“Nóng”: Sàn Temu của Trung Quốc chưa đăng ký ở Việt Nam, Bộ Công Thương hé lộ phương án xử lý
“Nóng”: Sàn Temu của Trung Quốc chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam, Bộ Công Thương "hé lộ" phương án xử lý
Nguyễn Tuyền
Thứ tư, ngày 23/10/2024 21:30 PM (GMT+7)
Trao đổi với báo chí chiều muộn hôm nay 23/10, đại diện Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số, Bộ Công Thương khẳng định, phía Temu chưa đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý Việt Nam.
Temu chưa đăng ký, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu dừng hoạt động ở Việt Nam
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thông tin, theo quy định, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) nước ngoài muốn hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký theo Nghị định 52 và Nghị định 85 sửa đổi về TMĐT.
Tuy nhiên, Temu chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Temu là sàn TMĐT xuyên biên giới, được thành lập bởi PĐ Holdings (Trung Quốc) - nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay. Mấy ngày gần đây, Temu mở tính năng bán hàng tại Việt Nam và chạy quảng cáo rầm rộ đến người tiêu dùng. Trước thực tế trên, Bộ Công Thương sẽ có một loạt phương án giải quyết về trường hợp của Temu, trong đó trường hợp xấu nhất là yêu cầu sàn TMĐT này dừng hoạt động tại Việt Nam.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là Tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, cơ quan quản lý thừa nhận thực tế, vẫn có nền tảng chưa tuân thủ quy định này.
Về hiện trạng hoạt động của các sàn nước ngoài tại Việt Nam, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát, đánh giá tác động của các sàn thương mại điện tử nước ngoài vào Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề các trang thương mại điện tử của Trung Quốc như Temu, Shein, Taobao… đăng ký hoạt động tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng khẳng định, các sàn TMĐT nước ngoài khi vào Việt Nam đều phải đăng ký theo quy định.
Trước việc một số quốc gia quan ngại và cấm Temu hoạt động như Indonesia, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Bộ đang giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát đánh giá tác động. Về nguyên tắc, Bộ Công Thương triển khai đề án đảm bảo quản lý chặt, chống gian lận hàng gian, hàng giả.
Về giá cả, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: "Bản thân ông cũng thấy giật mình vì thấy giá của họ rẻ, nhưng chúng ta phải điều tra, nghiên cứu cụ thể, chưa dám khẳng định giá đó là cho hàng thật hay không, vì tôn trọng việc mua bán là thỏa thuận trên thị trường. Khi có kết quả nghiên cứu, Bộ Công Thương sẽ đề ra giải pháp nhằm kiểm soát”.
Đáng chú ý, một vài ngày sau khi chính thức bán hàng sang Việt Nam, ngày 22/10 vừa qua, Temu đã tung ra một chiến lược mới khi cho người dùng tại Việt Nam đăng ký chương trình tiếp thị liên kết (Affiliate).
Nhiều cư dân mạng đã ngay lập tức chia sẻ rầm rộ về thông tin này, đồng thời "nổ" thêm về cơ hội kiếm hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng một cách dễ dàng từ việc tham gia Affiliate Temu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.