Hà Nội: Du lịch nông nghiệp, nông thôn: Sản phẩm đặc trưng và chất lượng cao
Hà Nội: Du lịch nông nghiệp, nông thôn: Sản phẩm đặc trưng và chất lượng cao
Thứ năm, ngày 23/02/2023 22:14 PM (GMT+7)
Theo TS. Đoàn Mạnh Cương, đẩy mạnh tính liên kết vùng để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng. Thực hiện một số chính sách nhằm thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân để phát triển du lịch nông nghiệp của từng vùng đặc biệt là các sản phẩm du lịch chất lượng cao
Sở Du lịch Hà Nội vừa tổ chức hội thảo “Xây dựng tiêu chí đánh giá phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội” trong khuôn khổ Đề tài khoa học cấp thành phố về “Giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia du lịch, đại diện các cơ sở đào tạo du lịch, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tại Hội thảo, GS.TS Phạm Thị Mỹ Dung (Viện Khoa học phát triển nông thôn- Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội đã nêu: Xu hướng du lịch trên thế giới đang thay đổi dần từ du lịch truyền thống trong không gian kín sang các loại du lịch mới, du lịch xanh ưu tiên hơn cho việc lựa chọn các điểm đến gần nhà, các chuyến trải nghiệm nội địa, an toàn gần gũi thiên nhiên với không gian rộng, thoáng mát. Tổ chức du lịch thế giới ( UNWTO) cho rằng đến năm 2030, du lịch với mục đích thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo sẽ chiếm 31%; Du lịch với mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chiếm 54%; Du lịch với mục đích công việc và nghề nghiệp chiếm 15%. Vì vậy du lịch xanh sẽ phát triển mạnh”.
Với Hà Nội, phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn nhằm phục vụ cho chương trình xây dựng nông thôn mới đã được chỉ ra trong kế hoạch 227/KH-UBND năm 2021. Nhưng theo bà Phạm Thị Mỹ Dung, do hiện nay có nhiều vấn đề khác nhau, chưa thật thống nhất về du lịch nông nghiệp, nông thôn nên có thể ảnh hưởng tới chỉ đạo trong thực tiễn.
Hiện nay, du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội và trên cả nước phát triển còn manh mún, tự phát, chủ yếu là các hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ mà nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do thiếu quy hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cụ thể.
TS. Đoàn Mạnh Cương (Vụ Văn hóa- Giáo dục, Văn phòng Quốc hội) đánh giá: Phát triển nông nghiệp, nông thôn tại đô thị lớn như thành phố Hà Nội là hướng đi góp phần xây dựng mô hình kinh tế tại chỗ. Song trong quá trình triển khai phát triển nông nghiệp tại đô thị trong bối cảnh công nghiệp 4.0, đặt ra một số vấn đề khó khăn như về nguồn nhân lực; liên kết và ứng dụng công nghệ số; khả năng cung ứng công nghệ cho nông nghiệp thông minh; các mô hình mới hình thành và triển khai; đặc biệt là chi phí đầu tư cho nông nghiệp thông minh cao hơn rất nhiều so với nông nghiệp truyền thống”.
Do đó, ông Cương cho rằng để có chi phí đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị thông minh, việc đưa nông nghiệp thông minh vào khai thác trong hoạt động du lịch tại thành phố Hà Nội là mô hình cần nghiên cứu và triển khai.
Để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội và các địa phương gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, các đại biểu đề xuất tổ chức rà soát quy hoạch, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng của từng địa phương.
Đẩy mạnh tính liên kết vùng để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng. Thực hiện một số chính sách nhằm thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân để phát triển du lịch nông nghiệp của từng vùng đặc biệt là các sản phẩm du lịch chất lượng cao, khai thác đồng thời giá trị nông nghiệp và phát triển du lịch; sử dụng lao động là người địa phương; các hoạt động du lịch có tính chất cộng đồng; các dự án sản xuất hàng hóa và dịch vụ của khu vực nông thôn vào tiêu dùng du lịch.
