Ô nhiễm kinh hoàng tại làng giấy Phú Lâm, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh ra tuyên bố rắn
Ô nhiễm kinh hoàng tại làng giấy Phú Lâm, Phong Khê, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh ra tuyên bố "rắn" với doanh nghiệp
Khương Lực
Thứ tư, ngày 28/04/2021 06:58 AM (GMT+7)
"Sẽ đình chỉ, đóng cửa tất cả các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy ở Phú Lâm, Tiên Du nếu không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, đồng thời niêm phong cơ sở sản xuất. Trường hợp doanh nghiệp nào tự ý phá dỡ niêm phong, sẽ chuyển hồ sơ sang công an để tiến hành xử lý hình sự các đối tượng vi phạm".
Sau phản ánh dày đặc của báo chí, trong đó có Báo điện tử Dân Việt, chiều 27/4, ông Vương Quốc Tuấn cùng đoàn công tác liên ngành của tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành đi kiểm tra hiện trạng sông Ngũ Huyện Khê và các cơ sở sản xuất giấy gây ô nhiễm ở Phong Khê.
Ông Tuấn nhận định: Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí đã phản ánh rất nhiều về tình trạng ô nhiễm môi trường từ các làng nghề sản xuất giấy ở Bắc Ninh, đồng thời các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương cũng liên tục có công văn đề nghị tỉnh Bắc Ninh xử lý môi trường từ đầu hệ thống sông Cầu, nên lần này chúng ta phải làm dứt khoát, không thể chấp nhận vì một vài trăm cơ sở sản xuất giấy mà đánh đổi môi trường, gây hệ lụy lâu dài. ĐÔn
Vì đâu doanh nghiệp có biểu hiện nhờn, thách thức pháp luật?
Theo ông Tuấn, có nhiều doanh nghiệp có biểu hiện nhờn luật, thậm chí thách thức pháp luật do chưa có chế tài xử lý mạnh tay và quyết liệt. "Luật của chúng ta được thực thi không được nghiêm minh, hiệu quả. Xu hướng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng và nghiêm trọng hơn"- ông Tuấn nhấn mạnh.
Chính vì thế, ông Tuấn chỉ đạo các sở ngành liên quan, UBND thành phố, phường Phong Khê tiếp tục rà soát cắt bỏ, tháo dỡ tất cả hệ thống xả thải, đường ống lấy nước mặt trái phép từ công trình thủy lợi. Đồng thời, yêu cầu công an tỉnh niêm phong doanh nghiệp vi phạm xả thải, gây ô nhiễm kinh hoàng ra sông Ngũ Huyện Khê sau khi có quyết định đình chỉ.
Khi được ông Vương Quốc Tuấn truy hỏi về trách nhiệm của phường trước vấn đề ô nhiễm đáng báo động trên, ông Nguyễn Hà, Bí thư Đảng ủy phường Phong Khê cho rằng: Nguyên nhân gây ra ô nhiễm kinh hoàng như hiện nay là do làng nghề thủ công chuyển sang công nghiệp, tốc độ phát triển nhanh, cơ sở hạ tầng không theo kịp.
Các doanh nghiệp ở Phong Khê sản xuất giấy vô hình chung lấy môi trường, lấy việc xử lý môi trường làm lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hà, Bí thư Đảng ủy phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh
Trong khi đó, đa số người dân, doanh nghiệp lại chưa có ý thức bảo vệ môi trường. "Các doanh nghiệp ở Phong Khê sản xuất giấy vô hình chung lấy môi trường, lấy việc xử lý môi trường làm lợi nhuận cho doanh nghiệp" – ông Hà thông tin.
Theo ông Hà, từ khi về nhận công tác tại phường Phong Khê năm 2018, ông đã có 6 lần triệu tập tất cả các doanh nghiệp đến họp bàn các biện pháp giảm thải ô nhiễm trên địa bàn phường. Thế nhưng, nhiều nhất cũng chỉ có 10 người đến dự họp, ngoại trừ cuộc họp ngày 22/3/2021 có hơn 100 doanh nghiệp đến họp.
Khi tham dự họp, gần như 100% các doanh nghiệp có văn bản cam kết từ ngày 22/3/2021 đến 15/4 cam kết xả khí thải ra ngoài môi trường ở dạng khói mờ, màu trắng, không còn khói đen như trước. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy xả khói đen ra môi trường.
Về nước thải cũng vậy, theo ông Hà, ngoài một số cơ ở cam kết lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, còn lại phần lớn các cơ sở sản xuất vẫn đang xả thẳng nước thải không qua xử lý ra hệ thống tiêu thoát nước thải sinh hoạt và kênh mương thủy lợi trên địa bàn.
