Hấp dẫn tour trải nghiệm du lịch “nhà” vườn tại Lục Ngạn, Bắc Giang
Hấp dẫn tour trải nghiệm du lịch “nhà” vườn tại Lục Ngạn, Bắc Giang
Huy Hoàng
Thứ năm, ngày 20/04/2023 16:00 PM (GMT+7)
Nhằm tăng cường quảng bá, lan tỏa sản phẩm thương hiệu nông sản Lục Ngạn, mở rộng tour trải nghiệm "nhà" vườn và làng nghề, doanh nghiệp lữ hành Hà Nội kết hợp cùng huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) để phát triển du lịch nông thôn.
Bắc Giang, vùng vựa vải lớn nhất miền Bắc, đồng thời là địa phương giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, Nơi còn lưu giữ, bảo tồn nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như chùa Am Vãi, đền Hả, hát Sloong hao, hát Sli, hát Then, hát Lượn. Đây là nơi có làng nghề truyền thống mỳ chũ để phát triển du lịch.
Bắc Giang còn có lợi thế gần Hà Nội, các cung đường di chuyển thuận lợi, thời gian di chuyển ngắn, việc liên kết với doanh nghiệp du lịch tổ chức tuyến du lịch Hà Nội – Lục Ngạn (Bắc Giang) có thể tạo thêm nhiều điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Hấp dẫn tour trải nghiệm du lịch "nhà" vườn tại Lục Ngạn, Bắc Giang
Vì vậy, vừa qua Công ty CP khai thác và dịch vụ du lịch SGO (SGO Travel) đã tổ chức khảo sát làng nghề mỳ chũ và khu du lịch sinh thái huyện Lục Ngạn để nhằm quảng bá, liên kết phát triển và mở rộng tour trải nghiệm, phát triển du lịch giữa hai địa phương là Hà Nội và Bắc Giang.
Tou Hà Nội – Lục Ngạn (Bắc Giang) với nhiều trải nghiệm thú vị và hấp dẫn. Tại làng nghề Thủ Dương, nơi có tới 18 hợp tác xã và 4 đại lý làm nghề mỳ chũ, du khách có thể tham quan trực tiếp cách làm mỳ chũ truyền thống với từng công đoạn. Được trải nghiệm gói mỳ và thưởng thức ngay tại chỗ hương vị đầu tiên, tinh khiết của tấm bánh mỳ chũ, trước khi đến công đoạn cắt nhỏ.
Tại xã Quý Sơn, du khách có những trải nghiệm tuyệt vời ở khu du lịch sinh thái Bầu Tiên của Hợp tác xã Đồng Dao. Du khách được đắm mình trong một không gian rộng lớn tới hơn 200ha "rừng" vải. Được thỏa sức checkin với một màu xanh bất tận và không khí trong lành, bình yên.
Với hồ Bầu Lầy mênh mang, soi bóng là đảo vườn vải đạt tiêu chuẩn xuất nhập khẩu, du khách có thể du ngoạn ngắm hồ bằng thuyền, chèo thuyền sup, đạp vịt, câu cá, nướng gà…
Ông Hoàng Văn Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã du lịch Đồng Dao cho hay: "Huyện Lục Ngạn đã thực hiện phát triển nông nghiệp gắn với du lịch từ năm 2021, tuy nhiên thời gian qua do dịch và cũng chưa có sự kết nối nhiều với các doanh nghiệp lữ hành nên việc đẩy mạnh các hoạt động du lịch chưa được nhiều, du khách chưa biết nhiều đến những địa điểm du lịch của xã Quý Sơn.
Vì vậy, khi có các doanh nghiệp lữ hành đến kết nối chúng tôi rất vui mừng. Bởi thông qua việc tổ chức tour đưa du khách trong nước, du khách nước ngoài đến với huyện Lục Ngạn sẽ giúp người dân quảng bá thương hiệu, sản phẩm nông sản, trái cây… qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu. Mục đích của chúng tôi không phải làm giàu từ du lịch, mà thông qua du lịch, sẽ là kênh để tiêu thụ, bán nhiều hơn nông sản".
