Hiện, giá khóm tại đồng ở xã Thạnh Lợi thương lái đang mua của nông dân với giá khoảng 8.000 đồng/kg.
Theo anh Điểm, khoảng 2 năm gần đây, giá khóm khá tốt. "Những năm trước, giá khóm rất phập phồng, rớt sâu nông dân trồng khóm rất nãn", anh Điểm chia sẻ.
Việc giá khóm tăng cao trong 2 năm qua, anh Điểm cho rằng, là do diện tích những vùng trồng khóm chủ lực của ĐBSCL, như: Cầu Đúc (Kiên Giang), Tân Phước (Tiền Giang)… bị xâm nhập mặn hay chuyển đổi sang cây trồng khác.
Hiện, anh Điểm trồng 38ha khóm. Trong đó, anh thuê 35ha đất với giá 10 triệu đồng/ha/năm.
Mỗi ha khóm, nông dân đầu tư khoảng 140 triệu đồng, gồm: Tiền thuê đất, giống, công, phân….
Để quán xuyến nông trại khóm này, mỗi ngày anh Điểm phải thuê khoảng chục công làm. Mỗi công chính được trả 240.000 đồng/ngày.
"Họ chỉ làm 5g/ngày với công việc, như: Làm cỏ, xử lý cho khóm ra trái, xịt thuốc…", anh cho biết.
Theo anh Điểm, để khóm có năng suất, giá cao… cần phải chọn giống tốt, xử lý cho ra trái khi cây đạt yêu cầu…
"Mặc dù cây khóm trồng một lần là ăn suốt 3-5 năm mới trồng lại. Nhưng chỉ đợt ăn đầu tiên mới có tỷ lệ trái loại 1 cao, gía tốt. Sau đó, những vụ ăn sau trái loại 1 ít dần, tỷ lệ trái loại 2, 3 nhiều hơn, tất nhiên giá các loại trái này chỉ bằng ½ giá loại 1", anh Điểm chia sẻ.
Hiện, theo anh Điểm, tỷ lệ trái loại 1 của anh đạt đến hơn 90%. Năng suất bình quân khoảng 45 tấn/ha.
Mỗi năm, nông dân trồng khóm thu hoạch 6, 7 đợt trái. Cứ 20 ngày, nông dân cho "đổ đá" (quy trình xử lý ra trái)/lần.
Sau thu hoạch, nông dân lại bổ sung phân, thuốc cho khóm, đồng nghĩa với việc chi phí đầu tư cũng khá cao. Trung bình, nông dân mất khoảng 50% chi phí torng doanh thu.
"Trồng khóm tuy khá cực, nhưng lợi nhuận cao gấp 3 lần cây lúa. Mỗi năm 1ha có thể lời khoảng 100 triệu đồng", anh Điểm chia sẻ.
Anh Điểm cho biết, đang có kế hoạch trồng 38ha khóm hiện nay theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng giá trị cho trái khóm, cũng như phát triển nghề trồng khóm bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.