Là người chịu nhiều búa rìu từ dư luận cũng như lực lượng cảnh sát môi trường các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang đến làm việc nhiều lần về trách nhiệm bơm, tháo nguồn nước ô nhiễm từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu, ông Nguyễn Văn Ty, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống thanh minh: "Chúng tôi không sản xuất thì gây ra ô nhiễm thế nào được".
Để dẫn chứng, ông Ty đưa ra hình ảnh đối lập, khác nhau hoàn toàn về nước ở thượng lưu và hạ lưu tại đập điều tiết Phú Lâm: Bên thượng lưu cá bơi tung tăng, nước trong xanh có chỗ nhìn thấy cả đáy; bên hạ lưu nước đen đặc, nổi váng dày đặc, không một sinh vật nào sống nổi.
Và chính nguồn nước ô nhiễm hạ nguồn đập điều tiết Phú Lâm trên sông Ngũ Huyện Khê đang khiến công ty của ông Ty rơi vào thế khó: Khi sông Ngũ Huyện Khê thừa nước, nếu không bơm, tháo ra sông Cầu thì sẽ gây nhập úng lúa cục bộ và ảnh hưởng đến dân sinh. Thế nhưng, nếu bơm xả ra sông Cầu thì lại ảnh hưởng đến nguồn nước sạch của thành phố và các hộ nuôi cá lồng bè trên sông.
"Nếu cứ đóng chặt cống Đặng, thì ngay như phường Phong Phê, rồi Vạn An sẽ bị ngập úng, bà con không thể sinh hoạt được chứ chưa nói đến sản xuất" – ông Ty nói.
Nói về xử lý vi phạm trên hệ thống kênh mương thủy lợi và sông Ngũ Huyện Khê, ông Ty cho biết, khi xảy ra vi phạm, công ty tích cực kiểm tra và đều lập biên bản, có kiến nghị tới các cơ quan chức năng để xử lý. Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp, tính quyết liệt của các địa phương chưa cao.
"Có rất nhiều trường hợp vi phạm công trình thủy lợi, thậm chí có những người còn thuộc bài đến mức đằng nào anh chẳng lập biên bản 3 lần thôi mang đây tôi ký cho một thể, lần sau đỡ phải lập. Người ta coi thường việc lập biên bản vi phạm công trình thủy lợi đến mức như thế. Bởi vì lập xong, kiến nghị cũng không ai giải quyết"- ông Ty bức xúc nói.
Theo ông Ty, đây là tình trạng chung, chứ không riêng ở một điểm nào, dẫn đến việc răn đe là không có. "Nếu như mọi việc cứ quyết liệt như vừa rồi, tôi tin việc xả thải sẽ dần dần được đẩy lùi và đến một lúc nào đó sẽ triệt để" – ông Ty nói.
Niêm phong doanh nghiệp bị đình chỉ, cắt điện cơ sở sản xuất trên đất nông nghiệp
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Thanh, Giám đốc Sở Tài Nguyên và môi trường tỉnh Bắc cho biết, khu vực làng nghề giấy Phong Khê có 167 cơ sở sản xuất. Trong cụm công nghiệp Phong Khê 1 và Phong Khê 2 có 123 cơ sở.
Tính đến thời điểm hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh đã cấp được 79 phê duyệt đánh giá tác động môi trường, trong đó mới có 6 cơ sở thực hiện xây dựng hệ thống công trình bảo vệ môi trường, còn lại chưa làm.
Khẳng định Bắc Ninh không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, ông Thanh đề nghị cả hệ thống chính trị vào cuộc. UBND tỉnh cần điều tiết quản lý nguồn nước đầu vào và đầu ra, trong đó quyết liệt yêu cầu các doanh nghiệp cần hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải ban đầu, có đấu nối với vào hệ thống thu gom xử lý nước thải, kiên quyết không để các doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra sông Ngũ Huyện Khê…
Ông Nguyễn Song Hà, Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh khẳng định trước thực trạng ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm liên quan đến môi trường ở Phong Khê. Đặc biệt, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định xử lý nước thải, khí thải.
Về kết quả xử lý vi phạm, UBND thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra 7 cơ sở sản xuất. Ngày 23/4, UBND thành phố Bắc Ninh đã có tờ trình UBND tỉnh xử phạt với tổng kinh phí 2,23 tỷ đồng, đồng thời đình chỉ sản xuất 9 tháng đối với 6 cơ sở sản xuất có nước thải không đạt chuẩn xả ra kênh tiêu.
Theo ông Hà, trong thời gian tới, thành phố sẽ thường xuyên kiểm tra các trường hợp vi phạm các quy định về môi trường; tiếp tục ngăn các hệ thống cấp nước nước mặt trái phép vào cơ sở sản xuất giấy.
Về lâu dài, thành phố Bắc Ninh sẽ báo cáo UBND tỉnh có lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất giấy tại phường Phong Khê trước năm 2030. Các doanh nghiệp sản xuất giấy sẽ được quy hoạch, chuyển sang địa điểm sản xuất mới.
