Nhật Bản, Hàn Quốc lên cơn sốt với thứ viên nén có nhiệt lượng cao lại rẻ hơn dầu, Việt Nam thắng lớn

K.Nguyên Thứ năm, ngày 27/10/2022 12:33 PM (GMT+7)
Nhu cầu viên nén tăng cao từ Nhật Bản, Hàn Quốc đã đưa Việt Nam vươn lên trở thành thị trường cung cấp viên nén lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Bình luận 0

Việt Nam vươn lên là thị trường cung cấp viên nén lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ

Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ 2 trên thế giới, sau Mỹ. Viên nén đã trở thành một trong những mặt xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ. 

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2021 lượng viên nén xuất khẩu từ Việt Nam đạt 3,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 413 triệu USD. 

Năm 2022 lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Trong 6 tháng đầu 2022 lượng xuất khẩu đạt gần 2,4 triệu tấn với kim ngạch 354 triệu USD. 

Nếu tốc độ tăng trưởng được duy trì như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu trong cả năm 2022 có thể đạt trên dưới 700 triệu USD. Trong tương lai, viên nén có tiềm năng sẽ lọt vào nhóm các mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Hiện, trên 90% viên nén của Việt Nam được Nhật Bản, Hàn Quốc mua hết.

Theo các doanh nghiệp ngành gỗ, nhu cầu nhập khẩu viên nén phục vụ làm chất đốt cho mùa đông này đang tăng rất nhanh tại nước xứ lạnh như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá các mặt hàng năng lượng lên mức cao chưa từng có trong lịch sử. Trong bối cảnh này, sản phẩm viên nén gỗ được chú ý và nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của EU có thể tăng vào khi mùa đông sắp tới. 

Nhật Bản, Hàn Quốc lên cơn sốt với thứ viên nén có nhiệt lượng cao lại rẻ hơn dầu, Việt Nam thắng lớn - Ảnh 1.

Nhu cầu viên nén tăng cao từ Nhật Bản, Hàn Quốc đã đưa Việt Nam vươn lên trở thành thị trường cung cấp viên nén lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Trong ảnh: Dây chuyền chế biến viên nén của Công ty CP Lam An. Ảnh: Lam An.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, EU là thị trường tiêu thụ viên nén gỗ lớn nhất thế giới, chiếm 75% nhu cầu viên gỗ toàn cầu, đạt 23,1 triệu tấn vào năm 2021. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 24,3 triệu tấn năm nay.

Nhu cầu tăng cao trên toàn cầu đã giúp xuất khẩu viên nén gỗ của Mỹ, thị trường cung cấp lớn nhất thế giới lập kỷ lục năm 2021 với 7,4 triệu tấn. Giá viên nén gỗ xuất khẩu trung bình của Mỹ trước bảo hiểm và chi phí vận chuyển đã tăng lên gần 170 USD/tấn, từ mức 140 USD năm ngoái.

Tương tự, giá viên nén gỗ của Việt Nam cũng đang tăng mạnh. Theo đó, giá viên nén, dăm gỗ đã tăng 150 - 200%, bù đắp cho sự sụt giảm của xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Xuất khẩu viên nén gỗ đang thuận lợi chưa từng có

Đại diện một doanh nghiệp chế biến gỗ lớn ở Đồng Nai cho biết, xuất khẩu viên nén gỗ đang thuận lợi chưa từng có do xung đột Nga – Ukraina vẫn căng thẳng, châu Âu (EU) đang bước vào mùa đông cần chất đốt để sưởi, bên cạnh đó, nhu cầu của thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản - nơi chiếm hơn 90% lượng xuất khẩu truyền thống mặt hàng viên nén gỗ của Việt Nam cũng tăng.

Theo phân tích của Forest Trends, một trong những ưu điểm lớn nhất của viên nén gỗ đó là nhiệt lượng phát ra cao. Một tấn viên nén gỗ có thể có nhiệt lượng tương đương 454,25 lít dầu nhưng giá rẻ hơn tới 42%; tương đương với 4.755kWh điện, giá rẻ hơn 38% so với điện năng; đắt hơn 24% so với sử dụng gas để sưởi ấm nhưng an toàn cho sức khỏe người sử dụng. 

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã có đề xuất về thuế xuất khẩu viên gỗ nén, viên than gỗ tại văn bản góp ý cho dự thảo lần hai Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và quyết định của Thủ tướng về áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hoá nhập khẩu. 

Theo VCCI, mặt hàng viên than gỗ, hiện có thuế suất xuất khẩu 10% được sản xuất từ mặt hàng viên gỗ nén có thuế suất xuất khẩu 0%.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, mặt hàng viên gỗ nén được sản xuất bằng cách nén chặt dăm gỗ, vỏ bào, mùn cưa, phế liệu gỗ… Trong khi đó, thuế suất xuất khẩu của mặt hàng dăm gỗ hiện nay là 2% và vỏ bào là 0%. 

Nếu áp dụng thuế suất xuất khẩu 5% hoặc 10% cho mặt hàng viên nén gỗ thì thuế suất xuất khẩu của thành phẩm cao hơn thuế suất xuất khẩu của nguyên liệu sẽ gây tác động bất lợi cho sản xuất trong nước. 

Với các lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính cân nhắc phương án điều chỉnh thuế suất xuất khẩu đối với viên gỗ nén và viên than gỗ về mức 2% hoặc 0%.

Viên nén gỗ được coi là một dạng năng lượng tái tạo trung tính carbon. Viên nén gỗ cũng được sử dụng quy mô lớn trong công nghiệp để tăng cường giá trị nhiệt của chất thải và làm giảm lượng phát thải ô nhiễm.

Đối với sinh hoạt, người dân châu Âu có thể sử dụng viên nén gỗ trong các lò sưởi nhỏ và hệ thống cung cấp nước nóng để thay thế cho lò sưởi bằng điện hay khí đốt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem