sống của chúng tôi chỉ phụ thuộc vào ngô và lúa, chịu ảnh hưởng rất lớn vào các yếu tố thiên nhiên. Năm được mùa còn đủ ăn, năm mất mùa nhiều nhà phải chịu đói. Mong lắm con cháu được học ở điểm trường khang trang hơn nhưng chúng tôi chỉ có thể góp công, góp sức, còn vật chất là điều không thể".

Trực tiếp đến trường, chứng kiến những khó khăn cũng như niềm hy vọng hiện rõ trong ánh mắt của mọi người. Từng khoảnh khắc đó đã chạm đến trái tim, khiến đoàn khảo sát xúc động. Chị Sồng Thị Pàng (bản Co Sáy, mẹ bé Sồng Minh Thảy 2 tuổi) bày tỏ: “Tôi ước có điểm trường mới khang trang để yên tâm làm nương làm rẫy mỗi khi con đến trường. Tôi rất mong Báo NTNN/Điện tử Dân Việt và các nhà hảo tâm sẽ giúp đỡ bản làng tôi”.

Bản Co Sáy: Ước mơ của cô trò điểm trường “3 không" - Ảnh 8.
Bản Co Sáy: Ước mơ của cô trò điểm trường “3 không" - Ảnh 9.
Bản Co Sáy: Ước mơ của cô trò điểm trường “3 không" - Ảnh 10.

Ước mơ của cô Hương, các em học sinh và người dân bản Co Sáy chính là được dạy và học trong một điểm trường đủ đầy hơn. Có lớp học rộng rãi để thoải mái học tập vui chơi, không còn phải lo chắt chiu từng giọt nước và có một căn bếp nhỏ để nấu những bữa ăn đủ chất.  

Theo dự tính, “Điểm trường mơ ước” của cô trò sẽ được xây dựng ở địa điểm mới gần nguồn nước. Bao gồm 2 phòng học rộng 90m2, nhà vệ sinh rộng 25m2, bếp rộng 25m2 với tổng giá trị ước tính 800.000.000 đồng. Để có thể thực hiện được ước mơ của cô trò, Báo NTNN/Điện tử Dân Việt kêu gọi sự đóng góp từ những tấm lòng hảo tâm trên cả nước. Mỗi đóng góp dù nhỏ nhất cũng đang góp phần rút ngắn con đường biến ước mơ thành hiện thực cho cô trò Điểm trường Co Sáy. 

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về

Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Số tài khoản: 2120524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.

Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay

Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ MS 2124


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem