Dân Việt

Trung Quốc tăng tốc thu mua một loại nông sản của Việt Nam để trộn vào thức ăn chăn nuôi

K.Nguyên 15/06/2022 13:28 GMT+7
Do nhu cầu từ Trung Quốc vẫn cao để sản xuất thức ăn chăn nuôi nên xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022 vẫn tăng trưởng ngoạn mục.

Việt Nam đã bán triệu tấn sắn và sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc 

Do nhu cầu từ Trung Quốc vẫn cao nên xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam vẫn tăng trưởng ngoạn mục.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 5/2022, Việt Nam xuất khẩu được gần 260.000 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 114,09 triệu USD, tăng 10,6% về lượng và tăng 8,6% về trị giá so với tháng 4/2022, so với tháng 5/2021 tăng 22,7% về lượng và tăng 33% về trị giá. 

Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 438,8 USD/tấn, giảm 1,8% so với tháng 4/2022, nhưng tăng 8,4% so với tháng 5/2021. 

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,45 triệu tấn, trị giá 630,98 triệu USD, tăng 3,7% về lượng và tăng 19,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021

Tính riêng mặt hàng sắn, tháng 5/2022, xuất khẩu sắn đạt 74.130 tấn, trị giá 22,36 triệu USD, tăng 0,3% về lượng, nhưng giảm 3% về trị giá so với tháng 4/2022; so với tháng 5/2021 tăng 8% về lượng và tăng 21,3% về trị giá. 

Giá xuất khẩu bình quân ở mức 301,7 USD/tấn, giảm 3,3% so với tháng 4/2022, nhưng tăng 12,3% so với tháng 5/2021.

 Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắn đạt 467.270 tấn, trị giá 136,66 triệu USD, giảm 17,3% về lượng và giảm 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Tháng 5/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc chiếm 93% tổng lượng xuất khẩu của cả nước, đạt 241.670 tấn, trị giá 105,19 triệu USD, tăng 17,6% về lượng và tăng 14,8% về trị giá so với tháng 4/2022; so với tháng 5/2021 tăng 26,2% về lượng và tăng 36,2% về trị giá. 

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,33 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 578,14 triệu USD, tăng 2,2% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trung Quốc tăng tốc thu mua một loại nông sản của Việt Nam để trộn vào thức ăn chăn nuôi - Ảnh 1.

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất thế giới và cũng là trị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam. Trong ảnh: Nông dân Phú Yên thu hoạch sắn. Ảnh: Hoàng Kim.

Nhu cầu thu mua sắn và tinh bột sắn của Trung Quốc vẫn tăng cao

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự báo thời gian tới xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sẽ tiếp tục tăng nhờ nhu cầu của Trung Quốc vẫn cao.

 Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất thế giới và cũng là trị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam.

 Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu sắn và tinh bột sắn.

Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc đạt 795,21 triệu USD, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Việt Nam và Lào là 3 thị trường cung cấp sắn lát lớn nhất cho Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2022. Thái Lan là thị trường lớn nhất cung cấp sắn lát cho Trung Quốc. 

Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn lát cho Trung Quốc. Kim ngạch nhập khẩu sắn lát từ Việt Nam đạt 88,8 triệu USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 11,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc.

Trong khi đó, 4 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 1,67 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 873,68 triệu USD, tăng 27,1% về lượng và tăng 42,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia. 

Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc với 606.240 tấn, trị giá 308,83 triệu USD, tăng mạnh 193,5% về lượng và tăng 232% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 36,1%, tăng mạnh so với mức 15,7% của 4 tháng đầu năm 2021. 

Ngoài ra, trong 4 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu tinh bột sắn từ Lào và Campuchia, trong khi lại giảm nhập khẩu tinh bột sắn từ Thái Lan và Indonesia so với cùng kỳ năm 2021. 

Cục Xuất nhập khẩu cũng thông tin, tại thị trường Trung Quốc, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với sắn và tinh bột sắn của Thái Lan, Lào và Campuchia.