Làm đầu Lân ở miền quê ngoại thành Hà Nội lưu giữ ánh trăng rằm mỗi dịp tết Trung thu
Múa lân rằm Trung thu trong ký ức
Có bao giờ, những người đã làm cha, làm mẹ, những người đã trường thành trong chúng ta, những lúc trăng tròn tháng 8 lên cao, khi đôi mắt trông thấy trăng rằm, sẽ lặng yên nhớ về ngày xưa, nhớ về những ngày chúng ta còn bé dại, nhớ về những chú Lân nhảy múa dưới ánh trăng, nhớ về một tuổi thơ rất xưa, một tuổi thơ rất khác so với tuổi thơ của hôm nay.
Với ký ức của nhiều người lớn, mỗi mùa trăng rằm được cùng bố, cùng ông làm một chiếc đầu lân để chơi hội trăng rằm, thật khó nhạt phai.
Chiếc đầu Lân tuy giản đơn bằng tre, bằng giấy báo, bằng những gam màu có sẵn, nhưng trong ánh mắt thời thơ ấu, những hình ảnh đó thực sự là những sắc màu đẹp nhất, rực rỡ nhất và ấn tượng nhất.
Đêm rằm trung thu, trong tiếng trống thùng thình, thùng, thình, trong ánh sáng lấp lánh của những chiếc đèn ông sao là những chiếc đầu lân múa lượn, sống động và vui tươi.
Đầu Lân bây giờ thật dễ tìm kiếm, nếu ở phố thì có thể đến những con phố bán đồ chơi như Hàng Mã. Ở đó sẽ có đủ loại đầu Lân, phong phú về kích cỡ, rực rỡ về màu sắc, tất cả được phân loại rõ rệt, dành cho trẻ nhỏ, dành cho người lớn và dành cho cả những người múa lân chuyên nghiệp.
Trong những dãy dài hàng quán bán đầu lân đó, thật khó tìm ra được những chiếc đầu lân mang hồn việt, vì đơn giản đa số đầu lân đều là đồ nhập khẩu, sản xuất hàng loạt. Chúng na ná giống nhau và hình ảnh con Lân, một trong tứ linh của người Việt, thật khác lạ.
Người làm nghề đầu Lân ở Hà Nội
Tưởng chừng với từng đó sự đổi thay và cạnh tranh, nghề làm đầu Lân đã lui về quá khứ hoặc ẩn sâu đâu đó ở những làng quê xa. Thế nhưng tại một con ngõ nhỏ của phường Nam Từ Liêm, một vùng đất nằm ven Hà Nội, xưởng làm đầu lân và người chế tác đầu Lân vẫn còn đó.
Ông Phạm Thanh Nguyện đến với nghề làm đầu Lân rất tình cờ, theo lời ông kể trước khi xưởng đầu làm đầu Lân ra đời, kỹ năng chế tác đầu Lân của ông chủ yếu đến từ quá trình làm đầu Lân phục vụ các lễ hội, vui chơi trung thu của các cháu nhỏ tại quê nhà Nam Định.
Sau này khi con trai ông ra Hà Nội học tập, tham gia các câu lạc bộ múa Lân, đứng trước nhu cầu về đầu Lân thuần việt phục vụ múa Lân. Ông Nguyện và con trai đã bắt tay vào việc khôi phục và chế tác các đầu lân truyền thống.
Theo ông Nguyện, đầu Lân và con Lân trong văn hóa Việt cho dù có sự tương đồng về hình tượng linh vật thiêng liêng như một số nước đông á và đông nam á khác, nhưng con Lân và đầu Lân của người Việt có sự khác biệt trong cái chung đó.
Vẫn bố cục có sừng tựa như sừng tê giác, đôi mắt to tròn, đôi tai lớn và bờm giống sư tử, nhưng con Lân của người Việt, nhất là hình tượng đầu Lân trong múa Lân rất ôn hòa, tươi vui.
Đặc biệt nhất trong tạo tác là khuôn miệng và hàm răng, khuôn miệng đầu Lân rất rộng kéo dài đến tận mang tai, hàm răng của đầu lân được vẽ mô phỏng răng người để tạo ra nụ cười hiền lành, vui vẻ. Đây là điều ông Nguyện thấy khác biệt nhất và ấn tượng nhất trong tạo hình đầu Lân của Việt Nam, xuất phát từ tính cách hiền hòa, yêu chuộng bình yên của người Việt.
Làm đầu lân trong múa Lân theo lối cổ, công đoạn đầu tiên và khó nhất là tạo khung. Khung là phần cốt lõi của đầu Lân, phải đảm bảo 2 yếu tố tiên quyết, nhẹ và chắc chắn, bên cạnh đó quá trình lên khung cũng là quá trình định hình về hình dáng của đầu lân.
Đây cũng là lý do vì sao từ xa xưa, nhất là đồng bắc bộ, khung đầu lân thường được chế tác bằng tre, cật tre già được vót mỏng, phơi khô, cây tre cũng là loài cây đặc trưng và rất phổ biến tại các làng quê Việt Nam đáp ứng yếu tố dễ tìm về nguyện liệu.
Người làm khung vừa phải khéo tay, vừa có kỹ năng tốt để uốn nắn các thanh tre, không có khuôn như hình thức tạo đầu lân bằng đắp giầy bồi trức tiếp vào khuôn đúc. Quả thật người tạo hình khuông tre đầu lân là những người có kỹ năng cao nhất trong việc làm đầu Lân
Chế tác khung sườn bằng tre của đầu lân, công đoạn đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, sự tỉ mỉ và cảm quan hình học của người làm đầu lân
Công đoạn tiếp theo của làm đầu lân là đắp giầy bồi, đây là công đoạn không cần quá nhiều kỹ năng, chủ yếu là nắm bắt được các quy tắc của việc phết hồ, đắp giấy, ngày nay giầy bồi được thay thế bằng giấy báo còn hồ phết thì vẫn là gạo xay nhuyễn được nấu lên.