Phát triển nguồn nhân lực cho phát triển du lịch nông nghiệp. Cần đổi mới và xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh cho quảng bá cho du lịch nông nghiệp trên cơ sở giá trị đặc trưng, nổi bật của từng địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Chú trọng công tác điều phối và quản lý điểm đến nhằm phát triển du lịch nông nghiệp bền vững. Cần xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào tiêu dùng du lịch.
Xây dựng tiêu chí cụ thể để có thể áp dụng ngay
Theo TS Vũ Nam (Trường ĐH Kinh tế quốc dân): “Sau đề tài “Giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội” có tham vọng để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển hơn thì cần phải định hướng, xây dựng được các tiêu chí cụ thể mà các địa phương trên địa bàn Hà Nội có thể áp dụng ngay”.
Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu băn khoăn việc tại sao tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Ba Vì rất nhiều nhưng chưa phát triển được. Hiện nay, vướng mắc nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai. Phần lớn đất ở Ba Vì là đất lâm trường nên các dự án homestay, famstay.... rất khó “vào”. Bên cạnh đó, du lịch đường sông ở Ba Vì có rất nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác chút nào.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, Chủ nhiệm Đề tài cho biết: “Sở Du lịch sẽ đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn để thúc đẩy phát triển hiệu quả loại hình du lịch này. Sở đang xây dựng quy hoạch du lịch để tích hợp chung vào quy hoạch Thủ đô. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.
Trong đó, định hướng việc khai thác và làm nổi bật những đặc trưng riêng về du lịch nông nghiệp, nông thôn trong phát triển du lịch của Thủ đô. Sau khi xây dựng bộ tiêu chí, Sở Du lịch sẽ trình UBND TP Hà Nội ra quyết định công nhận, sau đó triển khai một số mô hình điểm, tiến tới nhân rộng, qua đó góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch Thủ đô.”.
Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc công ty TNHH du lịch Hoa Bay nêu ý kiến: “Tôi đang tham gia phát triển du lịch tự phát ở huyện Phúc Thọ. Chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc sử dụng đất, nguồn gốc đất trong phát triển du lịch và đang chưa hiểu rõ: đất nông nghiệp phục vụ phát triển du lịch như thế nào, đất dịch vụ công phát triển du lịch ra sao...”.
Đại diện xã Hồng Vân, huyện Thường Tín chia sẻ: “Du lịch nông nghiệp, nông thôn hiện nay đang là hướng đi phù hợp của nhiều địa phương. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nóng, tranh giành khách giữa các cơ sở diễn ra rất phức tạp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch, người dân đầu tư không tính đường dài nên cứ gặp khó khăn là nản. Chúng tôi đề xuất các quy hoạch cần phải hướng tới phát triển du lịch; đầu tư ngân sách; bố trí cán bộ du lịch tại các địa phương để có thể tham mưu cho chính quyền cơ sở...”.
PGS.TS Phạm Trương Hoàng, Trưởng khoa Du lịch- Khách sạn, Đại học Kinh tế quốc dân, một trong những thành viên chính thực hiện Đề tài cho biết: “Hội thảo đã có 15 tham luận, phát biểu trực tiếp cho thấy vấn đề phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đang rất được quan tâm. Bộ tiêu chí đang hướng tới mục tiêu làm thế nào để quản lý, phát triển được du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội. Cách tiếp cận, nội dung, phương pháp hình thành bộ tiêu chí cũng cần có giá trị thiết thực để áp dụng ở các địa phương. Hội thảo cũng mở ra nhiều tranh luận về việc quy hoạch, quản lý đất phát triển du lịch, phát triển du lịch tự phát…. cần được tiếp tục thống nhất, đưa ra những kiến nghị cụ thể, tạo cơ chế chính sách phù hợp để du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội phát triển”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.