MiG-25 Liên Xô trốn sang Nhật (kỳ 3): Siêu tiêm kích khiến phương Tây “đứng ngồi không yên”
MiG-25 Liên Xô trốn sang Nhật (kỳ 3): Siêu tiêm kích khiến phương Tây “đứng ngồi không yên”
Thứ năm, ngày 11/03/2021 06:54 AM (GMT+7)
Sự xuất hiện của tiêm kích đánh chặn MiG-25 với tốc độ mach 3 đã khiến toàn bộ phương Tây đầy thấp thỏm lo lắng bởi lẽ họ đã không có một loại máy bay chiến đấu nào có thể qua mặt MiG-25.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng công trình sư vĩ đại Mikhal Gurevich, máy bay MiG-25 dần hoàn thành. Khi loại máy bay này xuất hiện với tốc độ mach 3 đã khiến toàn bộ phương Tây sửng sốt và vô cùng sợ hãi.
Theo kênh Discovery thì tiêm kích MiG-25 lấy cảm hứng từ loạt phim Wings of the Red Star, trong khi đó các chuyên gia phương Tây lại nhận định rằng MiG-25 mang dáng dấp chiếc A-5 Vigilante của hãng hàng không Bắc Mỹ.
Các chương trình thiết kế MiG-25 được thành lập vào năm 1958, nguyên mẫu đầu tiên E-155 ra mắt vào năm 1961-1962.
Chiến đấu cơ MiG-25 không sử dụng nhôm cho thiết kế khung thân - vật liệu vốn rất phổ biến ở phương Tây thời đó cho ngành hàng không, mà sử dụng hợp kim thép và niken cùng với việc sử dụng hạn chế vật liệu tian trên mép và những nơi có nhiệt độ cao do cọ xát với không khí.
Cũng trong tháng 5/1960, dự án máy bay ném bom chiến lược siêu thanh XB-70 của Mỹ đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên và ra mắt công chúng tại Palmdale, California sau khi bị hủy bỏ tới ba lần trong các năm 1959, 1960 và 1961.
Cho đến thời điểm đó máy bay do thám U-2 vẫn là mối nguy hiểm cùng với máy bay do thám SR-71 của Không quân Mỹ có khả năng bay ở vận tốc Mach 3.
Vì thế mặc dù gặp khó khăn nhưng dự án tiêm kích đánh chặn Foxbat vẫn không bị hủy bỏ. Chúng dự tính được thiết kế để đối phó với cả U-2, SR-71 và cả XB-70.
Tổng công trình sư Mikoyan rời phòng thiết kế của mình vào tháng 3/1964 vì lý do sức khỏe. Ông không có cơ hội nhìn thấy sự ra đời của máy bay MiG-25 khi qua đời bởi một cơn đau tim, chỉ trước khi MiG-25 đi vào phục vụ một tháng.
Vào tháng 3/1965, thông báo đầu tiên về hiệu suất của máy bay đã được đưa ra sau khi chiếc máy bay MiG-25 đã bay ở vận tốc 2.253km/h trên quãng đường 150km.
Những chiếc MiG-25 Foxbat xuất hiện công khai lần đầu tiên tại triển lãm hàng không, được tố chức tại sân bay Domodedovo nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng 10 Nga vào ngày 9/10/1967.
Khi ấy xuất hiện trên bầu trời là 3 chiếc MiG-25, và chương trình phát thanh giới thiệu chúng có khả năng đánh chặn ở vận tốc Mach 3. Cả chuyên gia Nga lẫn Phương Tây đều bất ngờ, thậm chí báo chí Xô Viết gần như không có bất kỳ thông tin nào về MiG-25 cho tới tận năm 1972.
Bên cạnh biến thể đánh chặn, MiG-25 còn có biến thể làm nhiệm vụ trinh sát tầm cao. Nó vận hành và truyền thông tin vô tuyến trực tiếp với mặt đất, những chiếc MiG-25R này có khả năng chụp ảnh toàn bộ Vương Quốc Anh chỉ trong một chuyến bay.
Phương Tây đã có cơ hội để thấy sự trình diễn của MiG-25 trong cuộc chiến tranh giữa Israel và Ai Cập. Bốn máy bay MiG được gọi là X-500 đã được điều sang Ai Cập vào năm 1971, mặc dù máy bay mang phù hiệu Ai Cập nhưng Ai Cập lại không được đụng đến chúng, bởi vì thực ra các máy bay này thuộc Liên Xô và chúng được điều khiển bởi phi công của họ.
Khi một trong các máy bay F-4 Phantom của Israel phát hiện ra MiG-25R, nó đã cố gắng ngăn chặn các máy bay này ở tốc độ Mach 2,5. Tuy nhiên nhận thấy thế, chiếc MiG đã nhẹ nhàng tăng tốc lên ngưỡng Mach 3,2 và biến mất không để lại dấu vết.
Các động cơ của MiG-25 có lực đẩy lên tới 12,5 tấn. MiG-25 không phải là máy bay được thiết kế cho cận chiến, nhưng là thiết kế đánh chặn để có thể bay càng nhanh càng tốt.
Vào cuối thập niên 1960, Mỹ đã phát triển F-15 như một thực thể đối chọi với MiG-25 từ những thông tin về tốc độ, độ cao… mà họ biết được một cách mơ hồ về loại máy bay MiG-25 của Liên Xô.
Các chuyên gia Phương Tây cho rằng MiG-25 có khả năng bay rất nhanh trên quãng đường thẳng, do đó họ nghĩ rằng máy bay sử dụng vật liệu composite hiện đại để giảm trọng lượng, và chúng trang bị động cơ phản lực tối ưu. Họ còn cho rằng MiG-25 có khả năng chiến đấu trên không rất tốt.
Từ những nhận định này, các kỹ sư người Mỹ đã đưa ra một thiết kế cuối cùng về một loại máy bay có những tính năng tốt và có thể phá những kỷ lục của máy bay MiG-25, dẫu rằng dự án này rất phức tạp và khá tốn kém.
Chiếc máy bay F-15 ra đời và đi vào phục vụ cuối năm 1972, cho đến ngày nay loại máy bay này vẫn được gắn với biệt danh "Đại bàng bất bại" do chưa từng bị đối phương bắn hạ trong không chiến.
Tuy thế những bí ẩn về MiG-25 vẫn còn tiếp tục cho tới mãi tận năm 1976, họ chỉ có thể biết được lời giải nhờ việc phi công Liên Xô Belenko đào tẩu mang theo bảo bối MiG-25.
Ngày 6/9/1976 Viktor Belenko đào thoát sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Sokolovka và hạ cánh xuống Nhật Bản.
Từ sự kiện này, sau khi khám phá MiG-25 thì nhận thức về MiG-25 của Phương Tây hoàn toàn thay đổi. Nó rất nặng, tầm bay ngắn và được thiết kế đơn giản hơn so với những gì mà Phương Tây nghĩ. Máy bay được thiết kế rất thô với các mối hàn gồ ghề. Nó có thể đạt tốc độ khá cao nhưng chỉ trong thời gian ngắn. (Còn tiếp)
PV
Vui lòng nhập nội dung bình luận.