Hậu "thay máu" Coteccons: Kusto có động thái mới

Quang Dân Thứ tư, ngày 23/12/2020 08:17 AM (GMT+7)
Coteccons đăng ký mua vào 4,9 triệu cổ phiếu quỹ là động thái đầu tiên của doanh nghiệp sau khi nhóm Kusto lên nắm quyền thay ông Nguyễn Bá Dương.
Bình luận 0

Mới đây, Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã CTD-HOSE) thông báo về việc giao dịch mua lại cổ phiếu.

Cụ thể, Coteccons đăng ký mua vào 4,9 triệu cổ phiếu quỹ, tương ứng 6,18% vốn điều lệ của Coteccons, từ ngày 30/12/2020 đến ngày 28/01/2021. Mục đích mua cổ phiếu quỹ để chuẩn bị nguồn cổ phiếu cho đợt phát hành ESOP tiếp theo và gia tăng lợi ích cổ đông.

Nếu giao dịch thành công, số cổ phiếu quỹ Coteccons nắm giữ sẽ tăng từ 2,96 triệu cổ phiếu lên 7,86 triệu cổ phiếu quỹ. Nguồn vốn được lấy từ thặng dư vốn cổ phần theo Báo cáo tài chính riêng đã kiểm toán tại thời điểm 31/12/2019.

Xung đột hậu "thay máu" Coteccons - Ảnh 1.

Coteccons chi gần 347 tỷ mua cổ phiếu quỹ

 Lợi nhuận Coteccons giảm mạnh, nhà đầu tư hoang mang 

Đáng chú ý, đây là động thái đầu tiên của Coteccons sau khi nhóm Kusto lên nắm quyền thay ông Nguyễn Bá Dương, từ nhiệm chức chủ tịch CTD vào tháng 10/2020 bởi những xung đột lợi ích trong thượng tầng Coteccons trước đó.

Phải nói thêm rằng, sau cuộc chiến nội bộ khiến những người lãnh đạo cộm cán rời đi và đại diện của nhóm cổ đông lớn thế chỗ, tình hình kinh doanh của Coteccons khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. 

Theo đó, trong năm 2020, Coteccons dự kiến doanh thu đạt 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 600 tỷ đồng, lần lượt giảm 32,6% và 15,5% so với thực hiện năm 2019.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý III/2020 của doanh nghiệp này cho thấy, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần mới đạt 10.301 tỷ đồng, giảm 37% cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế hơn 369 tỷ đồng, giảm 23%. So với kế hoạch năm, công ty đã thực hiện 64% kế hoạch doanh thu và 62% kế hoạch lợi nhuận năm.

Theo giải trình từ phía công ty, tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng do chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 từ đầu năm 2020, nhiều dự án bất động sản giãn tiến độ xây dựng, dẫn đến doanh thu giảm và lợi nhuận gộp giảm so với cùng kỳ..

Tính tới 30/9/2020, tổng tài sản của CTD đạt 14.056 tỷ đồng, giảm 2.143 tỷ đồng so với cuối năm 2019.

Xung đột hậu "thay máu" Coteccons - Ảnh 3.

Tình hình kinh doanh của Coteccons khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại

Chưa kể, tính đến cuối tháng 9/2020, số lượng nhân sự của công ty mẹ Coteccons giảm đến 26% từ con số 1.447 người (ngày 31/12/2019) xuống còn 1.075 người, tương đương giảm gần 400 nhân sự.

Đây là năm số lượng nhân sự tại công ty mẹ giảm mạnh nhất chỉ sau 9 tháng kể từ trước đến nay. Con số hợp nhất (tổng tại cái đơn vị liên quan) cũng giảm đáng kể (từ mức 2.272 người chỉ còn 1.793 người) tương đương giảm gần 500 nhân sự.

Cần nhấn mạnh, Coteccons trước đây dưới thời ông Dương được đánh giá là doanh nghiệp có chế độ phúc lợi tốt, đảm bảo giữ chân được nhân viên. Số lượng nhân viên của Tập đoàn giảm mạnh từ 2.272 người hồi đầu năm xuống còn 1.793 người.

Đây cũng đáp án giải thích cho việc giá cổ phiếu CTD giảm từ thời điểm đầu tháng 9, khi Kusto chính thức nắm quyền điều hành tại Coteccons. Điều này phản ánh lo ngại của nhà đầu tư về tương lai doanh nghiệp, nhất là khả năng tìm nguồn công việc mới của những thành viên cũng như đại diện thành viên HĐQT mới.

Không công bố giá trị hợp đồng ký mới   

Ngoài ra, Coteccons có đặc điểm là đông đảo cán bộ, sở hữu cổ phần thông qua các chương trình mua cổ phần ưu đãi, đã quen với tâm thế làm chủ. Sau khi Kusto vào nắm quyền, nhiều cán bộ đã bán toàn bộ cổ phần do lo ngại nhìn vào con số doanh thu hợp đồng ký mới gối đầu cho năm 2021 chưa có nhiều, trong khi các dự án đang thi công chuẩn bị bàn giao.

Điều này, phần nào cũng đã được thể hiện trong báo cáo của Chứng khoán Bản Việt (VCSC). VCSC cho biết, sau khi công bố giá trị hợp đồng ký mới đạt 5 nghìn tỷ, Coteccons đã không công bố con số này trong quý 2 và quý 3/2020.

Chứng khoán Bản Việt nhận định dịch Covid-19 và quá trình tái cơ cấu nội bộ đang diễn ra sẽ tạo thêm áp lực cho giá trị hợp đồng ký mới trong năm 2020, trong khi dẫn đến khả năng trì hoãn hoặc hủy các hợp động đã được tính trong lượng backlog (hợp đồng chuyển tiếp) hiện tại của CTD.

Trong ngắn hạn, VCSC không đánh giá cao khả năng của CTD dưới trướng Kusto trong việc gia tăng lượng backlog đạt mức đã ghi nhận trong giai đoạn 2015 - 2018, thời điểm mà Công ty ghi nhận giá trị hợp đồng ký mới trung bình đạt 27.000 tỷ đồng/năm.

Do đó, Chứng khoán Bản Việt điều chỉnh giảm dự phóng giá trị hợp đồng kỳ mới 2020 còn 10.000 tỷ đồng, tương ứng với mức giảm 22% và dẫn đến mức điều chỉnh giảm 10% trong doanh thu 2020 đạt 15.200 tỷ đồng (giảm 36% cùng kỳ năm trước).

Tương lai Coteccons sẽ như thế nào dưới trướng Kusto vẫn còn là điều bỏ ngỏ song cũng không thể phủ nhận vai trò Kusto trong lần phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược trước đó của Coteccons. Tuy nhiên, việc Coteccons không công bố hợp đồng mới như thường đặt ra giả thiết, phải chăng CTD dưới thời Kusto chưa ký đc hợp đồng mới đáng kể để công bố?

Xung đột hậu "thay máu" Coteccons - Ảnh 5.

Coteccons đã không công bố hợp đồng mới trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, việc ông Lý Xuân Hải, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, đại diện theo ủy quyền cho ông Talgat Turumbayev, thành viên HĐQT Coteccons (ông Talgat Turumbayev là viên của Kusto Group - PV),  sử dụng xe Công ty vào việc riêng gây xì xào trong nội bộ doanh nghiệp cho thấy, xung đột về văn hóa và quản trị công ty mà nhóm cổ đông lớn Kusto phải hóa giải là rất lớn.

Theo nhóm nghiên cứu M&A Vietnam Forum, trong các cuộc mua bán - sáp nhập (M&A), bên cạnh việc tạo ra giá trị cộng hưởng, hoạt động này cũng đem lại không ít thách thức cho doanh nghiệp hậu M&A, trong đó sự không tương thích về văn hoá doanh nghiệp, các giá trị tinh thần cũng như phương thức điều hành có thể nảy sinh xung đột, nếu không được xử lý một cách khéo léo sẽ khiến doanh nghiệp lâm vào tình thế khó khăn.

Trước đó, việc ông Lý Xuân Hải là đại diện theo uỷ quyền cho ông Talgat Turumbayev ở Coteccons được đánh giá là "bất ngờ". Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử phát triển của nhóm Kusto tại Việt Nam cho thấy mối liên hệ khá chặt giữa Kusto Group và ông Lý Xuân Hải.   

15 năm trước, Công ty cổ phần Bất động sản Bình Thiên An được thành lập với 8 cổ đông sáng lập nắm giữ 100% vốn của Bình Thiên An. Trong đó, nhóm ông Trịnh Thanh Huy và các thành viên liên quan nắm giữ gần 70% vốn; nhóm liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên (còn gọi Bầu Kiên) nắm giữ 26%. Hiện, Kusto Real Estate Capital Private Limited đang nắm giữ 49% vốn. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem