Phái đoàn các doanh nghiệp nông nghiệp Mỹ thăm Klever Fruit - chuỗi trái cây nhập khẩu lớn nhất Việt Nam
Phái đoàn các doanh nghiệp nông nghiệp Mỹ thăm Klever Fruit - chuỗi trái cây nhập khẩu lớn nhất Việt Nam
Minh Huệ
Thứ bảy, ngày 14/09/2024 15:50 PM (GMT+7)
Phái đoàn thương mại do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) chủ trì lần này có số lượng doanh nghiệp nông nghiệp kỷ lục tới Việt Nam. Phái đoàn do bà Karen Ross, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm bang California dẫn đầu đã đến thăm trụ sở của Klever Fruit - chuỗi trái cây nhập khẩu lớn nhất Việt Nam.
Chiều 13/9, phái đoàn các doanh nghiệp nông nghiệp Mỹ gồm 58 doanh nghiệp, tổ chức nông nghiệp và 9 tiểu bang đã đến tham quan trụ sở, kho lạnh của Công ty cổ phần thương mại và đầu tư K.L.E.V.E (Klever Fruit) tại Hà Nội. Phái đoàn do bà Karen Ross, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm bang California dẫn đầu.
Đón tiếp đoàn, ông Nguyễn Xuân Hải, Tổng Giám đốc và là nhà sáng lập Klever Fruit cho biết, từ một cửa hàng trái cây nhập khẩu đầu tiên với tên gọi Klever Fruit, trong 15 năm qua, Klever Fruit đã phát triển trở thành chuỗi cửa hàng hiện đại hàng đầu tại Việt Nam, phục vụ hàng triệu người tiêu dùng. Với tổng số 47 cửa hàng trên toàn quốc, Klever Fruit trở thành nhà nhập khẩu trái cây có chuỗi bán lẻ lớn nhất thị trường Việt Nam hiện nay.
Để lan tỏa rộng rãi tại thị trường Việt Nam, chinh phục được nhiều khách hàng khó tính nhất, Klever Fruit có sáng kiến thành lập cửa hàng trái cây đặc sản theo mô hình hiện đại, tạo nên xu hướng trái cây hữu cơ tại Việt Nam. Theo đó, trái cây tại Klever Fruit luôn có nguồn gốc rõ ràng, sử dụng công nghệ chuỗi lạnh khép kín từ nhà vườn đến tay người tiêu dùng.
"Klever Fruit cũng là doanh nghiệp trái cây tươi đầu tiên cung cấp dịch vụ hoàn tiền 100% mà không cần lý do trong vòng 48 giờ. Trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, chúng tôi đang hợp tác với một số Đại sứ quán, hiệp hội nông sản tươi sống và các đối tác để quảng bá những món ngon đẳng cấp thế giới của họ đến với người dân Việt Nam" - ông Hải cho biết.
Theo nhận định của ông Hải, Việt Nam có dân số đông với gần 100 triệu người tiêu dùng (xếp hạng 15 trên toàn cầu), một nửa trong số đó dưới 35 tuổi, bao gồm "Thế hệ Y" (24 - 39) và "Thế hệ Z" (15 - 23) ước tính khoảng 40 triệu người, là những người tiêu dùng có trình độ học vấn cao, cởi mở với những trải nghiệm mới và xu hướng quốc tế.
Bên cạnh đó, người Việt có thói quen ăn uống cân bằng và lành mạnh. Người tiêu dùng chi 13% thu nhập của mình cho trái cây và rau quả tươi. Trong một cuộc khảo sát của Cimingo gần đây, 85% số người được hỏi đang cố gắng cải thiện chế độ ăn uống của mình. 47% người ăn kiêng đang cố gắng ăn nhiều trái cây và rau hơn trong các bữa ăn hàng ngày, 66% người tiêu dùng Việt Nam thích trái cây hữu cơ và sẵn sàng trả thêm 10% cho chúng, trung bình một người tiêu thụ khoảng 100kg mỗi năm.
"Trái cây nhập khẩu có mặt ở khắp mọi nơi tại Việt Nam, từ các chợ truyền thống đến các siêu thị hiện đại. Đứng đầu là táo, tiếp theo là nho ăn, lê, kiwi và anh đào. Trước nhu cầu cao và ngày càng tăng đối với trái cây cao cấp tại Việt Nam, Klever Fruit đã định hình xu hướng sử dụng trái cây tươi nhập khẩu cao cấp làm quà tặng sang trọng, giúp làm phong phú thêm văn hóa tặng quà của người Việt" - ông Hải nói và cho biết, Klever Fruit đá chính thức tham gia vào lĩnh vực kinh doanh B2B bằng việc thành lập HG Fruit, cung cấp trái cây cao cấp cho các kênh phân phối thương mại hiện đại và truyền thống.
Tiếp đó, tại cuộc gặp, ông Ralph Bean, Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam phát biểu và bày tỏ lời cảm ơn trước sự đón tiếp của Klever Fruit. Vai trò của Klever Fruit trên thị trường đặc biệt đã tạo nên đẳng cấp trái cây thượng hạng và dần tiếp cận cung cấp trái cây với giá tốt, phổ biến hơn với người tiêu dùng.
Tháng trước, Klever Fruit đã cùng Hiệp hội Trái cây tươi bang California, Cục Kiểm dịch động thực vật (Bộ Nông nghiệp Mỹ) và Đại sứ quán Mỹ tổ chức lễ đón lô đào và xuân đào đầu tiên được nhập khẩu từ California Mỹ về Việt Nam sau hơn 5 năm đàm phán.
Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp Mỹ nhận định, Việt Nam là thị trường có nhiều tiềm năng cho trái cây nhập khẩu, vì người tiêu dùng Việt Nam thích trái cây cao cấp, ngọt ngào, chất lượng cao và độc đáo.
Chuyến thăm của Phái đoàn thương mại Mỹ diễn ra sau khi Việt Nam chính thức mở cửa thị trường cho trái đào và xuân đào Mỹ vào Việt Nam, cũng như diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 1 năm nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.
Sự kiện trên là một phần nội dung trong chuyến công tác kéo dài 5 ngày của phái đoàn thương mại Mỹ tại Hà Nội và TP.HCM. Với hơn 100 thành viên, gồm 50 đại diện của 35 doanh nghiệp Mỹ, đại diện cơ quan nông nghiệp từ 9 tiểu bang và 21 hiệp hội ngành hàng nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Đây là phái đoàn doanh nghiệp nông nghiệp lớn nhất tới thăm Việt Nam trong lịch sử quan hệ song phương giữa hai nước.
Hiện nay, Việt Nam đang là thị trường nông sản thứ 9 của Mỹ và Mỹ là thị trường xuất khẩu nông sản số 2 của Việt Nam. Riêng lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước năm 2023 đã đạt 8,3 tỷ USD.
Nước ta đang có 8 loại trái cây tươi được phép xuất khẩu sang Mỹ, gồm: thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi, dừa. Đổi lại, Mỹ cũng được cấp phép các loại trái cây sang Việt Nam, trong đó mới nhất là quả đào và xuân đào từ bang California.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.