Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 đặc biệt: bác sĩ F0 chạy đua cứu bệnh nhân Covid-19 nguy kịch
Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 đặc biệt: Bác sĩ F0 tình nguyện xin đi làm, chạy đua cứu bệnh nhân Covid-19 nguy kịch
Gia Khiêm
Thứ bảy, ngày 26/02/2022 13:08 PM (GMT+7)
Mặc dù đang là F0 nhưng nhiều y bác sĩ tại Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 – nơi nóng nhất khi có gần 200 ca nặng, nguy kịch không ngơi nghỉ, tình nguyện tiếp tục cùng đồng nghiệp giành sự sống cho người bệnh.
Một ngày cận 27/2 - ngày cả nước tri ân các Thầy thuốc Việt Nam, chiếc xe cứu thương chở bệnh nhân Covid-19 nặng từ các nơi vẫn liên tục dừng trước sảnh Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội (quận Hoàng Mai).
Đây là bệnh viện tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh Covid-19 tại khu vực Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc (bao gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn) hiện đang điều trị cho gần 200 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Những ngày gần đây khi số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội có dấu hiệu tăng mạnh số bệnh nhân nặng Covid-19 cũng tăng theo.
Nhận được tin báo một bệnh nhân nam cao tuổi được chuyển từ Bệnh viện Lão khoa Trung ương trong tình trạng suy hô hấp trên nền Covid-19 nặng nhiều nhân viên y tế vội vã ra xe cứu thương đưa bệnh nhân vào phòng hồi sức R14 cấp cứu.
Bác sĩ Phạm Hữu Đạt (công tác tại Khoa tim mạch, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn được điều động đến hỗ trợ Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19) cùng nhân viên y tế đặt ống nội khí quản, mở khí quản cho bệnh nhân Covid-19 là thủ thuật có nguy cơ lây nhiễm cao. Bởi trong quá trình phẫu thuật phải mở đường thở của bệnh nhân, tất cả khí ở phổi mang theo virus sẽ tràn ra ngoài không khí. Chính vì vậy các y bác sĩ luôn phải khoác đồ bảo hộ đảm bảo an toàn.
“Bệnh nhân bị khá nặng, đờm trong cuống họng tồn đọng rất nhiều phải tiến hành hút ra ngay”, bác sĩ Đạt nói.
Bên ngoài phòng trực ban chỉ huy liên tục trao đổi qua bộ đàm các bước điều trị, chỉ số SPO2 (nồng độ Oxy trong máu) cho các bệnh nhân… những tiếng kêu "tít tít" của máy móc trang thiết bị vang vọng cả ngày lẫn đêm tại nơi “nóng nhất” của bệnh viện này.
Tại phòng theo dõi trung tâm sẽ kiểm soát được toàn bộ bệnh nhân đang được hồi sức tại đây. Những trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch sẽ luôn được cập nhật trên màn hình để nhân viên y tế theo dõi sát sao 24/24h. Với những nhân viên y tế nơi đây ngày 27/2 năm nay thật đặc biệt. Họ không còn nghĩ tới những bó hoa, món quà mà tất thảy đều dồn lực vì những bệnh nhân của mình.
Phòng điều khiển trung tâm được ngăn cách bởi kính chắn đảm bảo an toàn. Bên trong nhân viên y tế làm nhiệm vụ chăm sóc, cấp cứu bệnh nhân. Tại phòng trung tâm sẽ trực chỉ huy qua bộ đàm. Bác sĩ phòng trực chỉ huy đang quan sát rất kỹ tình trạng của bệnh nhân.
Cách đó vài giường bệnh, một bệnh nhân nam cũng mới được đưa vào Khoa hồi sức trong tình trạng diễn biến nặng. Bệnh nhân khó thở. Bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản. Tuy nhiên, bệnh nhân tỏ vẻ không hợp tác liên tục đòi vực dậy.
“Anh chịu khó thả lỏng, hợp tác, nuốt mạnh nào… nếu không sẽ phải đặt lại ống đau hơn đấy, cố gắng nhé”, bác sĩ nắm chặt tay bệnh nhân khuyên. Tuy nhiên, các bác sĩ phải rất vất vả mới tiến hành các bước cấp cứu cho bệnh nhân.
Mặc dù đang là F0 có lúc sốt cao, đau mỏi người nhưng bác sĩ Lâm Thị Trang vẫn không cho phép mình một ngày ngơi nghỉ. Có lẽ đây là ngày 27/2 đáng nhớ và đặc biệt nhất của chị. Theo chị Trang, hiện tại dịch Covid-19 đang ở giai đoạn gần như đỉnh điểm, nhân viên y tế trở thành F0 rất nhiều. "Nếu chúng tôi mà nghỉ thì gần như không còn ai. Do vậy những ai F0 nhưng triệu chứng nhẹ mọi người vẫn đi làm. Mình cố gắng hết sức, dồn 200-300% sức lực vì bệnh nhân. Nhìn khối lượng công việc như vậy nếu mình nghỉ ngơi thì đồng nghiệp sẽ vất vả, gánh thêm phần việc của mình. Như vậy tôi cũng không thể chỉ nghĩ cho riêng mình mà còn vì đồng nghiệp, vì người bệnh nữa”, chị Trang chia sẻ.
Cũng như chị Trang, điều dưỡng Đỗ Tân Minh cũng đang là F0 tham gia điều trị tại Khoa hồi sức cấp cứu. Theo anh Minh trong người vẫn mệt do mắc bệnh nhưng anh cùng đồng nghiệp cố gắng vì người bệnh. Anh Minh đứng bên chăm sóc cho bệnh nhân vừa thoát khỏi "lưỡi hái tử thần" hồi phục sau hơn 1 tuần đặt nội khí quản.
Mọi công việc của nhân viên y tế tại đây gồm chăm sóc, thay băng, hỗ trợ bệnh nhân ăn uống, vệ sinh cá nhân, đánh răng,… cho bệnh nhân. Công việc vất vả nhưng ai nấy đều quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất. Các y bác sĩ hỗ trợ nhau, hồi sức tích cực cho bệnh nhân. Hàng ngày các y bác sĩ chia làm 2 ca trực từ 7h sáng đến 18h chiều, ca 2 từ 18h đến 6h sáng hôm sau.
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội cho biết, hiện có 250 nhân viên y tế đang ngày đêm tham gia điều trị cho gần 200 bệnh nhân nặng, nguy kịch.
“Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam chúng tôi cảm ơn và chia sẻ với các đồng nghiệp rất vất vả, bận rộn. Nhiều người cũng đã hy sinh tình cảm riêng để tham gia công việc, chăm sóc các bệnh nhân F0 trong suốt gần 3 năm qua. Mặc dù là F0 nhưng nhiều nhân viên y tế vẫn tình tham gia để điều trị cho F0 khác. Đây là sự hy sinh rất lớn và vô cùng xúc động”, ông Hải chia sẻ.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.