Lái xe có được quay, phát trực tiếp khi vào chốt thổi nồng độ cồn?

Quang Minh Thứ năm, ngày 07/12/2023 14:25 PM (GMT+7)
Theo luật sư, người dân, lái xe được quyền quay phim, chụp ảnh CSGT làm việc nhưng phải đảm bảo khách quan, trung thực và ngoài phạm vi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để lực lượng chiến sĩ thực thi nhiệm vụ.
Bình luận 0

Câu hỏi:

Bạn đọc Quang Dũng, quận Hoàng Mai, Hà Nội hỏi: Quá trình vào kiểm tra nồng độ cồn, lái xe có được phép chụp ảnh hoặc ghi hình lại hay không?

Trả lời:

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho hay, khi được yêu cầu vào kiểm tra nồng độ cồn, lái xe cần chấp hành, làm theo hướng dẫn của người thực thi công vụ.

Quá trình kiểm tra nồng độ cồn, nếu có vướng mắc, nghi vấn gì lái xe cần gửi kiến nghị tới cơ quan chức năng để được giải quyết. Lái xe không nên chống đối hoặc bỏ đi khi bị kiểm tra nồng độ cồn.

Theo Thông tư 69/2019/TT - BCA của Bộ Công an, người dân được quyền giám sát lực lượng CSGT khi đang làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình.

Tuy nhiên, việc giám sát phải bảo đảm các điều kiện như không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông và tuân thủ các quy định pháp luật khác.

Như vậy, theo luật sư Bình, người dân được quyền quay phim, chụp ảnh CSGT làm việc nhưng phải đảm bảo khách quan, trung thực và ngoài phạm vi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để lực lượng chiến sĩ thực thi nhiệm vụ.

Lái xe có được quay, phát trực tiếp khi vào chốt thổi nồng độ cồn? - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế trên phố Hà Nội.

Ngoài ra, theo khoản 5 Điều 11 Thông tư số 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quy định về hình thực giám sát của nhân dân thì lái xe có thể thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện như không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ;

Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đối với lái xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn có thể sẽ bị xử từ 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng theo Nghị định 100/2019/N Đ-CP.

Trường hợp lái xe dùng vũ lực đe họa hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống đối người thi hành công vụ theo Điều 330 Bộ luật hình sự 2015, với mức hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tù.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem