"Sốt" giống đà điểu
Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) được biết đến là một trong những địa chỉ uy tín về cung cấp giống cũng như thịt đà điểu tại phía Bắc.
Nghề chăn nuôi đà điểu ngày càng phát triển.
Được Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ nghiên cứu phát triển chăn nuôi đà điểu từ năm 1996, sau hơn 10 năm nghiên cứu và phát triển, đến nay trung tâm góp công rất lớn trong việc nhân rộng phong trào chăn nuôi đà điểu đã trở thành nghề mới.
Nghề nuôi đà điểu đã phát triển rộng khắp trên 40 tỉnh, thành phố ở các vùng sinh thái trong cả nước; đặc biệt phát triển mạnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trung du, miền núi phía Bắc. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu SX nông nghiệp và kinh tế nông thôn, tận dụng được đất đai phi nông nghiệp và tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động.
Ông Nguyễn Quý Khiêm, GĐ Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương chia sẻ, chăn nuôi đà điểu hiện có lợi thế hơn các giống vật nuôi khác về tính dễ nuôi, chịu được kham khổ, tận dụng thức ăn phụ phẩm nông nghiệp, nhưng lại cho sản phẩm đa dạng, dễ tiêu thụ trên thị trường trong nước, thậm chí hướng ra xuất khẩu.
Ấp trứng đà điểu
Bà Nguyễn Thị Hòa, Trạm trưởng Trạm Nghiên cứu chăn nuôi đà điểu Ba Vì (Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương) cho hay, nhu cầu con giống hiện nay rất cao, để đáp ứng nhu cầu trong mấy năm qua trạm đã tập trung nghiên cứu nâng cao năng suất sinh sản, chất lượng thịt, da đồng thời xây dựng sửa chữa chuồng trại, nâng quy mô đàn sinh sản.
Tuy vậy, vẫn chưa thể đáp ứng được đủ nhu cầu giống đà điểu cho người chăn nuôi.
Một trong những nguyên nhân khiến nhu cầu chăn nuôi đà điểu tăng cao, theo bà Hòa do các hộ chăn nuôi đà điểu trong mấy năm qua nuôi có hiệu quả kinh tế cao, mỗi con đà điểu nuôi thịt trong 11 - 12 tháng cho lợi nhuận từ 1,5 - 2 triệu đồng.
Đây chính là động lực quan trọng nhất thúc đẩy các hộ chăn nuôi muốn đầu tư vào nuôi đà điểu.
Mặt khác, đà điểu là động vật nuôi có khả năng chịu đựng thời tiết, khí hậu có biên độ rộng (từ - 30 độ C - 40 độ C), phát triển tốt cả ở châu Phi, châu Úc.
Ông Nguyễn Quý Khiêm chia sẻ: “Tổng đà điểu mái sinh sản của cả nước ta hiện nay chỉ khoảng 3.000 con, hàng năm SX khoảng 60.000 đà điểu giống và khoảng 5.000 tấn thịt hơi, còn quá nhỏ so với 750.000 tấn thịt gia cầm. Vì thế trong thời gian tới nhu cầu con giống và tiêu thụ thịt đà điểu tiếp tục tăng”.
Đà điểu có sức chống chịu bệnh tật cao, ít mắc các bệnh về virus, hiện nay mới sử dụng phòng bệnh bằng vacxin Newcastle, trong khi đó các con gia cầm hay gia súc khác phải phòng ít nhất 4 - 5 loại vacxin khác nhau.
Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, việc sử dụng kháng sinh phòng bệnh cũng rất hạn chế, do đó đà điểu được biết đến như là vật nuôi cho thực phẩm sạch của thế kỷ XXI. Đây chính là nguyên nhân thúc đẩy người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm thịt đà điểu.
Bên cạnh đó, đà điểu là con vật dễ nuôi, có thể tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp (bã bia, cám gạo, cám mỳ, bột vỏ đỗ xanh...). Có thể nói thông qua nuôi đà điểu, cho thấy giá trị các sản phẩm nông nghiệp giá trị thấp hoặc bỏ đi được nâng lên thành sản phẩm thịt có chất lượng cao.
Ngoài ra, các sản phẩm về đà điểu được tận dụng triệt để như thịt là thực phẩm sạch, da được làm thành các sản phẩm giầy, dép, thắt lưng, túi ví da rất hợp thời trang đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, xương, tiết được chế biến thành thực phẩm chức năng bổ dưỡng sức khỏe con người và mỡ dùng cho công nghệ chế biến mỹ phẩm dưỡng da.
Giống đà điểu hiện đang "sốt"
Được biết, Trạm Nghiên cứu chăn nuôi đà điểu Ba Vì là đơn vị nuôi giữ giống gốc, quy mô đàn đà điểu sinh sản đã được nâng lên và khả năng SX cung ứng mỗi năm khoảng 5.000 con giống.
Ngoài cung cấp giống, trung tâm còn cung cấp các quy trình chăn nuôi, chăm sóc, chế biến đã cơ bản hoàn thiện và không thua kém bất cứ quốc gia chăn nuôi đà điểu mạnh nào trên thế giới. Tuy nhiên, do thời gian gần đây nhu cầu tăng cao nên nguồn giống đà điểu của trạm không cung cấp đủ cho thị trường.
(Theo NNVN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.