Những hình ảnh khó quên về cửa hàng cắt tóc mậu dịch cuối cùng của Hà Nội
Những hình ảnh khó quên về cửa hàng cắt tóc mậu dịch cuối cùng của Hà Nội
Thứ năm, ngày 11/03/2021 09:53 AM (GMT+7)
Vậy là cửa hàng cắt tóc mậu dịch cuối cùng của Hà Nội ở số 6 Tràng Thi đã thực sự đóng cửa, trong sự tiếc nuối của nhiều người dân Hà Thành. Đối với thế hệ 6X, 7X..., những cửa hàng cắt tóc như thế này là một phần không thể quên về một Hà Nội xưa cũ, thời "ông bà ta".
Những hình ảnh khó quên về cửa hàng cắt tóc mậu dịch cuối cùng của Hà Nội Thế hệ 9X, 0X bây giờ ít ai có thể biết được ngay giữa Thủ đô Hà Nội có một tiệm cắt tóc mang tên Mậu Dịch. Sở dĩ có cái tên này là bởi tiệm cắt tóc này được mở từ thời kỳ bao cấp (1957).
Sau gần 65 năm hoạt động, cửa hàng cắt tóc thời "ông bà ta" đã chính thức đóng cửa những ngày gần đây.
Cửa hàng cắt tóc này lưu giữ rất nhiều kỷ niệm, những ký ức về một Hà Nội xưa cũ của những người thuộc thế hệ 6X, 7X, 8X... "40 năm trước, mình được ông ngoại dẫn đi cắt tóc là hí hửng thôi rồi, vì hôm đấy sẽ được lượn xe điện qua Bờ Hồ. Cắt tóc xong sẽ được ăn kem Hòa Bình đầu Hàng Bông... Hôm nay đi qua, thấy cửa hàng đã đóng cửa hẳn, thấy bâng khuâng quá..."
Trước kia, tại tiệm cắt tóc trên phố Tràng Thi này, khách đến phải xếp hàng và phải có tem phiếu.
Khách hàng trung thành từ bao nhiêu năm nay thường phong cho những người phụ nữ ở đây là “các nàng đệ nhất kéo” mặc áo blouse trắng.
"Chả biết có phải các chú các bác thích cắt tóc đẹp hay thích ngắm gái xinh mà cửa hàng lúc nào cũng đông kín. Ai đến phải lấy tích kê ngồi chờ rõ lâu". Một nhà báo của thế hệ 7X từng được theo ông đi cắt tóc mậu dịch tại số 6 Tràng Thi ngậm ngùi chia sẻ.
Trước đây, thời điểm đỉnh cao có đến gần 20 cửa hàng cắt tóc hoạt động dưới sự quản lý của UBND TP Hà Nội. Nhưng sau năm 1986 đến nay, các cửa hàng cắt tóc nhà nước dần dần phải đóng cửa vì nhiều lý do khác nhau.
Khách đến với cửa hàng cắt tóc Mậu dịch gồm đủ mọi lứa tuổi và thuộc những thành phần khác nhau trong xã hội. Người nghèo có, người giàu có, trẻ có, già có… Nhưng bất kể ai khi đã đến với cửa hàng này đều có cảm giác mình là “thượng đế”.
Cửa hàng cắt tóc Mậu dịch có một điểm rất đặc biệt, đó là chỉ cắt tóc nam chứ không cắt tóc nữ. Tuy nhiên, nhân viên của cửa hàng thì lại chủ yếu là nữ. Đây cũng là sự khác biệt của một tiệm cắt tóc cổ xưa với những quán cắt tóc hiện đại ngày nay.
Mặc dù thu nhập trung bình chỉ khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng. Dẫu vậy, nhưng khi có tiệm cắt tóc tư nhân nào mời những “đệ nhất kéo” này làm cho họ với mức lương cao hơn thì ai cũng từ chối.
Không chỉ người Việt mà nhiều người nước ngoài sinh sống ở Hà Nội cũng rất tin tưởng tay nghề của những người thợ cạo mặc áo blouse trắng này.
Dù nhiều năm gần đây làn sóng thời trang tóc trẻ lan rộng với những kỹ thuật cắt tỉa mới lạ nhưng khách hàng của cửa hàng vẫn phải thường xuyên điện thoại hẹn trước, chứng tỏ rằng với nhiều người dân Hà Nội, họ vẫn ưa thích những nét gì đó thuộc về một gu riêng, tinh tế và đậm chất Hà Nội xưa.
Nếu ai đã từng đến tiệm cắt tóc thời "ông bà ta" này thì sẽ cảm nhận được rất rõ cái chất Hà Nội xưa, để rồi đến một lần là lưu luyến khó phai.
Đối với nhiều người gắn bó lâu với đất Hà Nội, nhất là những khách hàng thường xuyên của cửa hàng, hình ảnh tiệm cắt tóc mậu dịch và những người thợ cắt tóc gần gũi, nhiệt tình, vui tính ấy đã trở thành biểu tượng của một thời bao cấp. Thế nên việc cửa hàng này đóng cửa khiến cho nhiều người cảm thấy tiếc nuối, giống như bị mất đi một phần lý ức.
Hải Chi (Tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.