Sau khi gần đây Ấn Độ chặn quyền truy cập vào 54 ứng dụng di động, bao gồm Free Fire, Tencent Xriver, Nice Video Baidu và Viva Video Editor, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia, khi phía Ấn Độ cáo buộc rằng các ứng dụng đang thu thập "dữ liệu người dùng nhạy cảm" bị lạm dụng, và truyền đến các máy chủ "đặt tại một quốc gia thù địch", mới đây, theo một nguồn tin của chính phủ Ấn Độ cho biết, cơ quan quản lý thuế thu nhập của nước này đã tiến hành khám xét nhiều trụ sở của nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei như một phần của cuộc điều tra về thuế, bao gồm tại các trụ sở văn phòng của Huawei ở thủ đô New Delhi, thành phố Gurugram và trung tâm công nghệ Bengaluru.
Các quan chức từ Cục thuế thu nhập Ấn Độ đã xem xét các tài liệu tài chính, sổ tài khoản, hồ sơ công ty của Huawei, các giao dịch với các doanh nghiệp Ấn Độ và các giao dịch ở nước ngoài, một số hồ sơ liên quan cũng đã bị thu giữ. Trong một tuyên bố mới nhất của mình, Huawei cho biết: "Chúng tôi đã được thông báo về cuộc điều tra của cơ quan thuế và cũng như cuộc họp của họ với một số nhân sự của chúng tôi".
Thời báo Kinh tế Ấn Độ đưa tin rằng, các trụ sở văn phòng của Huawei đã bị đột kích khám xét sau khi xuất hiện các cáo buộc rằng, nhà cung cấp này đã không báo cáo việc chuyển các khoản thanh toán tiền bản quyền bên ngoài Ấn Độ. Theo ET, Cục Thuế thu nhập Ấn Độ phát hiện ra rằng trong nhiều trường hợp, lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài "thông qua việc chuyển giao cho công ty mẹ dưới chiêu bài chi phí không có thật, tiền bản quyền, mua cổ phần và các chi phí khác".
Điều này diễn ra sau các hoạt động khám xét tương tự trong trụ sở của ZTE, một công ty công nghệ của Trung Quốc cách đây vài tháng. Theo các quan chức chính phủ Ấn Độ, cuộc đột kích nhằm vào ZTE đã tiết lộ một số vi phạm, bao gồm "trốn thuế lớn, chi phí không có thật, mua cổ phần bất hợp pháp, trao đổi tiền tệ và chênh lệch tài chính kế toán… Phía Ấn Độ cũng đang xem xét việc che giấu thu nhập và các giao dịch tài chính đáng ngờ khác được thực hiện bởi các công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực viễn thông và điện tử.
Được biết Cơ quan thuế Ấn Độ đã mở một cuộc điều tra rộng rãi đối với các công ty Trung Quốc hoạt động tại Ấn Độ về các vấn đề thuế và thu nhập từ tháng 12 năm ngoái, bao gồm các công ty điện thoại di động Trung Quốc Oppo và Xiaomi.
Đầu tuần này, Ấn Độ đã chặn thêm 54 ứng dụng của các công ty Trung Quốc bao gồm Tencent và Alibaba phát triển. Như vậy, kể từ tháng 6 năm 2020, Ấn Độ đã chặn hơn 300 ứng dụng của Trung Quốc.
Gao Feng, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ lo ngại về việc Ấn Độ truy quét quy mô lớn các công ty Trung Quốc về kiểm tra thuế và môi trường đầu tư của nước này, kêu gọi Ấn Độ cung cấp một môi trường công bằng và không phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, vì họ đã đóng góp để phát triển kinh tế Ấn Độ tạo ra một số lượng lớn việc làm cho các địa phương.
"Huawei tự tin rằng các hoạt động của chúng tôi tại Ấn Độ luôn tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các luật và quy định. Chúng tôi sẽ liên hệ với các bộ phận liên quan của chính phủ để biết thêm thông tin và hợp tác đầy đủ theo các quy tắc và quy định", đại diện Huawei cho biết thêm.
Không chỉ dừng tại đó, Phòng Thương mại Trung Quốc tại Ấn Độ và Hiệp hội Doanh nghiệp Điện thoại Di động Trung Quốc tại Ấn Độ đã lập luận rằng, cách đối xử này là không chính đáng, vì 200 nhà sản xuất Trung Quốc và 500 công ty thương mại ở Ấn Độ, với tổng danh mục đầu tư hơn 3 tỷ USD đã tạo ra nhiều hơn hơn 500.000 việc làm tại các địa phương. Do đó, các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng niềm tin vào thị trường Ấn Độ đã bị "lung lay" do tính "khó đoán định" của quốc gia như Ấn Độ.
Vào năm 2020, chính quyền trung ương Ấn Độ cũng đã cấm TikTok và các ứng dụng video ngắn phổ biến khác của Trung Quốc sau một cuộc xung đột lớn ở biên giới. Khi TikTok bị cấm vào ngày 29 tháng 6 năm 2020, danh sách này cũng bao gồm tổng cộng 59 ứng dụng khác nhau như Shareit, Shein, Xiaomi Mi Community, Clash of Kings, Weibo, Likee...
Thậm chí, Cơ quan Thực thi Ấn Độ cũng đã tiến hành khám xét và phong tỏa tài sản của các công ty do Trung Quốc kiểm soát và các công ty tài chính phi ngân hàng cho vay tức thì thông qua các ứng dụng di động ở Ấn Độ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.