Dân Việt

Bí ẩn về nhà quý tộc Tây Ban Nha trong bộ máy lãnh đạo Triều Tiên

PV 12/12/2022 19:31 GMT+7
Nhà quý tộc gốc Tây Ban Nha, ông Alejandro Cao de Benos, cống hiến phần lớn cuộc đời cho sự phát triển của Triều Tiên.

Alejandro Cao de Benos dành nhiều tình cảm cho Triều Tiên từ khi mới 13 tuổi. Sau hàng chục năm phát triển quan hệ với đất nước bí ẩn này, ông trở thành người phương Tây duy nhất trong đội ngũ lãnh đạo của Triều Tiên.

Alejandro đang dẫn dắt Hiệp hội Hữu nghị Triều Tiên (KFA), một mạng lưới toàn cầu quy tụ những người ủng hộ Triều Tiên. Tại quê nhà ở Tây Ban Nha, ông cũng mở một quán cafe mang tên Bình Nhưỡng để lan toả những giá trị văn hoá tích cực về đất nước này.

Niềm đam mê với Triều Tiên

Alejandro Cao de Benos cho biết ông xuất thân từ một dòng họ quyền lực tại Tây Ban Nha. Tổ tiên của ông từng chinh phục được vùng biên giới với Pháp và được vua Tây Ban Nha phong tước vị, trao tặng nhiều của cải.

Bí ẩn về nhà quý tộc Tây Ban Nha trong bộ máy lãnh đạo Triều Tiên - Ảnh 1.

Alejandro Cao de Benos là người Tây Ban Nha duy nhất được trao vị trí trong chính quyền tại Triều Tiên. Ảnh: Getty Images.

Do ông nội của Alejandro làm ăn thua lỗ khiến tài sản tiêu tán, cha mẹ của ông đành sống một cuộc đời trung lưu ở Andalusia, phía Nam Tây Ban Nha.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Alejandro tham gia lực lượng không quân trong 3 năm. Ông cũng giấu thân phận quý tộc để tham gia chính trị ở Tây Ban Nha. Từ đó, ông bắt đầu tìm hiểu về chủ nghĩa xã hội và dành nhiều tình cảm cho đất nước Triều Tiên.

Chặng đường phát triển quan hệ với đất nước bí ẩn này bắt đầu từ việc thành lập Hiệp hội Hữu nghị Triều Tiên (KFA), ông Alejandro cho biết. Bằng cách tổ chức nhiều buổi họp vui vẻ, Alejandro thuyết phục được nhiều bạn bè tham gia KFA.

Đến năm 2000, Alejandro khởi tạo “trang web duy nhất về Triều Tiên được viết bằng tiếng Anh”. Mãi đến năm 2012, Triều Tiên mới có trang web mới của riêng mình. Trang web của Alejandro nhận về hàng trăm nghìn lượt người xem và thu hút sự chú ý của báo giới.

Trong chuyến thăm Bình Nhưỡng cùng KFA vào năm 2001, ông Alejandro bày tỏ mong muốn được chuyển tới Triều Tiên sinh sống và gia nhập quân đội nước này. Song các quan chức Triều Tiên thuyết phục ông nhận vị trí đặc phái viên văn hoá. “Tôi sẽ làm những gì đất nước này cần”, Alejandro chia sẻ.

Cầu nối văn hoá

Ông Alejandro đang là công dân danh dự của Triều Tiên vì ông chưa sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn quốc tịch Tây Ban Nha để trở thành người Triều Tiên. “Sinh sống và làm việc tại đây là những gì tôi mong muốn từ khi là một thanh niên trẻ tuổi”, ông trải lòng.

Bí ẩn về nhà quý tộc Tây Ban Nha trong bộ máy lãnh đạo Triều Tiên - Ảnh 2.

Ông Alejandro Cao de Benos mở quán cafe Bình Nhưỡng ở Tây Ban Nha để quảng bá văn hoá Triều Tiên. Ảnh: AFP.

Hiện Alejandro chỉ sống nửa năm ở Bình Nhưỡng với mục đích tháp tùng các ngoại giao đoàn, các nhóm doanh nhân hay nhà báo được phép ghé thăm Triều Tiên. Nửa năm còn lại, ông trở về Tây Ban Nha và đi tới nhiều nước phương Tây để xây dựng hình ảnh tích cực về Triều Tiên, đồng thời kêu gọi đầu tư vào nước này.

Alejandro từng tổ chức hội nghị tiền ảo đầu tiên của Triều Tiên hồi tháng 4/2019 tại khu phức hợp công nghệ Bình Nhưỡng. Alejandro cũng cho biết nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng, bao gồm người Mỹ, từng nhận lời mời của ông để đến thăm Bình Nhưỡng.

Đây là một công việc khá khó khăn trong bối cảnh Mỹ và các nước đồng minh đang áp đặt nhiều lệnh trừng phạt lên Triều Tiên vì phát triển chương trình hạt nhân. Alejandro thừa nhận rằng sự cống hiến của ông khiến chính người Triều Tiên cũng cảm thấy khó hiểu.

Sau gần 20 năm tuyên truyền cho Bình Nhưỡng bằng tiền túi của mình, Alejandro mới được công nhận bằng một danh vị chính thức trong chính phủ. Dù vậy, trọng trách mà ông đảm nhận không đi kèm tiền lương.

Bí ẩn về nhà quý tộc Tây Ban Nha trong bộ máy lãnh đạo Triều Tiên - Ảnh 3.

Ông Alejandro Cao de Benos chụp ảnh cùng các nữ quân nhân Triều Tiên. Ảnh: Getty Images.

“Tôi từng cháy túi trong suốt hai tháng. Những việc tôi làm là vì lý tưởng cao cả”, Alejandro cho biết thu nhập của ông là “một phần nhỏ bé” được trích từ các khoản đầu tư nước ngoài vào Triều Tiên.

Ngoài ra, chính phủ nước này cũng cấp cho ông một căn nhà rộng 60 m2 ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Bên trong chính phủ Triều Tiên

Alejandro là một nhân vật khá nổi tiếng ở Triều Tiên. Ông có tên tiếng Triều Tiên là Cho Son Il, với ý nghĩa “Triều Tiên là một”, và tên gọi thân mật là Changunim Chonsa (tạm dịch: người lính đáng quý của tổng tư lệnh Kim Jong Il).

Ông Alejandro mới chỉ gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un vài lần song ông rất trân trọng những món quà của cố lãnh đạo Kim Jong Il và cố lãnh tụ Kim Nhật Thành.

Bí ẩn về nhà quý tộc Tây Ban Nha trong bộ máy lãnh đạo Triều Tiên - Ảnh 4.

Ông Alejandro là một nhân vật khá nổi tiếng ở Triều Tiên. Ảnh: AP.

Alejandro từng nói với lãnh đạo Triều Tiên: “Tôi sẽ luôn phụng sự đất nước này, miễn là chúng ta duy trì lý tưởng và tiêu chuẩn làm việc”.

“Tôi quen biết nhà lãnh đạo và hầu hết bộ trưởng. Họ là những con người trung thực và rất khiêm nhường. Nếu đội ngũ lãnh đạo nhận hối lộ, tham nhũng, nói mà không làm, tôi sẽ ngừng làm việc cho Triều Tiên”, Alejandro quả quyết.