Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng thêm chế độ này

Thùy Anh Thứ ba, ngày 07/03/2023 10:18 AM (GMT+7)
Đây là chế độ mới trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi liên quan tới lao động đóng BHXH tự nguyện đang được Bộ LĐTBXH lấy ý kiến, thảo luận trong thời gian tới.
Bình luận 0

Phấn đấu nâng tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện lên khoảng 5%

Theo Bộ LĐTBXH, cả nước hiện có hơn 17 triệu lao động đang tham gia BHXH (chiếm hơn 32% tổng số lao động trong cả nước), trong đó có hơn 1,3 triệu tham gia BHXH tự nguyện (chiếm 2% tổng số lao động). 

Trong khi số lượng người tham gia vẫn còn khiêm tốn, thì số dừng đóng rút BHXH 1 lần có chiều hướng tăng. Vì vậy, để thu hút và mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH), Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đề xuất bổ sung chế độ thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện.

Theo đánh giá, hệ thống BHXH tại Việt Nam bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. BHXH bắt buộc được áp dụng đối với người lao động (NLĐ) khu vực có quan hệ lao động và BHXH tự nguyện được áp dụng đối với khu vực không có quan hệ lao động. 

Tuy nhiên, BHXH bắt buộc hiện chưa điều chỉnh đối với một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng tham gia như: Chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương, NLĐ làm việc theo chế độ linh hoạt- trong khi thu nhập của nhóm này khá cao và ổn định.

BHXH tự nguyện

Tư vấn cho lao động tham gia BHXH tự nguyện tại Thanh Hóa. Ảnh: N.T

Bên cạnh đó, BHXH bắt buộc cung cấp các chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau và thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và thất nghiệp. Thế nhưng, BHXH tự nguyện chỉ cung cấp các chế độ hưu trí và tử tuất, khiến cho chính sách này kém hấp dẫn không thu hút được nhiều người tham gia.

Để mở rộng diện bao phủ BHXH bắt buộc và đẩy nhanh số người tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức, Nghị quyết số 28/NQ-TW đã định hướng và xác định mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Để cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 28/NQ-TW, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất bổ sung quy định chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ NLĐ có việc làm, có thu nhập và tiền lương.

Trong đó, bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với đối tượng có điều kiện và khả năng như: Người hưởng chế độ phu quân và phu nhân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; chủ hộ kinh doanh; người quản lý DN, người quản lý HTX không hưởng tiền lương; NLĐ làm việc không trọn thời gian.

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi quy định, lao động tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức đóng BHXH linh hoạt. Mức thấp nhất là 1,5 triệu đồng, mức cao nhất là 36 triệu đồng (bằng mức cao nhất khi đóng BHXH bắt buộc). Thời gian đóng, cũng được quy định linh hoạt. Lao động có thể đóng hàng tháng, đóng hàng quý, đóng 6 tháng 1 lần hoặc đóng 1 năm 1 lần.

Đồng thời, Dự thảo cũng đề xuất bổ sung quyền lợi hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, bổ sung trợ cấp thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện.

Mở rộng thêm chế độ thai sản cho người đóng BHXH tự nguyện 

Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng 3 chế độ là lương hưu, thai sản và tử tuất. Dự thảo cũng quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản là NLĐ phải đóng BHXH tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Mức hưởng thai sản là 2 triệu đồng cho một con mới sinh, nguồn chi do ngân sách nhà nước bảo đảm.

BHXH tự nguyện

Lao động tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng chế độ thai sản, mức hưởng 2 triệu đồng/1 người. Ảnh: NN

Mặc dù có sự điều chỉnh trong chế độ hưởng, nhưng phần điều chỉnh về quyền lợi này được cho là vẫn khá thấp so với các chế độ mà lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng. Bên cạnh đó, chế độ tai nạn lao động dù được người lao động rất mong chờ nhưng khi xây dựng dự thảo vẫn bị loại bỏ.

Ví dụ, mức hưởng thai sản của lao động tham gia BHXH bắt buộc bằng 100% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp lao động chưa đóng đủ BHXH 6 tháng thì mức hưởng là bình quân mức tiền lương các tháng đã đóng BHXH.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem