Theo Middleeasteye, mặc dù bị lôi kéo vào một sự kiện thu hút sự chú ý của thế giới, nhưng người dân làng Atmeh đều đã quá quen thuộc với tình trạng bạo lực như những gì xảy ra vào đêm thứ Tư 2/2 khi Mỹ tiến hành một cuộc đột kích vào ngôi làng Syria tiêu diệt Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi, thủ lĩnh của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Nhưng những cư dân của Atmeh, phần lớn không bất ngờ và vẫn tiếp tục cuộc sống của họ.
Nằm cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chỉ 200m, từng là nơi sinh sống của những người nông dân trồng ô liu nhưng Atmeh ngày nay là nơi tập trung nhiều người Syria phải di tản vì cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ ở đất nước họ. Hiện có hàng trăm nghìn người Syria ở khu vực Atmeh, đại đa số di cư từ khắp nơi trên đất nước do chiến tranh. Ahmed Najib, một cư dân địa phương cho biết, trước năm 2011, chỉ có khoảng 4.000 người sống trong làng.
“Ngôi làng của chúng tôi rất nhỏ, chỉ có vài ngôi nhà, và tất cả mọi người đều biết nhau… Mọi thứ xoay vần, đổi thay nhanh chóng chỉ trong vài năm”, Najib chia sẻ.
Cơ sở hạ tầng đã phải có một bước nhảy vọt để bắt kịp với dân số mới và những thách thức thời chiến. Các dây cáp điện chằng chịt trên các con phố và nhiều ngôi nhà hiện đã trang bị các tấm pin năng lượng mặt trời.
Đại bản doanh của phiến quân
Atmeh nằm trên một tuyến đường chính giữa thành phố Idlib ở phía nam và thành phố Afrin do Thổ Nhĩ Kỳ quản lý ở phía bắc. Vì thế, dù từng là một ngôi làng nông thôn yên bình, kể từ năm 2011, làng Atmeh đã trở thành "đại bản doanh" của quân nổi dậy chống lại chính quyền Asssad. Atmeh dễ bị phiến quân chiếm đóng vì không có doanh trại quân đội nào gần đó, từ bên trong, ngôi làng rất dễ kiểm soát nhưng từ bên ngoài rất khó tiếp cận và gửi quân tiếp viện đến đây.
Phiến quân, nhận được hỗ trợ hậu cần thông qua cửa khẩu gần đó với Thổ Nhĩ Kỳ, đã sớm sử dụng Atmeh làm trung tâm hoạt động để tiến hành các cuộc tấn công lẻ tẻ vào các khu vực do chính phủ nắm giữ.
Điều này cũng khiến Atmeh trở thành mục tiêu của các cuộc không kích liên tục bởi các lực lượng chính phủ Syria. Dẫu vậy, người tị nạn Syria ở khắp đất nước vẫn đổ về đây hòng tìm kiếm cơ hội vượt biên qua Thổ Nhĩ Kỳ tránh xung đột dẫm máu ở trong nước.
Chủ nghĩa khủng bố, cực đoan
Khi xung đột Syria phát triển, các chiến binh nổi dậy bắt đầu hoán đổi lòng trung thành từ phe này sang phe khác, thường là phe nào có thể trả nhiều tiền hơn thì các chiến binh sẽ nhảy sang phe đó.
Một số bắt đầu tham gia các nhóm chiến binh cứng rắn, bao gồm cả những nhóm liên kết với khủng bố IS.
Đến năm 2013, Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq (IS) bắt đầu thành lập các tòa án Hồi giáo tại làng và bắt giữ thủ lĩnh của Lữ đoàn Suqur al-Islam - nhóm nổi dậy đầu tiên chiếm được Atmeh. IS cáo buộc Suqur không hỗ trợ các chiến binh IS chống lại chính quyền Assad. Kể từ đó, IS bắt đầu thể hiện các hành vi ngày càng cực đoan, bao gồm tiến hành các cuộc tấn công lẻ tẻ chống lại người Kurd ở Afrin.
Các chiến binh nước ngoài bắt đầu đổ xô gia nhập hàng ngũ của IS, nhiều chiến binh khủng bố sống hiên ngang ở Atmeh và các làng lân cận như Barisha.
Đáng chú ý, người tiền nhiệm của thủ lĩnh IS Qurayshi, Abu Bakr al-Baghdadi cũng từng bị phát hiện ở Barisha vào năm 2019 và bị giết trong một chiến dịch đột kích tương tự của Mỹ.
Walid, một cư dân của Atmeh nhớ lại cuộc đàn áp đáng sợ của IS: "Họ bắt phụ nữ mặc quần áo họ chỉ định, đàn ông phải cạo ria mép. Hầu hết các gia đình đều sợ hãi bỏ trốn, một số gia đình cố để một người trong nhà trụ lại để ngôi nhà không bị chiếm đoạt".
Những ngôi nhà bị bỏ hoang ở Atmeh đều đã bị các chiến binh chiếm giữ và trao cho người thân, vợ hoặc các thành viên IS.
"IS đã bám rễ trong khu vực, nhờ thu nạp các chiến binh trong khu vực", Walid, cư dân địa phương cho biết.