Như lúc xưa việc phết hồ đắp giấy là việc của người phụ việc dưới sự giám sát của thợ chính, điều chú ý nhất ở đây là đắp giấy không được quá giày, phải bám sát và các đường nét của khung mà người làm khung đã định hình sẵn
Sau khi đầu lân đã khô giấy bồi sẽ đến công đoạn quan trọng nhất là vẽ họa tiết trang trí và gắn các phụ kiện như lông my, mắt, râu. Vẽ họa tiết là công đoạn rất khó, rất tỉ mẩn và đòi hỏi kỹ năng của một họa sỹ thực thụ.
Người vẽ họa tiết sẽ được ông Nguyện lựa chọn kỹ từ những người làm việc cùng ông, họa tiết của sừng Lân, má Lân, hay khuôn miệng đều phải tuân theo những bố cục rất khắt khe. Nếu có sự sai lệch hoặc không hài hòa, đầu Lân sẽ không đạt tiêu chuẩn. Trước đây ông Nguyện là người trực tiếp thực hiện công đoạn cần nhiều thời gian và công sức này.
Tô màu cho đầu Lân, người làm đâu lân thường được ví như một họa sĩ. Kiến thức về pha màu, phối màu cũng như năm bắt các quy tắc sử dụng hoa văn truyền thống là những điều không thể thiếu với người thợ làm đầu Lân
Để hoàn thành một đầu Lân thường mất từ 3 đến 6 tuần tùy vào kích cỡ và yêu cầu số lượng đồ trang trí. Phức tạp và tốn thời gian là vậy, nhưng sản phẩm từ xưởng làm đầu Lân không phải là để kinh doanh.
Các đầu lân chủ yếu phục vụ công việc múa Lân của Đoàn Lân Sư Rồng Hoàng Anh Đường con trai ông Nguyện, anh Phạm Văn Hùng.
Thỉnh thoảng mới có một vài nhà sưu tầm, đoàn lân sư rồng hoặc các tổ chức triển lãm tìm đến, giá bán ông Nguyện không tiết lộ nhưng theo tiêu chí đam mê văn hóa truyền thống dân tộc mà ông theo đuổi, có lẽ mọi thứ chỉ dừng lại ở mức độ kỷ niệm, chung nhau một đam mê, một nỗi niềm gìn giữ nét văn hóa của cha ông đã để lại.
Niềm tin về tương lai
Suốt một thời gian dài, xưởng làm đầu Lân của ông Nguyện chỉ có 2 người là ông và con trai, kinh nghiệm của cha và niềm đam mê của con. Nhiều lúc ông tưởng chừng như sau này, khi đôi tay không còn vót tre, tô màu, hay tạo khuôn được nữa.
Xưởng có lẽ phải đóng cửa, giấy bồi, mực màu hoặc nan tre sẽ phải xếp vào đâu đó, anh Hùng con trai ông sẽ phải tìm đến những con phố bán đầu lân để tiếp tục đam mê nghề múa Lân Sư Rồng của mình. Nhưng rồi niềm vui đã tới khi xưởng nhỏ tiếp đón những người trẻ, những người đam mê với nghề làm đầu Lân, một nghề tưởng chừng như lạc hậu và không bắt kịp nổi với xã hội hiện đại của bây giờ.
Các em đến từ nhiều nơi, có người đang đi học là sinh viên, có người đã đi làm, nhưng đều chung nhau yêu thích việc làm đầu Lân.
Ông Nguyện đã rất vui với những mái đầu xanh xung quanh ông. Không biết từ bao giờ ông trở thành người thầy, người hướng dẫn các em, em nào khéo tay đan thì làm khung, trang trí phụ kiện hoặc đắp giấy bối, em nào có năng khiếu vẽ và cảm thụ màu sắc tốt thì vẽ họa tiết.
"Làm đầu Lân lúc đầu rất là khó, với kích thước này các chi tiết phải chuẩn xác, không thể xê dịch được, có những lần làm đi làm lại mãi vẫn không được, rất nản. Khi làm xong hoàn thành một đầu lân, cảm thấy rất là vui, ưng ý với sản phẩm mình làm ra, trân trọng nó hơn những sản phẩm trước kia chưa biết làm, mình phải đi mua". Anh Đỗ Hồng Sơn, học viên xường làm đầu Lân chia sẻ.
Các em sẽ tiếp nối, vun đắp và đưa một nét văn hóa lâu đời viết tiếp lịch sử, để mai sau luôn tự hào về bản sắc của một dân tộc luôn kiên cường đứng vững bên bờ biển đông. Để cho những đêm trăng răm, chiếc đầu Lân của nước Việt Nam ta vẫn được lắc lư theo tiếng trống thùng thình, đem tiếng cười, đem niềm vui, đem thêm nhiều ký ức cho thật nhiều những tuổi thơ.
Mỗi ngày qua đi, những chiếc đầu Lân lại được tạo tác thành hình thành khối, tuy vô tri mà vẫn mang một nụ cười rạng rỡ như niềm vui của ông Phạm Thanh Nguyện khi nhìn vào nghề truyền thống của cha ông. Với tấm lòng của người đi trước, với đam mê của người đi sau, nghề làm đầu Lân sẽ mãi mãi bền vững như nền văn hóa 4000 năm của đất nước Việt Nam, không một điều gì, không một sự đổi thay nào có thể làm phai nhạt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.