Quảng Nam: Bắt loài ốc đá nhìn như cái đinh đem hầm đậu đen thành món đặc sản "ông ăn bà khen"
Thứ sáu, ngày 28/05/2021 09:25 AM (GMT+7)
Ốc đá còn gọi là ốc suối, người Cơ-tu gọi là Apuối (hay M’đốc), là loài nhuyễn thể sinh sống ở các con khe, con suối, đu bám nơi có đá có nước trong xanh. Ốc đá sống nhiều ở các con suối mát trên thượng nguồn vùng núi rừng Trường Sơn miền Tây xứ Quảng (Quảng Nam).
Bắt đầu từ tháng Giêng là thời điểm khởi đầu mùa bắt ốc đá kéo dài đến tận cuối thu. Chịu khó thò tay mò mẩm trong các hốc đá ở các con suối, chỗ có nước chảy róc rách chừng một buổi, mỗi người bắt được khoảng 5-10 ký ốc đá.
Con ốc đá to cỡ ngón trỏ. Con ốc đá nhỏ bằng ngón út. Ốc đá ăn rêu mọc trên đá và sinh sống ở suối nước trong nên ốc đá rất sạch.
Cư dân thường ốc đá bắt về không chế biến ngay mà đem đổ vào xô chậu ngâm nước một hai ngày để ốc bài tiết hết cặn bã. Nếu muốn đốt cháy giai đoạn này, chỉ cần giã 5 trái ớt Ariêu cho vào xô chậu ngâm ốc vài tiếng đồng hồ là có ngay nguyên liệu để chế biến các món ăn.
Ốc đá là nguyên liệu để chế biến các món như nấu canh, um sả ớt, nấu cháo, hầm với đậu đen là các món ăn dễ chế biến nhất trong các món ăn miền sơn cước.
Và ít ai ngờ rằng, món ăn này, bây giờ lại gắn liền với địa danh quê tôi. Bởi nhắc đến món ốc đá hầm đậu đen, thiên hạ lại nhắc đến vùng cao xứ Quảng - nơi có “món quê dân dã ”.
Món ốc đá hầm đậu đen đã trở thành “thương hiệu”, cho vùng Trường Sơn xứ Quảng bởi ở đâu có sông suối là ở đó có các món từ ốc đá, nhất là món “ốc đá hầm đậu đen”, “ông húp bà khen” nổi tiếng vùng cao.
Món hầm “ốc đá – đậu đen” được nấu như sau: Lấy nước sạch rửa ốc đá qua nhiều lần cho sạch rồi vớt ra rổ rá để ráo và dùng dao chặt bỏ đít (trôn). Lúc này, bắc nồi lên bếp đổ dầu phộng (lạc) vào phi nén củ đã giã dập, khi mùi dầu nén thơm phức dậy lên, cho lửa nhỏ ngọn bớt và đổ ốc đá (đã sơ chế) vào xào.
Được trộn đều trên chảo, ốc đá thấm ướt dầu phộng thì đậy nắp vung lại, vài ba phút sau mở nắp vung ra đảo xới ốc, xong, đậy nắp vung lại. Làm như thế chừng năm, bảy lần, ốc vừa thấm dầu phộng phi thơm vừa chín dần mới nêm muối hầm, nước mắm, mì chính tiếp đến cho nước sôi để nguội và đậu đen (đã ngâm) và vài tép sả vào nấu cho sôi.
Sau đó đun nhỏ lửa trong một giờ cho nhừ đậu và ốc. Trước khi nhắc xuống, cần nêm nếm lại gia vị, tiêu rừng (Amất) cho vừa ăn và thêm 1 ít rau thơm như ngổ điếc, ngò tây…
Nồi hầm, “ốc đá đậu đen” hấp dẫn phải vừa thơm mùi sả vừa ngầy ngậy mùi ốc đá. Nước thì ngọt, đậu thì vừa mềm vừa bùi.
Thông thường người ta ăn bát hầm ốc đá có đầy đủ vị ngọt, bùi rồi mới bốc từng con ốc đưa lên miệng hút.
Món này không những ngon, lạ miệng mà rất tốt cho cơ thể trong những ngày hè nắng nóng, nhiều người cho rằng món ăn này bổ, mát, nhất là sản phụ thiếu sữa thì ăn món canh nầy thì tha hồ sữa cho con bú.
Thú vị nhất là cầm con ốc đưa lên miệng hút chụt chụt mấy cái, ruột ốc bằng đầu đũa tụt ra nằm gọn trên đầu lưỡi. Rồi khi nhai, ruột ốc vừa dai vừa ngọt lại vừa béo hòa quyện với mùi sả ớt thơm nồng xông lên, lan tỏa cả vòm họng khiến ta cảm thấy khoan khoái vô cùng.
Vị ngọt béo của thịt ốc, vị bùi của đậu đen hòa quyên với mùi thơm của các loại rau gia vị khiến bạn ăn rất mê. Món này ăn nóng, mỗi tuần ăn 2 lần vừa có dinh dưỡng vừa phòng chống suy giảm tình dục, nhất là cho người lớn tuổi, vừa tăng sức đề kháng cho cơ thể lúc giao mùa.
Theo các già làng, món ốc đá hầm đậu đen có tác dụng bổ thận, bổ gan, bổ máu; điều hoà kinh nguyệt do gan, thận suy nên hay đi đái đêm và nhất là chống suy giảm tình dục.
Từ xa xưa, ốc đá đã thành món ăn quen thuộc, dân dã trong bữa ăn hằng ngày của đồng bào Cơ tu vùng cao.
Món hầm “ốc đá - đậu đen” không chỉ được dùng cho bữa ăn thuần túy mà còn dùng cho cả những bữa ăn của hò hẹn, của tình cảm, bạn bè, người thân, anh em lâu ngày mới gặp. Món hầm rất đơn giản, mộc mạc như khí chất của cư dân vùng cao này mà lại thân thương, cuốn hút lạ thường.
Ai đã từng thăm chơi, làm việc trên đại ngàn Trường Sơn vùng tây xứ Quảng chắc chắn không thể nào quên bát cháo hầm “ốc đá đậu đen” dân dã mà lại quá thơm ngon và nhiều dinh dưỡng. Cho nên, vùng cao xứ Quảng vẫn còn lưu truyền câu ca: “Thơm ngon “ốc đá đậu đen” / Mời anh dùng thử vợ khen rầm rầm”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.