Với mong muốn làm việc nhỏ để bảo vệ môi trường vừa tạo không gian xanh và nguồn rau sạch an toàn cho bữa ăn hằng ngày, chị Ngô Thị Nhài (sinh sống ở Bắc Ninh) đã tận dụng những món đồ bỏ đi của gia đình, hay ra đường thấy ai vứt chai lọ gì chị cũng xin về để trồng cây.
Từ vỏ chai coca, đến chai dầu ăn 5 lít, thùng sơn, bình nước rửa chén, lốp xe, thùng nhựa, bì tải, lọ trà sữa...đã được chị hô biến thành những dụng cụ trồng rau độc đáo và ấn tượng. Và cứ thế, hàng chục loại rau mọc lên xanh tốt trên sân thượng rộng 30m2 trên tầng 3.
Chia sẻ về ý tưởng tái chế đồ bỏ đi để trồng rau, chị Nhài cho hay, vì từng có thời gian 3 năm làm việc tại Nhật Bản, ở xứ người chị đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm cũng như nâng cao nhận thức phải bảo vệ môi trường.
Ở Nhật không có nhiều thùng rác vì người dân tự mang theo túi để bỏ rác, đem về nhà, kể cả khi dắt thú cưng đi dạo.
Bởi vậy, khi trở về Việt Nam, chị Nhài mong muốn làm một việc nhỏ để góp phần bảo vệ môi trường, chị bắt đầu lên ý tưởng tận dụng đồ tái chế để trồng cây, lúc đầu chị mua những rổ nhựa đựng trái cây đã cũ để vừa tiết kiệm tiền cũng như để họ khỏi phải vứt đi.
Hay khi nhà chị vừa làm xong có nhiều thùng sơn, chị đã nhờ bố đục lỗ để tận dụng trồng cây. Sau này, chị Nhài mở quán bán trà sữa, chị tận dụng các vỏ hộp trà sữa để trồng các loại hành lá.
Giờ đi ra ngoài đường, thấy ai vứt chai lọ gì chị cũng xin về tận dụng để trồng cây, mọi người hay gọi vui chị Nhài với cái tên cô nàng 've chai'.
Chị Nhài nhắn nhủ: "Đừng vội vứt những chiếc chai lọ, lốp xe, thùng nhựa mà hãy tận dụng chúng để trồng rau, bạn sẽ có ngay một vườn rau sạch, xanh mướt ngay trong nhà mà tiết kiệm được chi phí".
Phân bón rau sạch cũng từ thực phẩm tái chế
Không chỉ dùng vật liệu tái chế để trồng cây, chị Nhài còn sử dụng rác thải hữu cơ để ủ và bón phân cho cây. Với các loại bã cà phê, bã chè, vỏ khoai lang, khoai tây có sẵn trong nhà được chị cho tất cả vào một thùng xốp, ủ đến khi hơi có mùi thì trộn lẫn với đất và tro, trấu.
"Cách này giúp rau phát triển tốt lại không gây ảnh hưởng tới môi trường", chị Nhài cho hay.
Còn với sâu bệnh, khi phát hiện sâu, chị Nhài tỉ mỉ vạch từng chiếc lá, bới từng gốc cây để bắt sâu thay vì phun thuốc, hóa chất độc hại.
Truyền tình yêu trồng rau sạch, hoa thơm tới các con
Từ ngày có khu vườn, đặc biệt trong mùa dịch Covid-19, không được đi ra ngoài chơi nhều, chị Nhài đã giúp hai con gần gũi với thiên nhiên, làm quen với những loại rau ngay trong không gian xanh tươi, trong lành của gia đình mình, cô con gái còn bảo, nhờ mẹ trồng cây nên con thấy hiểu và yêu môn sinh học hơn.
Niềm đam mê tận dụng các đồ tái chế còn truyền sang hai con của chị Nhài, khi các bé tự mình tái chế vỏ chai, tô vẽ lốp xe để trang trí và trồng cây. Qua hành động nhỏ nhưng chắc chắn các con sẽ biết cách bảo vệ môi trường và yêu thiên cây cối hơn.
Khu vườn nhỏ của chị luôn rộn ràng hương thơm, xanh tươi rực rỡ bởi cỏ cây, hoa lá. Yêu thiên nhiên và thích làm vườn nên chị luôn cảm thấy tâm hồn được bình yên, tự tại khi được sống trong ngôi nhà nhỏ, bước chân là ra đến vườn, là được ngắm cây, ngắm hoa.
Cùng xem thêm những hình ảnh vườn rau sạch trên sân thượng làm từ đồ "ve chai" nhà chị Nhài:
Vui lòng nhập nội dung bình luận.