Nói về kỳ vọng khi kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành làm du lịch, ông Hoàng Văn Hiệp cho hay, các hợp tác xã mong muốn các lữ hành đưa được nhiều du khách về với Hợp tác xã nói riêng và Lục Ngạn nói chung để quảng bá, hình ảnh, thương hiệu của Lục Ngạn lên một tầm cao mới. Đồng thời, cũng muốn các doanh nghiệp lữ hành góp ý, chia sẻ giúp đỡ, tạo điều kiện để các hợp tác xã càng hoàn thiện, tốt hơn.
"Chúng tôi cũng mong muốn UBND huyện Lục Ngạn nâng cấp hạ tầng cơ sở để phục vụ du khách, đầu tư hệ thống Internet vào các trang trại trồng trọt cây ăn quả để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, điểm đến trên các trang mạng xã hội. Khách du lịch có thể tra cứu tìm hiểu điểm đến trước khi sử dụng tour của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ", ông Hoàng Văn Hiệp nói.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phùng Quang Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hà Nội, Phó Giám đốc SGO Travel cho biết, khi nói đến các loại hình du lịch, Việt Nam có thế mạnh về du lịch nông thôn.
"Việt Nam có những vựa lúa rất lớn ở đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam bộ, ngoài ra còn có đất trồng cây ăn quả, trồng rừng… Điều này cho thấy Việt Nam rất trù phú về nông nghiệp. Và nông nghiệp thì gắn với đời sống nhân dân, mỗi địa phương có những đặc thù khác nhau về làm nông, về cuộc sống, văn hóa, ẩm thực, thậm chí có nhiều địa phương còn có rất nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể…
Trong đó, Bắc Giang đã có bề dày về văn hóa, đời sống, ẩm thực, phong tục tập quán, hoạt động về tâm linh để nơi đây có lợi thế, tài nguyên để phát triển du lịch.
Với loại hình du lịch nông thôn là loại hình đa dạng, bức tranh về du lịch đẹp hơn rất nhiều, nếu chúng ta chỉ phát triển du lịch nông nghiệp, chỉ gắn với lao động sản xuất thì mới chỉ là góc rất nhỏ của Lục Ngạn, Bắc Giang. Trong khi nếu phát triển loại hình du lịch nông thôn thì mở ra rất nhiều thứ để chúng ta khai thác, từ việc làng nghề truyền thống gắn với văn hóa, lịch sử địa phương và gắn với hoạt động xã hội địa phương.
Du lịch nông thôn có thể tổ chức ở không gian rộng lớn hơn, có thể kết nối thôn này với xã này, thôn khác với xã khác, miễn là tạo được hành trình đủ độ hấp dẫn, đa dạng về dịch vụ, các hoạt động cho khách trải nghiệm", ông Phùng Quang Thắng nói.
Theo ông Phùng Quang Thắng, Lục Ngạn ngoài làng nghề, làm nông nghiệp thì còn có các hồ như hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, hồ Bầu Lầy. Điều thú vị và là điểm nhấn hơn nữa là những vườn cây ăn quả xanh mướt này lại len lỏi ở những hồ nước ngọt tự nhiên, tạo nên một cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, không khí trong lành và bình yên. Bên cạnh đó, những đường mòn trong "rừng" cây ăn quả đó là các hoạt động thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe… Dưới lòng hồ thì có thể tạo hoạt động như đạp vịt, chèo thuyền hơi, câu cá, cắm trại, nướng cá…
"Hiện tại, Bắc Giang đang bị hạn chế sự kết nối giữa các huyện, đồng thời các tour trải nghiệm chủ yếu đi trong ngày, mà chưa có các tour, tuyến trải nghiệm nghỉ qua đêm. Vì lẽ này mà SGO travel đã xây dựng hai tour trải nghiệm qua đêm đó là tour "Theo dấu chân Phật Hoàng" và tour trải nghiệm làng nghề và nhà vườn.", ông Phùng Quang Thắng cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.