Ngọc Giàu
Thứ tư, ngày 08/02/2023 14:03 PM (GMT+7)
Krông Nô được đặt theo tên gọi của dòng sông Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) một trong hai phụ lưu hợp thành của sông Sêrêpốk. Đây là vùng đất có 23 dân tộc anh em cùng sinh sống với không gian văn hóa, lễ hội đa dạng và độc đáo.
Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng ở xã Nam Xuân, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) được tổ chức từ ngày 18-20 tháng Giêng (âm lịch) là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc nhất, vui nhất của dân tộc Tày, Nùng với mong muốn gửi gắm ước mong của dân làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Hằng năm, vào dịp đầu Xuân năm mới, chính quyền địa phương huyện Krông Nô đều phối hợp với các ngành chức năng và người dân tổ chức Lễ hội Lồng Tồng với ý nghĩa cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Lễ hội đã thu hút đông đảo người dân, du khách thập phương tham gia lễ hội, mỗi người đều mang trong mình một điều ước riêng, một mong muốn riêng, tạo nên một Lễ hội Lồng Tồng độc đáo, đa dạng và phong phú, thể hiện bản sắc riêng của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc đã định cư ổn định ở xã Nam Xuân.
Ông Lục Văn Hai (60 tuổi, trú Xã Nam Xuân) chia sẻ, gia đình ông từ tỉnh Cao Bằng vào Đắk Nông lập nghiệp từ năm 1989 đến nay. Mấy chục năm qua, cộng đồng người Tày, Nùng ở đây vẫn chăm chỉ lao động, sản xuất và bảo ban nhau gìn giữ, bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có Lễ hội Lồng Tồng. Bà con đến đây, không chỉ để tạ ơn trời đất, thần linh mà còn giao lưu văn nghệ, nghe hát then, xem múa sư tử, nhịp đàn tính và tham gia các trò chơi dân gian tung còn, đẩy gậy,...
Ông Bùi Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết, những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Lễ hội Lồng Tồng của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng tại địa phương diễn ra ngày càng quy mô, sôi nổi, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc. Lễ hội Lồng Tồng năm nay thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến tham dự.
"Lễ hội Lồng Tồng là nét đẹp văn hóa dân gian mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện niềm tin thiêng liêng của người dân trong sự hoà hợp trời đất, âm dương; cầu mong cho mưa thuận gió hòa; cuộc sống khỏe mạnh, no đủ, vạn vật sinh sôi. Với đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Lễ hội Lồng tồng chính là tài sản văn hóa tinh thần vô giá", ông Sơn chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.