Lãnh đạo thành phố Bắc Ninh cũng đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thường xuyên tiến hành thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định về môi trường tại Phong Khê.
Kết luận tại buổi làm việc, ông Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu thành phố Bắc Ninh tập trung rà soát, chỉ đạo tháo dỡ tất cả hệ thống xả thải không đúng quy định, hoàn thành chậm nhất ngày 30/4.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra không để phát sinh, tái diễn các vi phạm; phối hợp với Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống cắt, tháo dỡ toàn bộ đường ống dẫn nước lấy nước mặt từ đập Phú Lâm (huyện Tiên Du) không có giấy phép, hoàn thành trước ngày 7/5.
Cùng với đó, thành phố tiếp tục rà soát toàn bộ các cơ sở sản xuất, lập hồ sơ xử phạt, đình chỉ sản xuất đối với các cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có hệ thống xử lý nước thải nhưng không hoạt động; các cơ sở chỉ được hoạt động trở lại khi đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải.
Để tăng tính răn đe trong xử lý vi phạm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Công an tỉnh thực hiện niêm phong các cơ sở sau khi có quyết định đình chỉ, nếu cơ sở cố tình vi phạm, tự ý tháo bỏ niêm phong sẽ áp dụng xử lý ở mức cao hơn, có thể ở mức hình sự.
Đối với cơ sở bị đình chỉ nhiều lần, Công an tỉnh thành lập Tổ chốt chặn các phương tiện ra, vào cơ sở; cắm biển hạn chế tải trọng theo quy định trong khu dân cư. Công an tỉnh thành lập Tổ công tác thường xuyên xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường; lập chuyên án xử lý nghiêm, ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng gây ô nhiễm môi trường…
Ngoài ra, ông Vương Quốc Tuấn cũng yêu cầu ngành điện lực phối hợp với chính quyền cơ sở cắt điện đối với những cơ sở sản xuất giấy trên đất nông nghiệp.
Tại buổi làm việc, ông Tuấn cũng lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của một số doanh nghiệp và khẳng định: Nếu bất kỳ một doanh nghiệp sản xuất nào không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải mà cứ xả thải bừa bãi ra môi trường, tỉnh sẽ kiên quyết đình chỉ ngay, không có du di thêm nữa. Đồng thời, ông Tuấn cũng "khuyên" các doanh nghiệp, nếu không đáp ứng được yêu cầu về xử lý nước thải thì nên bỏ nghề, chuyển đổi nghề.
"Chúng tôi đã cho các doanh nghiệp thời gian quá lâu rồi, nhưng lần này chúng tôi sẽ làm dứt khoát, không có du di nữa, doanh nghiệp nào vi phạm sẽ đình chỉ sản xuất ngay đến khi nào đáp ứng được yêu cầu về môi trường, thì mới cho sản xuất lại chứ không đợi di dời đến 2025, 2030 nữa"- ông Tuấn ra thông báo rắn.
Có 11 điểm xả thải gây ô nhiễm vào sông Ngũ Huyện Khê
Phường Phong Khê hiện có 2 cụm công nghiệp làng nghề gồm Cụm công nghiệp Phong Khê 1 và Cụm công nghiệp Phong Khê 2 với diện tích hơn 69 ha với khoảng 290 doanh nghiệp sản xuất giấy. Tại khu vực làng nghề Phong Khê có 167 cơ sở sản xuất. Ngoài ra còn khoảng 1.000 hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn phường.
Cùng với sự phát triển kinh tế, hàng hoá là sự gia tăng các nguồn và các chất gây ô nhiễm như: nước thải sản xuất, khí thải phát sinh từ các lò hơi và chất thải rắn công nghiệp.
Theo Sở NNPTNT và các đơn vị liên quan, tại cụm công nghiệp Phong Khê 1 có 3 điểm xả nước thải ra bờ hữu sông Ngũ Huyện Khê (tại K26+500 trạm bơm Dương Ổ, K26+750 cống Ung Bố, K26+850 Đào Xá) . Có 1 điểm lấy nước từ sông Ngũ Huyện Khê cấp cho cụm công nghiệp Phong Khê 1.
Cụm công nghiệp Phong Khê 2 có 5 điểm xả nước thải ra bờ tả sông Ngũ Huyện Khê. Có 3 điểm xả nước thải ra kênh V5, tiếp đó chảy ra kênh tiêu Vạn An và cống Vạn Phúc.
Cụm công nghiệp Phú Lâm có 3 điểm xả nước thải ra bờ hữu sông Ngũ Huyện Khê. Có 10 điểm lấy nước phục vụ sản xuất (7 điểm trên kênh tiêu trạm bơm Phú Lâm 1, 3 điểm trên bờ hữu sông Ngũ Huyện Khê).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.