Mua cặp để làm gì?

Chiến Văn Chủ nhật, ngày 30/08/2020 15:12 PM (GMT+7)
Tỉnh ủy Quảng Bình đã hủy bỏ quyết định về gói thầu mua cặp tài liệu trị giá hơn 2,2 tỉ đồng tặng cho đại biểu, khách mời đến dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Một sự điều chỉnh kịp thời, nhưng giá như việc mua quà tặng đó được cân nhắc kỹ hơn thì đã không để xảy ra những ồn ào không đáng có.
Bình luận 0

 Gần giống với trường hợp thay đổi quyết định bổ nhiệm nhân sự tại Bắc Ninh, thông tin của Tỉnh ủy Quảng Bình dừng mua cặp lần này đã nhận được sự ủng hộ, hoan nghênh của đông đảo dư luận. Những ý kiến, góp ý thẳng thắn trên báo chí và mạng xã hội đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Bình ghi nhận, tiếp thu, điều chỉnh kịp thời.

Suy ngẫm một chút, nếu chuyện này xảy ra ở một nơi khác, ngoài cơ quan sử dụng ngân sách Nhà nước, thì việc chi hơn 3,6 triệu để mua quà tặng cho mỗi đại biểu dự một đại hội quan trọng sẽ chẳng khiến dư luận quan tâm nhiều. Không biết cụ thể loại cặp mà Tỉnh ủy Quảng Bình định mua tặng là loại cặp gì, chất lượng ra sao, nhưng mức giá kia để mua một chiếc cặp da thật thì cũng không xa thực tế. Vấn đề ở chỗ, bỏ ra tổng số tiền lên tới trên 2,2 tỉ đồng, ở một tỉnh nghèo như Quảng Bình, chi cho một món quà như vậy, liệu có đúng, có cần thiết?

Cách đây chưa lâu, mới chỉ ngày 26/5, trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình, có tin Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền cho tỉnh Quảng Bình 855,99 tấn gạo để hỗ trợ nhân dân địa phương thời gian giáp hạt. Như vậy, có thể thấy, Quảng Bình vẫn còn là một tỉnh nghèo, người thiếu ăn, cần phải hỗ trợ vào thời gian giáp hạt vẫn còn nhiều.

Với lẽ đó, dù là kỳ đại hội Đảng bộ của tỉnh, 5 năm mới có một lần thật đấy, nhưng việc chi tận 2,2 tỉ đồng để mua cặp tài liệu tặng đại biểu dự hội nghị và khách mời là một điều rất lãng phí, đáng để suy nghĩ.

Thử hỏi, những vị cán bộ địa phương, những người đảng viên ưu tú đi dự đại hội, họ có vui không nếu cầm trên tay chiếc cặp có giá trị mà quy ra thóc, gạo có thể sẽ giúp một hộ gia đình được ăn no cả năm trời? Những vị cán bộ, đảng viên ấy sẽ như thế nào nếu tay xách những chiếc cặp có giá trị bằng mấy tạ gạo ấy đi cơ sở, tiếp xúc, tìm hiểu thực tế đời sống của bà con, nơi vẫn còn những hộ còn đang ngày đêm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" để kiếm miếng ăn từng bữa? Đó chỉ có thể là sự phản cảm, đối nghịch đến mức khó chấp nhận, khiến khoảng cách giữa cán bộ với người dân, nhất là nông dân nghèo ngày càng xa hơn mà thôi!

Mua cặp để làm gì - Ảnh 2.

Bảng dự toán chi phí tặng cặp đựng tài liệu cho 200 khách mời. Ảnh: Dân Việt.

Về chuyện quà tặng của địa phương, cách đây không lâu, dư luận cũng ồn ào khi thành phố Hải Phòng có kế hoạch tặng mỗi gia đình trên địa bàn một bộ ấm chén và một lá cờ Tổ quốc, với tổng kinh phí dự kiến vào khoảng 269 tỉ đồng nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng thành phố. Trước phản ứng trái chiều của dư luận, dù là địa phương khá "mạnh", song, lãnh đạo thành phố đã quyết định dừng triển khai hoạt động này vì nhận thấy nó gây tốn kém, lãng phí không cần thiết, nhất là khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khiến địa phương có nhiều nội dung cần phải sử dụng ngân sách tại chỗ. 

Nói như vậy để thấy, xung quanh vấn đề mua quà tặng trong các dịp lễ, kỷ niệm để tặng đại biểu hay người dân, ở một số ngành, địa phương, vẫn có những điều bất cập. Như ở Hải Phòng, nhiều người dân không hào hứng, phản ứng vì họ thấy bộ ấm chén mà địa phương tặng không thiết thực đối với gia đình. Không phải nhà nào cũng đang thiếu và thích thú với món quà được cấp "đồng loạt" ấy, nhất là khi nhu cầu, gu thẩm mỹ, điều kiện sinh hoạt của mỗi hộ gia đình trong thành phố khác nhau. Với không ít người, có khi nhận quà về còn gây phiền toái!

Còn trường hợp "đồng phục" cặp đựng tài liệu như kế hoạch ban đầu của Tỉnh ủy Quảng Bình, có những đại biểu mỗi năm dự biết bao hội nghị, cuộc họp, chỗ nào cũng tặng quà là chiếc cặp, thử hỏi dùng sao cho hết? Nhiều người than cặp đi họp, đi đại hội về chất đống trong nhà, cho tặng cũng chẳng xong vì những chiếc cặp ấy thường in những thông tin kỷ niệm in nổi bật trên đó, hoặc kiểu dáng nặng nề không phù hợp, khiến người xách nó không thoải mái.

Nhân đây cũng nói rộng hơn, có rất nhiều món quà tặng hội nghị mà đại biểu đến dự được tặng mà về không biết làm gì với nó: Những kỷ niệm chương, những phù điêu của ngành – vốn chỉ có ý nghĩa với người trong cuộc; những chiếc cặp xách phô trương, những chiếc đồng hồ treo tường to tướng một cách thô bạo… Dường như là một "phong tục" để giải ngân hơn là gửi đi thông điệp văn hóa, trân trọng lẫn nhau, trân trọng  chính mình. 

Tặng quà hội nghị, xin hãy nghĩ về sự phù hợp. Món quà mang đến ý nghĩa gì, hay chỉ là những cái chép miệng thở dài hay sự bức xúc của không ít người còn đang phải lo kiếm cái ăn từng ngày, đôi lúc phải trông chờ vào sự hỗ trợ mới có được bữa ăn no?!?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem